Nguồn kinh phí thực hiện chương trình từ nguồn ngân sách tỉnh; ngân sách huyện; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác và nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Trong đó, dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để thực hiện chương trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 250 tỷ đồng, mỗi năm bố trí khoảng 50 tỷ đồng.
Theo đó, Quảng Nam sẽ hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với cụm công nghiệp có diện tích từ 5ha trở lên tại địa bàn 9 huyện miền núi (Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn và Tiên Phước) và cụm công nghiệp có diện tích từ 10ha trở lên tại địa bàn các huyện đồng bằng, thị xã, thành phố. Các cụm công nghiệp được hỗ trợ sẽ thuộc diện cụm công nghiệp đầu tư mới trên địa bàn tỉnh hoặc cụm công nghiệp thực hiện di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, khu dân cư, đô thị trên địa bàn tỉnh. Các cụm công nghiệp đầu tư mới sẽ chỉ giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trường hợp không lựa chọn được doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp tại 9 huyện miền núi thì mới giao cho đơn vị sự nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư.
Đối với cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ thông qua ngân sách cấp huyện 100% kinh phí giải phóng mặt bằng; mức hỗ trợ tối đa 20 tỷ đồng/cụm công nghiệp (đối với khu vực các huyện miền núi). Ngân sách tỉnh hỗ trợ thông qua ngân sách cấp huyện 50% kinh phí giải phóng mặt bằng; mức hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng/cụm công nghiệp (đối với khu vực các huyện đồng bằng).
Trường hợp cụm công nghiệp do đơn vị sự nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật thì sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng; 50% tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật (hệ thống thoát nước mưa; hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; khu vực lưu giữ, xử lý chất thải rắn; hệ thống cấp nước; đường giao thông nội bộ) và san lấp mặt bằng; mức hỗ trợ tối đa 25 tỷ đồng/cụm công nghiệp.
Riêng đối với cụm công nghiệp thực hiện di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, khu dân cư, đô thị trên địa bàn tỉnh: Hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng; 70% tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật (hệ thống thoát nước mưa; hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; khu vực lưu giữ, xử lý chất thải rắn; hệ thống cấp nước; đường giao thông nội bộ) và san lấp mặt bằng; mức hỗ trợ tối đa: 30 tỷ đồng/cụm công nghiệp.
Mỗi huyện miền núi sẽ được hỗ trợ tối đa 2 cụm công nghiệp và chỉ được hỗ trợ cụm công nghiệp thứ 2 sau khi cụm công nghiệp thứ nhất lấp đầy trên 50% diện tích đất công nghiệp. Ở các huyện, thị xã, thành phố khu vực đồng bằng sẽ được hỗ trợ 1 cụm công nghiệp phục vụ di dời. Hằng năm, tùy thuộc vào điều kiện, khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, UBND tỉnh sẽ rà soát, tổng hợp vào dự toán ngân sách, trình HĐND tỉnh xem xét, bố trí thêm để thực hiện chương trình.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian qua, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đóng góp vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, cải thiện đời sống dân sinh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Tỉnh đã thu hút được 275 dự án đăng ký đầu tư vào 55 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất thuê và đăng ký là 709,2ha, tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án 113.222 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký theo dự án 62.667 người./.
Hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại
Ở lĩnh vực nông nghiệp, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Các cá nhân, chủ hộ gia đình có vườn, trang trại hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ là những đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ.
Theo đó, các chủ vườn (có diện tích vườn tối thiểu 1000m2), chủ trang trại (ưu tiên trang trại có dự án/phương án sản xuất để khai thác các giá trị kinh tế dưới tán rừng) sẽ được chia làm 3 khu vực hỗ trợ khác nhau, gồm Khu vực 1 (các huyện, thị xã, thành phố: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh và Núi Thành), Khu vực 2 (Hiệp Đức, Tiên Phước và Nông Sơn), Khu vực 3 (Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My và Nam Trà My). Ngoài ra, các chủ vườn, chủ trang trại sẽ được hỗ trợ tham quan, học tập kinh nghiệm về kinh tế vườn, kinh tế trang trại trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, tem điện tử, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nông sản từ vườn, trang trại; hỗ trợ vay vốn; xây dựng, lắp đặt các hệ thống tưới…
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nguồn vốn thực hiện hỗ trợ cho chương trình này sẽ từ nguồn ngân sách của tỉnh, ngân sách cấp huyện; vốn lồng ghép từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án khác và vốn huy động từ các chủ vườn, chủ trang trại và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự kiến, hàng năm ngân sách tỉnh bố trí khoảng 50 tỷ đồng để thực hiện.