Sau khi nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn báo cáo tiến độ, kế hoạch triển khai lập Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã chỉ đạo, yêu cầu đơn vị tư vấn phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung các nhiệm vụ quan trọng.
Lấy quy hoạch không gian làm nòng cốt
Ông Lê Trí Thanh định hướng Quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Nam phải lấy quy hoạch không gian làm nòng cốt, căn bản trên cơ sở đó xây dựng các quy hoạch ngành kinh tế, kỹ thuật, mang tính riêng có, không trùng lắp với các địa phương khác, trong đó cần đảm bảo 4 yếu tố: Đột phá; Khác biệt; Toàn diện; Bền vững.
“Quá trình lập quy hoạch phải gắn với thực hiện các chương trình hành động thực hiện mục tiêu của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII là “đến năm 2030, Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước”; đồng thời có tính khả thi, thích ứng trong triển khai, phù hợp với nguồn lực thực hiện của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và khả năng huy động nguồn lực trong tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển cao của cả nước; định vị được vị trí xứng đáng của Quảng Nam so với cả nước.
Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 phải có tính mở, không cứng nhắc, ràng buộc đối với một chủ thể hay đối tượng cụ thể, dẫn đến khó điều chỉnh, bổ sung sau này. Đối với những đặc điểm mang tính tất yếu phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh, cần xây dựng định hướng chiến lược chắc chắn, làm nền tảng cho sự phát triển; đối với những điều kiện phát triển theo xu thế cần phải xây dựng theo định hướng mở, không bị bó buộc, trong quá trình thực tiễn, phát sinh nhiều vấn đề thì có thể linh hoạt điều chỉnh một cách thích hợp.
Thu thập dữ liệu: yêu cầu quan trọng
Theo ông Lê Trí Thanh, cơ sở dữ liệu phải phản ánh đúng thực trạng phát triển của tỉnh. Đây là căn cứ quan trọng để phân tích, đánh giá, luận chứng, nhận định tổng thể về phát triển kinh tế xã hội, từ đó đưa ra những dự báo sát với thực tế. Trước mắt đơn vị tư vấn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, kế thừa các số liệu theo ngành kinh tế, các quy hoạch vùng, liên vùng đã và đang được triển khai và khẩn trương xây dựng khung dữ liệu đầu vào cần thu thập, gửi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để phối hợp cung cấp. Yêu cầu khung dữ liệu phải chi tiết đến từng danh mục, nội dung, số liệu cần cung cấp để các đơn vị có cơ sở tổng hợp cung cấp thông tin có hệ thống, đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.
Cùng với đó, ông Lê Trí Thanh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng khung dữ liệu và tổ chức thu thập dữ liệu đầu vào cụ thể cho từng đơn vị, địa phương để phục vụ tốt nhất cho công tác tổng hợp, phân tích, lập quy hoạch. “Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm rà soát phối hợp cung cấp tất cả các tài liệu thông tin liên quan cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn theo yêu cầu. Trong quá trình thu thập số liệu ban đầu, trước mắt liên danh tư vấn cử các đơn vị đại diện tại miền Trung tác nghiệp thu thập số liệu đầu vào để phục vụ cho công tác nội nghiệp; đối với công tác khảo sát thực địa, yêu cầu liên danh tư vấn phải cử đúng thành phần chuyên gia khảo sát thực tế điều kiện tại địa phương, làm việc cụ thể với các cơ quan liên quan”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Đồng thời, yêu cầu đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương để khảo sát thực tế, làm việc trực tiếp hoặc trực tuyến (tuỳ tình hình dịch bệnh Covid-19) với các ngành, địa phương để hoàn thành sản phẩm các kỳ báo cáo theo nội dung quy định. Trong đó thời gian hoàn thành nội dung báo cáo đầu kỳ trước ngày 30/11/2021, báo cáo giữa kỳ trước ngày 30/01/2022 và báo cáo cuối kỳ trước ngày 30/4/2022. Yêu cầu đơn vị tư vấn phải có phương pháp làm việc khoa học, tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, đồng thời đảm bảo chất lượng hồ sơ quy hoạch.
“Khi triển khai giai đoạn 2 của đồ án quy hoạch (Báo cáo giữa kỳ), Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng phản biện, trong đó thành phần là những cá nhân, đơn vị am hiểu thực tiễn về Quảng Nam như các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia đã từng nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực, làm việc tại Quảng Nam các tổ chức quốc tế đã tham gia hoạt động lâu năm tại Quảng Nam và các doanh nghiệp lớn đã, đang và dự kiến sẽ đầu tư tại Quảng Nam; việc phản biện theo nguyên tắc quy hoạch phải được hiện thực hoá một cách tốt nhất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ.
Quy hoạch không thể là những phép cộng đơn thuần
Theo ông Lê Trí Thanh, định hướng Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, với sự tích hợp của 14 ngành, lĩnh vực chủ yếu, kết hợp với 18 lãnh thổ cấp huyện là một khối lượng công việc tương đối lớn. Vì thế cần có sự phân công, phân nhiệm công việc các thành viên liên danh của tư vấn thực hiện theo chuyên môn. Đồng thời phải có sự phối hợp xuyên suốt của các đơn vị liên danh trong quá trình lập quy hoạch, trong đó thành viên đứng đầu liên danh phải là đầu mối quan trọng, có trách nhiệm tổng hợp, cân đối hài hòa định hướng phát triển, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột trong quy hoạch.
“Đặc biệt, không để bản quy hoạch là những phép cộng đơn thuần, chồng lấn của các ngành, lĩnh vực hay là mảnh ghép của các lãnh thổ”, ông Lê Trí Thanh nói thêm và cho rằng, quy hoạch lần này phải đảm bảo là một định hướng tổng thể nhất quán, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đặt ra yêu cầu và mục tiêu phát triển rõ ràng, đảm bảo sự cân đối hài hòa giữa quy hoạch không gian và quy hoạch ngành, có sự hỗ trợ tác động qua lại giữa các ngành, lĩnh vực và lãnh thổ; gắn liền với định hướng quy hoạch yêu cầu phải đánh giá sự tác động của môi trường, từ đó có những ứng xử hợp lý với môi trường, lấy sự bền vững của môi trường làm nền tảng cho sự phát triển chiến lược nền kinh tế./.
Định hướng quy hoạch Quảng Nam
Đột phá: Khung định hướng cần đề xuất những tư tưởng và ý tưởng phát triển mới, có tính đột phá trên nền tảng phát huy tối đa các thế mạnh của tỉnh, tạo nền tảng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Khác biệt: Yêu cầu định hướng Quy hoạch tỉnh phải thể hiện sự khác biệt với các địa phương khác, xuất phát từ thực tế, phù hợp với điều kiện đặc điểm, lợi thế riêng của Quảng Nam.
Toàn diện: Nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện, khoa học, trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức, những tác động bên trong, bên ngoài để đề xuất phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam từ đồng bằng đến miền núi.
Bền vững: Phải tạo lập được tính bền vững trong công tác lập và triển khai quy hoạch, thể hiện qua tầm nhìn chiến lược, hạn chế tối đa việc bổ sung, điều chỉnh sau khi được duyệt; bền vững trong định hướng phát triển tất cả các ngành, lĩnh vực trên cơ sở bền vững về xã hội, về tự nhiên, về kỹ thuật và về tài chính.