Aa

Bất động sản 24h: 3 điểm nghẽn lớn nhất của thị trường bất động sản

Thứ Ba, 14/03/2023 - 10:30

3 điểm nghẽn lớn nhất của thị trường bất động sản; Chính phủ kiên quyết xử lý tình trạng cán bộ lơ là, sợ trách nhiệm, sách nhiễu chủ đầu tư bất động sản... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

3 điểm nghẽn lớn nhất của thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng và gần như "ngủ đông" ở một số phân khúc do còn nhiều điểm nghẽn về pháp lý, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng như thanh khoản sụt giảm.

Theo DKRA Group, từ năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng và gần như "ngủ đông" ở một số phân khúc do còn nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ. Trong đó nút thắt về pháp lý hay việc khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng như thanh khoản sụt giảm là 3 điểm nghẽn lớn nhất của thị trường hiện nay.

Thứ nhất là pháp lý. Đơn vị này cho biết, đây là khó khăn lớn nhất của thị trường, hiện nay hơn 70% vướng mắc của các dự án bất động sản liên quan đến vấn đề này.

Số liệu thống kê của các đơn vị cho thấy, tính đến tháng 2/2023 cả nước có hơn 1.000 dự án vướng thủ tục pháp lý. Trong đó, TP.HCM có khoảng 116 dự án và TP. Hà Nội có khoảng 140 dự án vướng pháp lý. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp gặp sức ép khi không có nguồn thu, dự án có nhưng không thể triển khai vì rào cản pháp lý.

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM cho biết, công ty đã chờ đợi gần 8 năm để được giải quyết vướng mắc của các dự án. Một dự án ở quận 8 có 3 block, 2 block, mở bán năm 2016, còn 1 block mở bán từ năm 2017 nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai. Hay như một dự án ở TP. Thủ Đức ra mắt thị trường năm 2019, triển khai thi công xong hầm móng nhưng sau đó lại không được cấp phép xây dựng do vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chính phủ kiên quyết xử lý tình trạng cán bộ lơ là, sợ trách nhiệm, sách nhiễu chủ đầu tư bất động sản

Trong Nghị quyết 33, Chính phủ khẳng định sẽ kiên quyết xử lý tình trạng cán bộ lơ là, không làm hết trách nhiệm, sợ trách nhiệm và sách nhiễu trong thực thi công vụ nhất là trong công tác phê duyệt quy hoạch.

Ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trong đó, Chính phủ có giao các bộ, ngành cơ quan trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao:

Tiếp tục khẩn trương, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; các Công điện (số 1156/CĐ-TTg; số 1163/CĐ-TTg; số 1164/CĐ-TTg;…) và Thông báo Kết luận số 242/TB-VPCP ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Xem thông tin chi tiết tại đây

TS. Nguyễn Trí Hiếu: "Cần giám sát chặt để nguồn vốn vào đúng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân"

Ngày 12/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đây tiếp tục là tin vui đối với thị trường bất động sản, sau Nghị định số 08/2023/NĐ-CP tháo gỡ khó khăn cho trái phiếu doanh nghiệp vừa ban hành cách đây một tuần.

Nghị quyết 33 nêu rõ triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng, cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn đồng Việt Nam bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài Nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể. Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng chương trình.

Trao đổi với Reatimes, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, chủ trương đưa gói 120.000 tỷ đồng mà 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cam kết vào Nghị quyết là rất tốt. Gói hỗ trợ này là giải pháp ngắn hạn mà Chính phủ và các ngân hàng có thể thực hiện ngay để giúp đỡ thị trường.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Quy luật thị trường "có lúc xuống ắt có lúc lên", doanh nghiệp, nhà đầu tư cần giữ vững niềm tin

Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần thứ III và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2022 - 2023 do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức, các chuyên gia tham dự đều khẳng định, năm 2023 sẽ là năm có nhiều khó khăn, thử thách đối với thị trường bất động sản. 

Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing. (Ảnh: Tùng Dương)

Thanh khoản có khả năng vẫn ở mức thấp, nguồn cung tiếp tục khan hiếm, giao dịch sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những khoản nợ đến hạn, thiếu hụt dòng tiền. Thậm chí, các chuyên gia cho rằng, những khó khăn từ nửa cuối năm 2022 sang đến năm 2023 còn nặng nề hơn so với giai đoạn chịu tác động của đại dịch Covid-19 hơn hai năm trước đó. 

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing nhận định: "Thị trường bất động sản trong năm 2023 sẽ tiếp tục chậm lại và có sự thanh lọc mạnh mẽ. Có thể ví sự phát triển của thị trường năm nay giống như một chiếc xe đang chạy trên đường cao tốc và dần chậm lại bởi tín hiệu kiểm tra của cảnh sát giao thông".

Xem thông tin chi tiết tại đây

"Ách tắc" dự án đô thị dưới 20ha

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Luật Đất đai (sửa đổi) là phải khắc phục được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, "xung đột" với các luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Việc lấy ý kiến nhân dân, các bộ, ngành và địa phương trong công tác xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) đang được triển khai hết sức tích cực. Dự kiến tới ngày 15/3, công tác lấy ý kiến nhân dân sẽ hoàn thành, từ đó tổng kết những vấn đề nổi cộm để tiếp tục điều chỉnh phù hợp, hoàn thiện dự thảo luật, tiếp tục trình ra Quốc hội thảo luận và dự kiến thông qua tại kỳ họp cuối năm 2023. Vấn đề quan trọng mà các chuyên gia và người dân quan tâm hiện nay là phải khắc phục được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với các luật khác, đảm bảo sự đồng bộ hệ thống pháp luật trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân như Hiến pháp đã quy định.

Nhiệm vụ quan trọng của Luật Đất đai (sửa đổi) là phải khắc phục được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, "xung đột" với các luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Theo kết quả rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có tổng cộng 112 luật có mối quan hệ với Luật Đất đai. Tờ trình số 350/TTr-CP ngày 27/9/2022 của Chính phủ cũng nêu mục đích, quan điểm xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi): giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách pháp luật có liên quan đến đất đai; đảm bảo đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top