3 điểm nghẽn của phát triển du lịch của vùng Bắc Trung Bộ
Tại diễn đàn: "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ" diễn ra mới đây, đánh giá về phát triển du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, phát triển du lịch của khu vực này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2161/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Theo đó, 6 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động. Sau 5 năm thực hiện quy hoạch phát triển, vùng Bắc Trung Bộ đã tăng trưởng mức khá, đạt khoảng 16%. Tổng số lượng khách năm 2017 là 25,5 triệu lượt, tuy nhiên tỷ lệ khách quốc tế đến khu vực này lại chưa thực sự sôi động.
Chỉ ra những điểm nghẽn của phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ, bà Hương cho biết, thứ nhất, điểm nghẽn nằm ở sự chồng lấn quy hoạch các ngành. Đáng lẽ, khi xác định phát triển du lịch là hướng ưu tiên thì cần tập trung vào việc quy hoạch để có sự phát triển đồng bộ. Nhưng trên thực tế, quy hoạch phát triển du lịch của các địa phương lại chưa liên kết, thậm chí mâu thuẫn với nhau.
“Một số địa phương đặt ưu tiên cả du lịch và công nghiệp khiến đầu tư vào từng lĩnh vực ảnh hưởng lớn. Nếu chúng ta ưu tiên phát triển du lịch thì các khu công nghiệp phải vào sâu bên trong. Thời gian qua, một số vấn đề liên quan ô nhiễm môi trường ven biển là hậu quả đã thấy. Việc giải quyết hậu quả này rất tốn kém và mất nguồn lực xã hội”, bà Hương nhấn mạnh.
Điểm nghẽn thứ hai mà vị này chỉ ra là sự chồng lấn quy hoạch ở các địa phương. Theo đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, xây dựng thương hiệu du lịch mỗi địa phương còn manh mún, mạnh ai nấy làm. Đặc biệt, nhắc tới hạn chế về sản phẩm, dịch vụ du lịch vùng Bắc Trung Bộ, bà Hương cho biết, hoạt động du lịch của khu vực này còn mang tính mùa vụ lớn, đặc biệt là tại các tỉnh phát triển du lịch như Thanh Hoá, Quảng Bình - những nơi chịu ảnh hưởng lớn do yếu tố thời tiết.
Tiếp đó, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng là một hạn chế trong phát triển du lịch ở các địa phương của vùng, như khu du lịch tại Sầm Sơn, Thiên Cầm đã nảy sinh vấn đề ô nhiễm môi trường.
Đâu là giải pháp tháo gỡ?
Trước những hạn chế ấy, đại diện Tổng cục Du lịch đã đề xuất cần tăng cường quảng bá xúc tiến, đa dạng nâng cao các sản phẩm để thu hút khách quốc tế cho khu vực Bắc Trung Bộ.
“Hiện chỉ có cảng Chân Mây đón được tàu khách du lịch, chỉ có 2 sân bay quốc tế nhưng lại hạn chế về đường bay quốc tế, do đó cần sự phối hợp vào cuộc của ngành Giao thông vận tải”, bà Hương nhấn mạnh.
Đồng thời, bà Hương cho rằng, cần khắc phục vấn đề sản phẩm, tăng cường sản phẩm du lịch văn hoá: “Muốn kéo dài thời vụ du lịch phải tích cực hơn xây dựng các hoạt động du lịch bên lề, các lễ hội… đây cũng là điểm kém thu hút các nhà đầu tư chiến lược”.
Đặc biệt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh giải pháp tăng cường hạ tầng kết nối các khu du lịch, nên ưu tiên các hạ tầng đến các khu du lịch quốc gia, sau đó mới đến khu du lịch địa phương; Bố trí thêm kinh phí cho công tác quảng bá xúc tiến, liên kết như mô hình của Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam thông qua kết nối quảng bá số; Có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch vùng.
Cụ thể hơn, bà Hương chỉ ra 8 định hướng, giải pháp cơ bản nên tập trung thực hiện để phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ trong thời gian tới.
Một là, phát triển đa dạng thị trường khách du lịch, đẩy mạnh phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế.
Đối với thị trường du lịch nội địa, chú trọng khách nghỉ dưỡng biển, du lịch về nguồn, nghỉ cuối tuần, lễ hội tâm linh; Khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường du lịch sinh thái và du lịch kết hợp công vụ.
Thứ hai là, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo và đa dạng, phù hợp với nhu cầu thị trường, đảm bảo bền vững về môi trường, sinh thái. Trên cơ sở lợi thế tài nguyên của vùng, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử trên cơ sở khai thác hiệu quả hệ thống di sản thế giới và các di tích văn hóa, lịch sử - cách mạng trong vùng; phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển...
Thứ ba, tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch: Có chiến lược đầu tư phù hợp nhằm phát huy hiệu quả vốn đầu tư, tạo cho môi trường đầu tư thuận lợi để phát triển tương xứng với vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ tư là cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối các khu điểm du lịch của vùng.
Có cơ chế chính sách để khuyến khích người dân và doanh nghiệp tư nhân tham gia góp ý vào các dự án đầu tư, xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch như dịch vụ lưu trú tại nhà dân, dịch vụ ẩm thực, hướng dẫn du lịch bản địa, sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm truyền thống của địa phương, cung cấp sản vật của địa phương cho phát triển du lịch.
Thứ năm, theo bà Hương, cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch vùng Bắc Trung Bộ. Phối hợp với các hãng hàng không trong nước xây dựng chương trình quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ để quảng bá trên các chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam.
Thứ sáu, nâng cao vai trò tham mưu quản lý nhà nước, vai trò của Hiệp hội Du lịch và tăng cường liên kết trong phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ. Hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn nghề quốc gia và khu vực.
Thứ bảy, tăng cường liên kết ứng dụng khoa học công nghệ giữa các địa phương trong vùng. Tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá du lịch.
Cuối cùng là coi trọng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
"Với nhiều lợi thế rất lớn về tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử... cùng với xu hướng đầu tư cho phát triển du lịch tại các tỉnh trong vùng ngày càng mạnh, du lịch vùng Bắc Trung Bộ hứa hẹn sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển du lịch nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời gian tới", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định.