Phát biểu tham luận tại hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản - Tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội” do Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp tổ chức ngày 23/12/2017, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, tuy thị trường bất động sản Hà Nội mới phát triển thực chất khoảng 15 năm gần đây, nhưng đã có bước phát triển quan trọng.
Nhiều dự án phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, khu đô thị mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành, làm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao điều kiện sống của các tầng lớp dân cư.
Trong thời gian 10 năm (1999 - 2009) quỹ nhà ở của Thành phố tăng hơn 2 lần. Giai đoạn 2009 - 2014, quỹ nhà ở của Thành phố tăng từ 134,2 triệu mét vuông lên 166,8 triệu mét vuông, diện tích bình quân nhà ở tăng từ 20,8m2/người lên 23,6 m2/người.
Chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, nhiều khu nhà ở mới khang trang đã và đang dần dần thay thế các khu nhà ở cũ bị xuống cấp, hư hỏng. Nhiều khu dân cư mới, tuyến phố mới được hình thành, góp phần vào việc chỉnh trang bộ mặt đô thị.
Ông Nguyễn Mạnh Hà đánh giá mô hình nhà ở chung cư cao tầng phát triển ngày càng đa dạng từ quy mô, chất lượng, đến đa chức năng sử dụng, tạo nên những khu vực dân cư với môi trường sống văn minh, tiện lợi và hiện đại như các khu: Royal City, Times City của Tập đoàn Vingroup...
Bên cạnh đó, hệ thống quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường bất động sản đã từng bước được hoàn thiện, hình thành khung pháp lý, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng và thuận lợi cho cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, thời gian qua thị trường bất động sản Hà Nội cũng bộc lộ những yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định. Có những giai đoạn thị trường phát triển quá nóng, nhiều dự án phát triển bất động sản được cấp phép không căn cứ vào quy hoạch phát triển đô thị, không có kế hoạch và không phù hợp với nhu cầu có khả năng thanh toán của thị trường; nhiều doanh nghiệp không có chức năng, không đủ năng lực và kinh nghiệm cũng tham gia đầu tư bất động sản, dẫn đến tình trạng lệch pha cung - cầu, hàng tồn kho lớn không bán được dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải dừng triển khai dự án, có doanh nghiệp phá sản.
Người mua nhà cũng gặp khó khăn do chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng hạn, tại nhiều dự án đã xảy ra tranh chấp giữa người mua và chủ đầu tư dự án, nhiều vụ lừa đảo gây thiệt hại lớn cho người mua. Tình trạng đầu tư tràn lan, tự phát hay các dự án chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng giao thông, cấp thoát nước còn diễn ra phổ biến.
Qua phân tích những đặc điểm của thị trường bất động sản Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hà nêu ra 3 giải pháp để khắc phục những tồn tại trong thời gian tới như: Hạn chế phát triển các khu nhà ở mới trong các quận nội thành. Phát triển đô thị theo hướng xây dựng các đô thị hạt nhân với quy mô đủ lớn từ 500, 600 ha trở lên, với quy hoạch hiện đại, thông minh (Smart City). Đồng thời lựa chọn chủ đầu tư có tiềm lực về tài chính, có kinh nghiệm phát triển đô thị.
Về tài chính đô thị, ông Hà đề xuất tiền sử dụng đất, các loại thuế thu được của khu đô thị trước hết phải được đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị đấy. Qua đó có cơ chế tự chủ để chủ đầu tư tạo dựng các khu đô thị đồng bộ.
Cuối cùng, công tác đấu thầu các dự án phải công khai minh bạch, nghiêm túc để thu hút được các nguồn tài chính và các nhà đầu tư có năng lực kinh nghiệm./.