Timeshare chia cơ hội lợi nhuận cho nhiều bên
Nhưng năm gần đây, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam chứng kiến một loại hình sản phẩm mới có tên là Timeshare. Dù có phần còn lạ lẫm tại Việt Nam nhưng trên thực tế, ngành công nghiệp Timeshare đã có lịch sử phát triển thành công trên thế giới hơn 50 năm và ngày càng được ưa chuộng. Vậy Timeshare là gì?
Theo tìm hiểu, Timeshare là từ ghép, kết hợp của 2 từ Time (thời gian) và Share (chia sẻ). Đây là các hoạt động chia sẻ thời gian nghỉ dưỡng (sharing vacation time) tại các khu du lịch resort trong một khung phận địa lý nhất định. Nói cách khác, Timeshare là việc mua quyền sở hữu một BĐS trong một khoảng thời gian nhất định và trong một khoảng địa lý được chọn lựa.
Đánh giá về cơ hội đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng thông qua hình thức Timeshare, các chuyên gia cho rằng, Timeshare là loại hình kinh doanh dịch vụ mang lại nhiều lợi ích không chỉ với chủ đầu tư, mà với cả khách hàng sử dụng.
Timeshare không chỉ cho phép chủ sở hữu gia tăng cơ hội thực hiện những chuyến nghỉ dưỡng hàng năm tại căn hộ đảm bảo chất lượng của mình, mà còn tạo cơ hội đa dạng hóa các trải nghiệm nghỉ dưỡng tại các căn hộ của các chủ sở hữu khác cùng hệ thống.
Đầu tư Timeshare là loại hình đầu tư thu hồi vốn khá nhanh và ít rủi ro, việc BĐS được cho thuê ở phân khúc du lịch nghỉ dưỡng luôn cho lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với phân khúc bình thường. Sự kết hợp hình thức thuê quản lý với hình thức timeshare, cho phép chủ sở hữu khi “đi vắng” sẽ giao lại cho chủ đầu tư quản lý và kinh doanh bất động sản này theo hình thức khách sạn, và cùng nhau chia sẻ lợi nhuận thu được theo hợp đồng cam kết. Nhờ đó, khách hàng có thể tiết kiệm được các chi phí đầu tư ban đầu, bảo dưỡng, chăm sóc khu biệt thự, nhận được thu nhập từ việc cho thuê và hưởng lợi từ sự tăng trưởng bất động sản trong tương lai…
3 kiểu đầu tư Timeshare điển hình
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, các sản phẩm Timeshare có thể phân loại với 3 hình thức phố biến.
Thứ nhất, Deeded Interests (tạm dịch là “hợp đồng bán đứt tài sản”): người mua sẽ nhận được quyền sở hữu tài sản được mua từ những người phát triển và vận hành hệ thống Timeshare. Người mua Timeshare bằng phương thức này sẽ được nhận quyền sở hữu hợp pháp và quyền sử dụng tài sản đó theo khoảng thời gian được đưa ra cụ thể trong hợp đồng. Dưới hình thức ‘deeded', người mua có quyền hợp pháp để: Sử dụng vĩnh viễn tài sản đó; Cho phép để lại như một tài sản thừa kế cho các thành viên trong gia đình; Bán bất động sản khi mà khách hàng không còn muốn giữ tài sản đó.
Thứ hai, Right-to-use (tạm dịch là “hợp đồng quyền sử dụng”): Với hình thức này người mua không có quyền sở hữu tài sản, mà sẽ được sử dụng các cơ sở vật chất của Timeshare trong những khoảng thời gian nhất định. Khi hết thời hạn của khoảng thời gian sở hữu như trên hợp đồng, quyền của người mua đối với bất động sản đó sẽ bị xóa bỏ trừ trường hợp họ tiếp tục ký hợp đồng gia hạn.
Thứ ba, Leasehold agreements (tạm dịch “Hợp đồng thuê BĐS”): loại giao kèo này cũng giống với hình thức quyền sử dụng, tức người mua có quyền nắm giữ quyền lợi thuê bất động sản theo hợp đồng. Các quyền lợi này luôn thấp hơn so với quyền lợi của người nắm giữ toàn bộ tài sản đó (full ownership interest). Trong thực tế, điều này có nghĩa là người mua có quyền sống ở những đơn vị Timeshare trong một khoảng thời gian nhất định, và khi kết thúc thời hạn cho thuê, bất động sản đó sẽ được trao trả lại cho người phát triển và vận hành hệ thống. Một trong những sự khác biệt căn bản giữa “leasehold arrangement” và “right-to-use contract” đó là về khoảng thời gian hiệu lực của hợp đồng. Thông thường thì hợp đồng của ‘leasehold’ sẽ trong một khoảng thời gian ngắn hơn so với hợp đồng ‘right-to-use’.