Đầu năm 2018, Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) bất ngờ trở thành “chảo lửa” của bất động sản khi 3 khu vực này thu hút lượng lớn các nhà đầu tư, môi giới. Giá sản phẩm bất động sản tại các đặc khu kinh tế tương lai đã tăng với tốc độ phi mã khiến thị trường hình thành nên cơn sốt cục bộ.
Kể từ cuối năm 2018, đến đầu năm 2019, cơn sốt đất cục bộ cũng diễn ra tại các khu vực như Gia Lâm (Hà Nội), Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nhơn Trạch (Đồng Nai)…
Giới quan sát cho rằng, giá đất tăng mạnh xuất phát từ rất nhiều lý do khác nhau, nhưng để tạo ra một cơn “sốt” thực sự thì những thông tin xuất hiện buộc phải có mức ảnh hưởng lớn. Dưới đây là những thông tin có khả năng tạo ra cơn sốt đất thực sự.
1. Thông tin quy hoạch về hạ tầng
Theo quy luật đầu tư, ở đâu có quy hoạch về hạ tầng giao thông, ở đó giá đất sẽ gia tăng. Đây được coi là phương châm bỏ vốn thể bỏ qua của các nhà môi giới và đầu tư. Giới đầu tư còn cho rằng, ai là người nắm được thông tin quy hoạch về hạ tầng trước thì sẽ nắm đến 90% cơ hội đầu tư sinh lời. Bởi thông thường, việc xuất hiện những con đường mới hay việc cải tạo các con đường sẽ tạo ra hệ thống giao thông thuận lời. Điều này kéo theo giá đất tại các khu vực xung quanh tuyến đường hình thành sẽ gia tăng.
Điển hình như cơn sốt đất tại khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh) vào thời điểm đầu năm 2019. Kể từ khi sân bay Vân Đồn chính thức được thông tuyến, các nhà đầu tư đã đổ bộ vào khu vực này, tìm kiếm những quỹ đất trống để gom hàng hoặc bán chênh.
Hay như tại Gia Lâm (Hà Nội), với việc xuất hiện của tuyến đường kết nối như Vinhomes Gia Lâm, Vinhomes Riverside, bến xe Cổ Bi, trạm ga Metro số 8, đường Ỷ Lan mở rộng cũng dẫn tới giá sản phẩm bất động sản gia tăng.
2. Dự án bất động sản tiềm năng
“Ăn theo” dự án bất động sản tiềm năng đã trở thành một “từ khóa chính” trong bài toán tìm kiếm cơ hội sinh lời của các nhà đầu tư bất động sản trong thời gian gần đây. Tất nhiên, bài toán đặt ra đó là khả năng đánh giá sức hút của dự án bất động sản tiềm năng của các nhà đầu tư. Giới quan sát cho rằng, uy tín của đơn vị phát triển bất động sản là một trong tiêu chí đánh giá quan trọng độ tiềm năng của dự án bất động sản.
Ngoài ra, quy mô của dự án với việc hình thành chuỗi các tiện ích kèm theo cũng là tiêu chí mà giới đầu tư cân nhắc. Bởi một dự án có lượng khách hàng lớn, thì tất yếu sẽ kéo theo sự gia tăng của các dịch vụ xung quang. Chưa kể, khi dự án hội tụ chuỗi tiện ích thì các khu vực xung quanh có thể được “hưởng” tiện ích đó.
Cuối năm 2018, khi dự án Vinhomes Gia Lâm của tập đoàn Vingroup chính thức được bung hàng, giá đất xung quanh dự án này như khu vực Đa Tốn, Đông Dư, Trâu Quỳ đã nhanh chóng gia tăng, tạo ra cơn sốt săn hàng từ giới đầu tư.
3. Thông tin “nâng cấp” khu vực
Quy hoạch 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm chuyển lên thành quận vào năm 2020; hoặc Móng Cái (Quảng Ninh) trở thành khu đô thị loại 2… là những ví dụ điển hình của thông tin “nâng cấp” khu vực có thể tạo ra những cơn sốt đất.
Theo nhận định của giới đầu tư, đi sau những thông tin quy hoạch “nâng cấp” khu vực là các chính sách thu hút đầu tư lớn từ chính quyền địa phương. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng giao thông cũng sẽ có sự cải thiện nhanh chóng, nhằm đáp ứng tiêu chí mới. Đây là lý do các nhà đầu tư có xu hướng “đi trước đón đầu” trong việc tìm kiếm các sản phẩm bất động sản có khả năng sinh lời tốt.