Aa

3 năm nữa sẽ không còn cát để xây dựng?

Thứ Ba, 08/08/2017 - 15:30

Tình hình nợ xấu ngân hàng ra sao trong 6 tháng đầu năm 2017? Rủi ro từ văn hóa... tùy tiện ở chung cư' Thận trọng khi “thưởng” bằng chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc, Đến năm 2020 dự báo không còn cát để xây dựng... là những thông tin chính của BĐS 24h qua.

Tình hình nợ xấu ngân hàng ra sao trong 6 tháng đầu năm 2017?

Thống kê 12 ngân hàng đã công bố BCTC bán niên (bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, MBB, Eximbank, VIB, VPBank, Techcombank, NCB, SHB và Sacombank) cho thấy, tổng nợ xấu ở mức hơn 65,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm.

Về giá trị tuyệt đối, tất cả 12 ngân hàng khảo sát đều có số nợ xấu gia tăng. Tuy vậy, nhờ đẩy mạnh tín dụng trong 6 tháng đầu năm nên chỉ có 5/12 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm, bao gồm Vietinbank, ACB, VIB, Techcombank và NCB.

Thống kê cho thấy, 7/12 ngân hàng tăng trích lập dự phòng cho 6 tháng đầu năm 2017 với tổng trích lập dự phòng của 12 ngân hàng đạt gần 23,6 nghìn tỷ đồng, tăng tới 27% so với cùng kỳ năm 2016.

ACB là ngân hàng tăng trích lập dự phòng mạnh nhất trong nhóm khảo sát khi dành tới hơn 966 tỷ đồng cho khoản này, chiếm 43% tổng lợi nhuận thuần và gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước. Tại MB, con số này là hơn 1,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với mức 582 tỷ đồng trích lập cùng kỳ năm trước.

Xét về con số tuyệt đối, BIDV hiện đang là nhà băng trích lập dự phòng lớn nhất với việc dành tới hơn 6,2 nghìn tỷ đồng cho việc trích lập, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 62,6% tổng lợi nhuận thuần.

Tương tự, Vietinbank cũng trích lập hơn 4,8 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng tới 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này tại Vietcombank là 3 nghìn tỷ đồng.

Xem thêm tại đây.

Sống ở chung cư: Rủi ro từ văn hóa... tùy tiện

Các tòa nhà chung cư xuất hiện ngày càng nhiều, kéo theo đó là những yếu tố văn hóa cũ – mới đan xen. Bên cạnh những mặt tích cực về lối sống kiểu mới, có không ít người vẫn giữ thói quen tùy tiện, thói quen làng xã nên đã xảy ra nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười.

Hãi hùng khi chứng kiến một nhà đốt vàng mã lửa cháy đùng đùng ở trên ban công, chị Lương Thị Trà, sống ở Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) kể những ngày đầu người dân dọn về ở không ít lần chuông báo cháy reo vang vì nhà thì hóa vàng, nhà dọn chân hương, tất cả cứ ném vào cửa xả rác. Mới đầu chị chỉ nghĩ mới dọn tới ở nên không biết nhưng ở mãi rồi vẫn thấy có nhà hóa vàng ngay ban công.

Mặc dù tòa nhà đã trang bị lò đốt vàng mã tại sân chung cư nhưng vẫn có hộ vô tư đốt vàng mã ngay trong nhà (Nguồn: Vietnamnet)

Trên thực tế, đã có nhiều vụ cháy lớn ở chung cư mà nguyên nhân được xác định là do đốt vàng mã, thắp hương của cư dân. Còn nhớ vào thời điểm cuối năm 2016, vụ cháy tại tòa nhà CT1 Khu đô thị Xa La – Hà Đông là do cư dân hóa vàng sau khi thắp hương ngày mồng 1 âm lịch khiến tàn lửa rơi xuống mái bể bơi bằng nhựa gây cháy. Tương tự, vụ cháy lúc nửa đêm tại tầng 8 CT2 chung cư Rainbow, phường Hoàng Liệt, (Hoàng Mai) là do một chủ một căn hộ trên tầng 8 thắp hương. Lúc đó, ngoài trời gió thổi mạnh nên tàn hương đã bay xuống bén lửa vào bộ bàn ghế bằng da phía dưới, ngọn lửa nhanh chóng bùng lên.

Xem thêm tại đây. 

Hàng loạt ngân hàng "dính" đến đại án Phạm Công Danh và Trầm Bê như thế nào?

Ngày 1/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) bắt tạm giam ông Trầm Bê (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch HĐTD Ngân hàng Sacombank) về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo buộc cùng hành vi, ông Phan Huy Khang (nguyên thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) và 15 người là cựu cán bộ các ngân hàng TPBank, BIDV, giám đốc các công ty... cũng bị bắt giam 4 tháng.

Chín người khác bị khởi tố, song được tại ngoại.

Nhà chức trách cũng thực hiện việc khám xét nơi ở của ông Bê và ông Khang tại Sài Gòn, tiếp tục làm rõ sai phạm của nhiều người liên quan.

Động thái này được Bộ Công an đưa ra trong tiến trình điều tra giai đoạn hai, của đại án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh) gây thất thoát tổng cộng hơn 15.000 tỷ đồng.

Xem thêm tại đây. 

Thận trọng khi “thưởng” bằng chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc

Thời gian gần đây, việc cho phép gia tăng một số chỉ tiêu về quy hoạch - kiến trúc như hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao công trình… là những giải pháp để khuyến khích, kêu gọi đầu tư dự án. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp này chỉ thực sự hiệu quả và bền vững khi được đánh giá toàn diện về các tác động đối với kinh tế - xã hội, đặc biệt là giao thông. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những doanh nghiệp xây dựng các công trình xanh, sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường… sẽ được “thưởng” bằng việc xem xét cho gia tăng một số chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc. Gần đây, giải pháp này cũng được áp dụng để kêu gọi đầu tư cải tạo các chung cư hư hỏng, xuống cấp hay các dự án phục vụ chương trình chỉnh trang đô thị. Đây là giải pháp nhằm cổ vũ và khuyến khích các doanh nghiệp hướng đến việc đầu tư bền vững và hài hòa với lợi ích cộng đồng.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Ngọc Hiếu, Trường Đại học Việt - Đức, cơ sở để nâng hệ số sử dụng đất còn thiếu căn cứ khoa học vì chưa được tính toán trên cơ sở đánh giá tác động giao thông mà chỉ căn cứ trên quan điểm về quy hoạch - kiến trúc; cho nên, nếu nâng hàng loạt chỉ tiêu sẽ khiến “căn bệnh” giao thông trở nên trầm kha hơn.

Xem thêm tại đây. 

Đến năm 2020 dự báo không còn cát để xây dựng

Thời gian vừa qua, trên địa bàn nhiều khu vực, nguồn cung khan hiếm, giá cát xây dựng tăng cao, mỗi nơi một giá. Theo báo cáo Bộ Xây dựng, từ tháng 4/2017, giá cát xây dựng có hiện tượng tăng đột biến với biên độ từ 50/200% so với tháng 3-2017.

Như ở TP. Hồ Chí Minh, ghi nhận tại một số cửa hàng vật liệu xây dựng giá cát vàng dùng trong xây dựng đã tăng lên gấp đôi kể từ đầu năm 2017 đến xấp xỉ 500.000 đồng/m3.

Nhu cầu từ năm 2016 đến năm 2020 cần 2,1 đến 2,3 tỉ m3 cát. Trong khi đó, trữ lượng dự báo hiện nay chỉ hơn 2 tỉ m3 (Ảnh minh họa).

Nhu cầu từ năm 2016 đến năm 2020 cần 2,1 đến 2,3 tỉ m3 cát. Trong khi đó, trữ lượng dự báo hiện nay chỉ hơn 2 tỉ m3 (Ảnh minh họa).

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, theo số liệu báo cáo về lĩnh vực cát xây dựng hiện nay 49/63 tỉnh TP đến hết năm 2016, tổng trữ lượng cát sỏi đã cấp phép khai thác là 691.516 triệu m3.

Cũng theo ông Bắc, số liệu điều tra cho thấy, đến năm 2020 là nhu cầu về cát xây dựng (cát san lấp, cát đổ bê tông, cát xê tô) trữ lượng cát năm 2015 khoảng 50-60 triệu m3 mỗi năm. Đến năm 2020 khoảng 130 triệu m3/năm. Nhu cầu từ năm 2016 đến năm 2020 cần 2,1 đến 2,3 tỉ m3 cát. Trong khi đó, trữ lượng dự báo hiện nay chỉ hơn 2 tỉ m3.

Xem thêm tại đây. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top