Đâu là rào cản đối với người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam?
Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Khánh Duy - Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở, Savills TP.HCM nhận định, từ năm 2015, những sửa đổi trong Luật nhà ở cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được nhìn nhận là một chuyến biến rất khả quan trong chính sách. Nhìn chung, những yêu cầu dành cho đối tượng này đã được quy định khá cụ thể và rõ ràng, từ đó đã tạo ra một nguồn cầu mới và hứa hẹn sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thị trường BĐS nội địa.
Ông Duy cho rằng, việc giới hạn số lượng căn hộ cho phép người nước ngoài sở hữu là rất quan trọng, với mục tiêu giảm thiểu và ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội nói chung. Theo thông tư 19/2016/TT-BXD hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015 / NĐ-CP do Bộ Xây dựng ban hành, quy định về số lượng căn hộ mà người nước ngoài được phép sở hữu nhằm thắt chặt các thủ tục bán lại, tăng tính minh bạch của quy trình thực hiện các thủ tục giấy tờ và hành chính BĐS.
Quy định mới về chi trả khi thu hồi đất
UBND TP.HCM mới đây đã có chỉ đạo về việc tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường phối hợp với chủ đầu tư dự án chuyển toàn bộ số tiền bồi thường, hỗ trợ và tiền lãi phát sinh (nếu có) về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư mở tại Kho bạc Nhà nước, để thuận tiện cho việc kiểm soát thanh toán và thu hồi tạm ứng.
Theo đó, UBND các quận, huyện sẽ phối hợp với chủ đầu tư của từng dự án để xác định tình hình thanh quyết toán, tổng số tiền đã chuyển cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường và số tiền đã chi trả cho người bị thu hồi đất.
Riêng đối với số tiền đã xác định và chi trả cho người bị thu hồi đất, nhưng người bị thu hồi đất chưa đồng ý nhận tiền hoặc đang có tranh chấp và đang gửi tại ngân hàng thì tiếp tục gửi tại ngân hàng và Chủ tịch UBND quận, huyện thường xuyên kiểm tra, đối chiếu định kỳ số tiền bồi thường chưa chi trả này; thực hiện ngay việc xác định và phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ và chi trả cho từng người bị thu hồi đất nếu chưa thực hiện.
Hàng nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp bảo hiểm đổ vào BĐS
Báo cáo Cục quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2017, đầu tư trở lại của các doanh nghiệp bảo hiểm vào nền kinh tế ước đạt 217.592 tỷ đồng, tăng 17,88% so với cùng kỳ năm 2016. Phần lớn các khoản đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm là tiền gửi và trái phiếu Chính phủ.
Cùng đó, trong quý II vừa qua, một số doanh nghiệp đã khá mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, một lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều trái phiếu kỳ hạn dài 30 năm.
Điển hình như CTCP Phát triển tài sản Việt Nam (VAD), công ty con của Công ty Cổ phần PVI (PVI Holdings, mã PVI-HoSE) có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, đã mua lại khu đất thuộc khu đô thị Tây Hồ Tây từ Công ty TNHH Phát triển THT, doanh nghiệp 100% vốn Công ty Daewoo E&C Hàn Quốc.
Loạt ngân hàng được mùa thay nhân sự “tổng”
Từ cuối quý II và đầu quý III/2017, trong quá trình tái cấu trúc, nhiều ngân hàng đã mạnh tay thay đổi dàn tổng giám đốc như EIB tinh giảm 1 nửa Phó tổng giám đốc, Techcombank bổ nhiệm lại phó tổng sau 3 tháng miễn nhiệm, NCB có quyền tổng giám đốc sau gần 1 năm khuyết, "dàn" phó tổng giám đốc hơn 20 người của Sacombank cũng đã thay đổi đáng kể.
Đối với Eximbank, mới đây ngân hàng này đã chấp thuận cho 4 Phó Tổng giám đốc được nghỉ việc theo nguyện vọng gồm ông Lê Hải Lâm, ông Nguyễn Quốc Hương, ông Nguyễn Quang Triết và bà Bùi Đỗ Bích Vân.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa bổ nhiệm ông Phạm Quang Thắng làm Phó Tổng giám đốc kể từ ngày 1/8/2017. Trước đó, vào ngày 19/5, Ngân hàng này đã đồng loạt miễn nhiệm cả 2 Phó Tổng giám đốc là ông Nguyễn Cảnh Vinh và ông Phạm Quang Thắng.
Tranh cãi về dự án 9 năm vẫn... chưa xong
Tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) và chính quyền TP.HCM mới đây, một DN đã phản ánh có dự án chín năm với cả trăm văn bản mà vẫn chưa xong.
Lập tức lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị làm rõ thông tin này để minh bạch, công bằng và để “cơ quan báo chí và dư luận không hiểu nhầm”.
Đại diện Công ty Cổ phần Thảo Điền cho hay công ty là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Bắc Rạch Chiếc tại quận 9. “Sau chín năm với cả trăm văn bản chúng tôi mới được TP chấp thuận đầu tư. Đến khi DN làm thủ tục giao đất thì TP yêu cầu thanh tra lại Công ty Địa ốc 10 - chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính của dự án Bắc Rạch Chiếc - rồi mới giải quyết” - vị đại diện Thảo Điền phản ánh.
Tương tự, đại diện Công ty Him Lam cho hay cũng là một nhà đầu tư thứ cấp tại dự án Bắc Rạch Chiếc như Công ty Cổ phần Thảo Điền với 3 ha đất nhưng thời gian còn lâu hơn. Bởi từ năm 2002, công ty đã bồi thường, giải tỏa xong và đến nay đã hoàn tất hạ tầng nhưng vẫn không được giao đất.