Aa

3 tỉnh miền Tây sẽ có trạm bơm nước 4.800 tỷ đồng

Thứ Sáu, 03/01/2025 - 15:58

Mục tiêu của dự án là đảm bảo nguồn cung cấp nước mặt ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đồng thời khắc phục tình trạng nước nhiễm mặn và thay thế nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức gây ra tình trạng sụt lún tại khu vực.

Dẫn tin từ VnExpress, các tỉnh miền Tây thường xuyên đối mặt với tình trạng hạn mặn và thiếu nước vào các tháng 3 và 4 hàng năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp. Điển hình là đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, được xem là 100 năm mới lặp lại, khiến 160.000ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng và buộc 10 trong số 13 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long phải công bố tình trạng thiên tai. Năm 2020, tình trạng hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng đã khiến 6 tỉnh miền Tây phải công bố tình huống khẩn cấp.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức buổi làm việc với CTCP Đầu tư ngành nước DNP để xem xét đề xuất đầu tư dự án Trạm bơm nước thô vùng Tây Nam sông Hậu và hệ thống ống truyền tải nhằm cung cấp nguồn nước thô cho 3 tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng.

3 tỉnh miền Tây sẽ có trạm bơm nước 4.800 tỷ đồng- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Vietnamnet

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, CTCP Đầu tư ngành nước DNP đề xuất xây dựng Trạm bơm nước thô tại thượng nguồn sông Hậu – khu vực an toàn trước sự xâm nhập mặn. Dự án bao gồm hệ thống tuyến ống truyền tải kín liên vùng, dẫn nước thô đến các nhà máy xử lý nước sạch hiện tại và tương lai trên địa bàn 3 tỉnh.

Mục tiêu của dự án là đảm bảo nguồn cung cấp nước mặt ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đồng thời khắc phục tình trạng nước nhiễm mặn và thay thế nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức gây ra tình trạng sụt lún tại khu vực.

Dự án được thiết kế với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.800 tỷ đồng, trong đó CTCP Đầu tư ngành nước DNP sẽ đầu tư trực tiếp 3.300 tỷ đồng, còn lại 1.500 tỷ đồng sẽ do ngân sách các tỉnh tự đầu tư để xây dựng hệ thống kết nối. Cụ thể: Sóc Trăng đóng góp 500 tỷ đồng, Bạc Liêu 200 tỷ đồng và Cà Mau 800 tỷ đồng.

Trong giai đoạn đầu, dự án sẽ khai thác nguồn nước thô từ sông Cần Thơ, đoạn gần ngã ba nối kênh xáng Xà No, phía thượng nguồn. Tùy theo tình hình xâm nhập mặn, các giai đoạn tiếp theo có thể điều chỉnh vị trí lấy nước dần lên thượng nguồn sông Hậu. Công suất giai đoạn 1 dự kiến đạt 300.000m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất đến năm 2037. Giai đoạn 2 sẽ tăng công suất lên 600.000m3/ngày đêm, đồng thời có dự phòng mở rộng thêm 100.000m3/ngày đêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top