Aa

Vốn đầu tư nước ngoài “thăng hoa” cùng nền kinh tế

Thứ Sáu, 03/01/2025 - 14:39

Xét về con số, thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024 chưa hẳn là thành công lớn. Nhưng đây thực sự là một năm mà dòng đầu tư nước ngoài đã “thăng hoa” cùng nền kinh tế.

Vốn đầu tư nước ngoài “thăng hoa” cùng nền kinh tế- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành Tập đoàn NVIDIA chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Ảnh: TTXVN

Dấu ấn bán dẫn, trí tuệ nhân tạo

Số liệu cuối cùng chưa có, nhưng với con số của 11 tháng là gần 31,4 tỷ USD, sẽ khó để cả năm 2024 đạt được mục tiêu thu hút được 39-40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng 2024 vẫn là một năm thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí, đây  là một điểm sáng của nền kinh tế .

“Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây đã một lần nữa khẳng định điều đó.

Giữa lúc dòng đầu tư toàn cầu vẫn đang suy giảm, lại thêm cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt, thì con số hơn 30 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam vẫn là một thành tựu lớn. Hơn nữa, mặc dù xét về số lượng, con số có thể không quá lớn, nhưng xét về chất lượng, dấu ấn ngày càng rõ nét hơn.

Nếu như năm 2023, câu chuyện Việt Nam và bán dẫn mới dừng ở những cam kết, dù ở thời điểm đó, một số dự án đã đi vào hoạt động, như Amkor, HanaMicron…, thì năm 2024, nhiều cam kết đã được hiện thực hóa. Tâm điểm đáng chú ý chính là việc tỷ phú Jensen Huang của Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) một lần nữa quay trở lại Việt Nam và chính thức ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. NVIDIA cũng đã chính thức “khai sinh” NVIDIA Việt Nam thông qua việc mua lại VinBrain của Vingroup.

“Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Một sự kiện đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ và các quốc gia trên thế giới. Đến mức, báo giới Thái Lan còn lên tiếng phê phán Chính phủ vì đã không thể thu hút NVIDIA về nước mình. Việt Nam đã làm được điều tuyệt vời đó chỉ trong vòng hơn 1 năm, kể từ chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của tỷ phú Jensen Huang vào cuối năm 2023.

“Khi bắt đầu sự kiện hôm nay, tôi cứ ngỡ đã 2 năm trôi qua, nhưng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc tôi rằng, mới chỉ 13 tháng trước. Dường như đã hai năm kể từ khi Thủ tướng đến thăm NVIDIA tại Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ)”, ông Jensen Huang đã nói thế hôm hai bên ký thỏa thuận hợp tác (5/12/2024) và chia sẻ, với rất nhiều nhiệt huyết và sự tin tưởng, Thủ tướng đã thuyết phục ông rằng, Việt Nam nên là ngôi nhà tương lai của NVIDIA.

“Con người Việt Nam, những cơ hội tại Việt Nam là lý tưởng để đầu tư ngay hôm nay”, ông Jensen Huang nói.

Chắc chắn không chỉ ông Jensen Huang biết rằng, những cơ hội tại Việt Nam là “lý tưởng để đầu tư ngay hôm nay”. Thế nên, Amkor đã rất nhanh chóng tăng vốn đầu tư thêm 1,07 tỷ USD trong năm 2024, sớm hơn tới 11 năm so với kế hoạch ban đầu. Lẽ ra, khoản đầu tư này phải tới năm 2035 mới được thực hiện, để nâng tổng vốn đầu tư tại nhà máy ở Bắc Ninh lên 1,6 tỷ USD.

Sự kiện diễn ra từ giữa năm, nhưng tại Hội nghị tổng kết năm 2024 mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vẫn nhắc đến như một thành tựu lớn của tỉnh nhà.

Không chỉ những dự án này, năm 2024, LG Display tiếp tục tăng vốn thêm 1 tỷ USD. Samsung Display cũng cam kết đầu tư thêm 1,8 tỷ USD. Cả Foxconn, Goertek và nhiều tên tuổi lớn khác đã và đang tiếp tục các kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Hiện tại, còn những dự án hàng tỷ USD trong lĩnh vực bán dẫn đang chờ được vào Việt Nam. Chỉ cần có cơ chế đủ mạnh, những bản cam kết được ký…

“Thăng hoa” cùng nền kinh tế

Việt Nam đang tiếp tục thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài. Khi các dự án bán dẫn, AI đổ vào, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội ngàn năm để tăng tốc, phát triển và “thăng hoa”.

Việt Nam đang tiếp tục thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài. Khi các Dự án bán dẫn, trí tuệ nhân tạo đổ vào, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội ngàn năm để tăng tốc, phát triển và “thăng hoa”.

Nhưng không chỉ là các lĩnh vực công nghệ cao, nhiều lĩnh vực kinh tế mới nổi khác cũng sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư. Hiện nay, các kế hoạch xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực ở TP.HCM và Đà Nẵng đang được xây dựng. Việc xây dựng các khu thương mại tự do ở một số địa phương, như Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng… cũng thế. Để hiện thực hóa được các kế hoạch này, rất cần các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn toàn cầu.

“Phát triển trung tâm tài chính quốc tế là ‘cơ hội vàng’ đối với Việt Nam, cơ hội để thu hút đầu tư cả gián tiếp và trực tiếp để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế”, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital đã nhiều lần nói như vậy.

Còn ông Denzel Eades, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam thì cho rằng, việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là một sáng kiến mang tính thay đổi cuộc chơi.

“Cuộc chơi” trong kỷ nguyên mới khiến Việt Nam hiểu rằng, cùng với thu hút đầu tư vào những lĩnh vực truyền thống, đã đến lúc phải tập trung thu hút các dự án lớn trong những lĩnh vực công nghiệp tiên phong, những lĩnh vực kinh tế tiên tiến, hiện đại, bởi đó mới là chìa khóa để nền kinh tế Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên.

“Chúng tôi sẽ tăng cường đối thoại kinh tế, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài lớn, có tính lan tỏa, dẫn dắt cho các ngành, lĩnh vực kinh tế mới, chuỗi giá trị trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, xây dựng chính sách đủ mạnh để kết nối kinh doanh, hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ông cũng nói rằng, sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu phát triển các mô hình kinh tế mới, các ngành, lĩnh vực mới, trong đó bao gồm các đề án trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, các khu thương mại tự do tại một số địa phương, các dự án lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, AI… để tạo động lực mới cho nền kinh tế.

Các thể chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh quốc tế đã và đang được xây dựng. “Tôi tin rằng, các nhà đầu tư cần một cơ chế cởi mở và đột phá hơn. Họ cần sự cam kết từ Chính phủ và một chiến lược rõ ràng để thấy rằng, đây là một kế hoạch bền vững và có tiềm năng”, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã có lần nói như vậy về việc xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào xây trung tâm tài chính ở Việt Nam.

Đó chắc chắn không chỉ là “tiếng lòng” của riêng nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính. Khi có thêm các chính sách cạnh tranh và hấp dẫn, dòng đầu tư chất lượng cao chắc chắn sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam. Đó là lúc dòng đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục “thăng hoa” cùng nền kinh tế…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top