Thông tin này được ông Châu chia sẻ tại tọa đàm “Thị trường BĐS Đồng Nai: Nhận diện cơ hội và rủi ro” diễn ra mới đây. “Chúng tôi rất tiếc là chủ đầu tư các dự án đã chọn nhầm đơn vị môi giới. Hai công ty môi giới này với nhiều thủ đoạn để lừa đảo người mua”, ông Châu cho biết.
Theo Chủ tịch HoREA, 2 công ty môi giới đã dùng những thủ đoạn như đổi tên dự án, đổi tên chủ đầu tư để khách hàng không tìm được chủ đầu tư thật sự.
Thậm chí, công ty môi giới còn tự ý vẽ lại quy hoạch 1/500, thêm thắt nhiều tiện ích không có trong dự án hay nâng giá bán so với giá chủ đầu tư đưa ra từ 100 – 200 triệu đồng. Các dự án có những lùm xùm này nằm tại huyện Nhơn Trạch, Long Thành và Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai.
Ngoài ra, công ty môi giới trên còn dùng “chim mồi” để dẫn dắt khách hàng đi các dự án khác với dự án được giới thiệu ban đầu. Chẳng hạn phía môi giới mời bà con đi mua đất quận 2, đón bà con lên xe rồi nói chỗ này đất đã bán hết hàng, rồi dùng chim mồi hỏi còn chỗ nào khác thì dẫn đi xem, vậy là tiếp theo đó họ dẫn đoàn đi Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom…
Để minh bạch thị trường và tránh thiệt hại cho người mua, theo ông Châu, những hành vi này, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xử lý.
Ông Châu cho biết thêm: “Hiệp hội đã gửi khoảng 20 văn bản cho Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Chủ tịch đã chỉ đạo cho Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh để triển khai xử lý vấn đề nhưng đến nay thực sự chúng tôi cũng không biết kết quả xử lý như thế nào”, ông Châu chia sẻ.
Liên quan đến hai công ty môi giới nói trên, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đồng Nai cho biết, theo thông tin ông nắm được thì hai công ty này đăng ký kinh doanh tại TP.HCM và vụ việc đang được Bộ Công an vào cuộc điều tra.
Các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai cũng đã vào cuộc, đồng thời giao UBND tại địa phương để kiểm tra lại nhà đầu tư, trình trạng sản phẩm của mình đã đưa được ra thị trường chưa… Mọi chuyện đang chờ kết luận từ phía cơ quan điều tra.
Để hạn chế những rủi ro trong quá trình giao dịch nhà đất, theo Luật sư Lâm Đăng Phúc, Phó giám đốc hãng luật Nguyên Giáp, mua bán nhà đất thông qua giấy viết tay khi chưa có Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là sai luật. Người mua sẽ chịu thiệt khi phát sinh tranh chấp.
Nếu có sổ đỏ, thường những trường hợp này lại không đủ điều kiện để giao dịch, chẳng hạn phát sinh vấn đề thừa kế. Một trong những người thừa kế bán đi thì người mua dễ bị tranh chấp. Ngoài ra, trường hợp đồng sở hữu thì người mua cũng chịu thiệt.
Luật sư Phúc cho biết, giao dịch phổ biến nữa là mua bán đất nông nghiệp, mục đích mua bán chỉ hướng và phân lô bán nền. Thường chủ đầu tư không thông qua trình tự quy định, tự phân lô bán, khách mua sẽ gặp rủi ro khi làm thủ tục giấy tờ có thể không làm được nhưng chủ đầu tư cứ hứa.
Ngoài ra, có những trường hợp dự án đất nền tạm gọi là “chính thống”, đúng thủ tục pháp luật nhưng do đơn vị môi giới phân phối và họ sử dụng chiêu trò. Chẳng hạn, môi giới bằng nhiều thủ thuật và móc nối với các bên để tự nhận là chủ đầu tư dự án, viết các hợp đồng mua bán nhưng thực tế người mua sẽ không thể làm sổ đỏ.
Để hạn chế rủi ro về pháp lý sau này, luật sư Phúc khuyến cáo người mua nhà đất nên tìm hiểu thật kỹ lưỡng về dự án, chủ đầu tư cũng như sàn môi giới để gửi gắm niềm tin.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Savills Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu của Savills, tính đến hết năm 2016, Đồng Nai có tổng cộng 55 dự án nhà ở, cung cấp gần 30.200 căn/nền trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Thị trường thứ cấp chiếm 27.600 căn/nền tổng nguồn cung, trong khi đó nguồn cung hiện hữu trên thị trường sơ cấp chỉ khoảng 2.600 căn/nền.
Hạ tầng giao thông mang lại sinh lực cho BĐS Đồng Nai. Thời gian qua, đất nền nơi đây được khách hàng đón nhận hơn so với các phân khúc khác và người mua hướng đến phương thức đầu tư dài hạn, từ 5 – 7 năm.