Aa

300 triệu USD vốn FDI "chảy vào" BĐS - con số biết nói: Kỳ vọng nhiều hơn cho thị trường địa ốc Việt

Thứ Năm, 09/02/2017 - 07:01

300 triệu USD vốn FDI "chảy vào" BĐS trong tháng đầu tiên của năm là con số "lãng mạn", mở ra nhiều kỳ vọng cho thị trường địa ốc Việt năm 2017. Để tìm hiểu sâu hơn "tầm ảnh hưởng" của con số này, Reatimes thực hiện loạt bài "300 triệu USD vốn FDI chảy vào BĐS là con số biết nói!" phản ánh ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế và BĐS.

Mới đây, thông báo về số lượng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong tháng đâu tiên của năm 2017, Tổng cục Thống kê cho biết đã có 297,4 triệu USD "đổ vào" lĩnh vực BĐS, chiếm 20,9%. 

Đánh giá về con số trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Đây là con số khá tốt, nó thể hiện triển vọng của thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian tới đây. Con số này chứng minh dự báo rằng, FDI cho BĐS năm 2017 dự kiến sẽ tăng, đặc biệt khi hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) được đẩy mạnh hơn. Tuy nhiên, FDI cho lĩnh vực này không thể vượt qua ngành công nghiệp chế tạo để trở thành nhóm ngành dẫn đầu trong việc thu hút vốn ngoại. Trong đó, hai mảng thị trường đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn cả là BĐS nghỉ dưỡng và logistics - BĐS khu công nghiệp”.

Năm 2016 với 66 dự án, tương đương với gần 1 tỷ USD vốn đăng ký mới, BĐS đứng thứ hai sau lĩnh vực chế tạo về độ hấp dẫn vốn ngoại. Theo chuyên gia kinh tế, mặc dù con số đó thấp hơn năm 2015 nhưng nhìn chung, các dự án có chất lượng hơn và tỷ lệ vốn FDI thực hiện cao hơn.

Năm qua, thị trường BĐS có nhiều dự án lớn đón nhận được nguồn vốn nước ngoài như: Dự án Midtowen với tổng vốn đầu tư trên 225,6 triệu USD tại TP. HCM; Dự án thành phố Amata Long Thành (Đồng Nai) với vốn đăng ký 309,3 triệu USD của nhà đầu tư Thái Lan đầu tư xây dựng khu đô thị mới…

Bên cạnh đó, nhiều thương vụ M&A được thực hiện thành công. Điển hình như việc hai quỹ đầu tư Hankyu Realty và Nippon Railroad (Nhật Bản) mua lại 50% vốn cổ phần của Công ty CP đầu tư Nam Long phát triển dự án Fuji Residence; Chủ đầu tư khách sạn Duxton Sài Gòn chuyển nhượng khách sạn cho nhà đầu tư ngoại Low Keng Huat với giá trị 49,24 triệu USD; Các nhà đầu tư khác mua lại Empire City, Somerset VistraHCM, Kumho Asian a Plaza,…

Trả lời câu hỏi: "Vì sao thị trường BĐS Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, nhất là từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore?" GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, ngoài những nguyên nhân về môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt, tạo nên lợi thế so sánh hơn các nước trong khu vực, thì có 2 nhân tố gắn với thị trường BĐS.

Một là, dự báo tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng nhanh trong những năm tới (theo nhận định của Ngân hàng HSBC thì tốc độ gia tăng tầng lớp này sẽ nhanh nhất Đông Nam Á, từ 12 triệu vào năm 2012 tăng lên 33 triệu người vào năm 2020).

Hai là, việc Chính phủ Việt Nam cho người nước ngoài sở hữu nhà đang tạo nên sự khác biệt trên thị trường, nhất là phân khúc cao cấp, vì khi họ đầu tư thì được hưởng tỷ suất sinh lợi 7 - 8% tại thị trường Việt Nam, trong khi ở nước họ chỉ 1 - 2%. Điều này sẽ thu hút một lượng lớn vốn FDI vào địa ốc Việt Nam, đặc biệt là những dự án có vị trí, thiết kế đẹp, pháp lý minh bạch, môi trường sống tốt.

Cùng quan điểm, TS Phan Hữu Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, với tiềm năng của một thị trường mới nổi, sự vận động sôi nổi của thị trường cùng những chính sách, nỗ lực của Nhà nước, thị trường BĐS Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục hút dòng vốn đầu tư ngoại trong năm 2017. Những nỗ lực này của Chính phủ và Nhà nước, cùng với quyết tâm của chính quyền nhiều địa phương trong việc xử lý các dự án FDI BĐS “treo” nhằm để dành đất cho các dự án mới, là cách tiếp cận phù hợp nhất trong tình hình hiện nay đối với FDI BĐS.

“Mặc dù còn bộc lộ một số hạn chế trong quá trình đầu tư, song với các động thái tích cực nêu trên cho thấy, trong giai đoạn 2017 – 2020, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục đổ vào thị trường BĐS Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, chúng ta cần phải có cách tiếp cận mới với FDI BĐS để nguồn vốn này được đảm bảo thực hiện hiệu quả và bền vững, thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS Việt Nam”, ông Thắng nói.

Đánh giá về điểm hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, một trong ưu điểm hấp dẫn nguồn vốn nước ngoài là thị trường được quản lý và giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, ông Phong cũng lưu ý đến việc sở hữu "ngầm" tại một số bãi biển và hiện tượng lệch giá gây thất thoát nợ công khi M&A doanh nghiệp Nhà nước có thể cổ phần hóa trong năm nay.

Như vậy, đa phần các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, tổng thể bức tranh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có gam màu sáng là chủ đạo, cả trong đầu tư trực tiếp phát triển các dự án mới, cũng như thông qua hoạt động M&A. Vấn đề hiện nay là cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài, trên cơ sở tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các dự án đã được cấp phép, các dự án đã hoàn thành thủ tục mua lại - sát nhập, tiến hành phân loại dự án khả thi – không khả thi trong triển khai thực hiện, rà soát lại các quy định pháp lý liên quan đến đầu tư - kinh doanh BĐS để sửa đổi điều chỉnh cho sát với thực tiễn đầu tư của các doanh nghiệp. Về dài hạn, cần dành những khu vực nhất định cho đầu tư trong nước, trên cơ sở có một tỷ lệ hài hòa giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài trong BĐS.

Mời quý độc giả đón đọc bài viết số 2: "300 triệu USD vốn FDI chảy vào BĐS - con số biết nói: Mỹ rút khỏi TPP, FDI vào BĐS Việt Nam bị cản trở?" trên Reatimes.vn

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top