VPBank lên sàn, danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán xáo trộn mạnh
Ngày 17/8/2018, cổ phiếu VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chính thức niêm yết cổ phiếu trên HoSE. Kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu VPB đứng giá, đạt 39.000 đồng/cổ phiếu.
Tính tại mức giá 39.000 đồng/cổ phiếu, 5 cổ đông của VPBank đã lọt top 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán, gồm:
Ông Ngô Chí Dũng là Chủ tịch HĐQT ngân hàng hiện nắm giữ hơn 70 triệu cổ phiếu VPBank tương ứng giá trị thị trường là 2.740 tỷ đồng.
Vợ ông Ngô Chí Dũng là bà Hoàng Anh Minh cũng sở hữu gần 68 triệu cổ phiếu VPBank tương ứng giá trị 2.650 tỷ đồng.
Mẹ ông Ngô Chí Dũng là bà Vũ Thị Quyên nắm giữ 66,56 triệu cổ phiếu VPB tương ứng giá trị 2.595 tỷ đồng.
Như vậy, tổng cộng, ông Minh và người thân sở hữu khối tài sản trị giá gần 8 nghìn tỷ trên thị trường chứng khoán Việt.
Với việc VPBank lên sàn, những tỷ phú nổi danh thị trường chứng khoán như ông Trương Gia Bình của Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Duy Hưng của SSI bị đẩy ra khỏi danh sách 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Xem thêm tại đây.
Condotel đứng trước áp lực nguồn cung tăng nhanh
Trong những năm gần đây, nhất là từ năm 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện cơn sốt đầu tư phát triển một loại hình sản phẩm bất động sản du lịch mới ở nước ta đó là các dự án căn hộ khách sạn, biệt thự trong các khu du lịch nghỉ dưỡng (condotel), đang được tập trung phát triển tại các khu vực ven biển, hải đảo như Vân Đồn, Hạ Long, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc...trong đó, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là 3 địa bàn đang phát triển nóng.
Theo thống kê của Savills Việt Nam, hiện tại có khoảng 36 dự án ngôi nhà thứ hai (Second Home) cung cấp hơn 7.000 căn với mức giá từ trung đến cao cấp đang được vận hành tại Việt Nam. Condotel đang là loại hình được ưa chuộng nhất trong các sản phẩm ngôi nhà thứ 2.
Thị trường bất động sản được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi một làn sóng lớn nguồn cung ngôi nhà thứ hai chủ yếu tập trung tại sáu địa điểm ven biển (Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hồ Tràm, Hạ Long & Quảng Nam) gồm hơn 17.000 căn được đưa vào thị trường trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên số lượng dự án hoàn thành vẫn còn rất khiêm tốn so với số lượng được chào bán trên thị trường.
Theo ước tính của đơn vị tư vấn này, đến năm 2019, condotel sẽ chiếm 65% nguồn cung ngôi nhà thứ hai tại các thị trường ven biển chính. Trong thời gian gần đây, ngày càng nhiều dự án được công bố, với sự cạnh tranh mạnh mẽ về quy mô cũng như những khoản cam kết lợi nhuận hấp dẫn. Chủ đầu tư nhanh chóng đặt tên cho dự án của họ tại các địa điểm du lịch của họ là condotel.
Dòng vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào BĐS Việt Nam
Năm 2017, thị trường bất động sản tiếp tục đón nhận nhiều tin vui. Giá bất động sản tương đối ổn định đối với mảng căn hộ để bán, phân khúc nghỉ dưỡng tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ về nguồn cung đặc biệt là loại hình căn hộ khách sạn (condotel) ở một số địa phương giàu tiềm năng du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Phú Quốc, Quy Nhơn…Trong khi đó, điểm nổi bật của thị trường năm nay đó là sự sôi động mảng đất nền ở một số vùng ven thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng.
Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS Việt Nam, lượng giao dịch nhà ở trung bình hàng tháng trong 6 tháng đầu năm 2017 vào khoảng 1.300 - 1.500 giao dịch ở mỗi thành phố Hà Nội và TP.HCM. Do đó, lượng tồn kho BĐS tiếp tục giảm đáng kể, tính đến tháng 4/2017 giá trị chỉ còn 28.369 tỷ đồng.
Cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư mạnh vào các thành phố lớn. Do đó, bất động sản Việt Nam rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam tiếp tục thu hút đáng kể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). FDI giải ngân đạt 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn đăng ký là 19,22 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xem thêm tại đây.
Đẩy nhanh tiến độ GPMB tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội
UBND Thành phố Hà Nội vừa có Văn bản số 186/TB-VP thông báo ý kiến kết luận của đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố tại cuộc họp với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam về các dự án: Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội và Dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho Dự án tuyến đường sắt đô thị 3 Hà Nội.
Theo đó, UBND Thành phố thống nhất kết luận: Về dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội: UBND Thành phố giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội chuẩn bị đầy đủ báo cáo và làm việc với Ngân hàng phát triển Châu Á vào ngày 17/8/2017 để thống nhất kế hoạch giải ngân và các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai gói thầu CP03, cũng như tiến độ thực hiện dự án.
Khẩn trương làm việc với nhà tài trợ ADB về việc cho ý kiến không phản đối kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật để sớm hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu hỗ trợ Chủ đầu tư quản lý dự án (PMS2) trong quý IV/2017. Phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công để sớm hoàn chỉnh tiến độ tổng thể cho dự án và cung cấp thông tin kịp thời cho Ngân hàng phát triển Châu Á và các Nhà tài trợ để đảm bảo giải ngân nhanh nhất, chính xác nhất và triển khai thủ tục gia hạn các Hiệp định vay theo quy định.
Xem thêm tại đây.
4 cảnh báo về cơn sốt căn hộ condotel
Hiệp hội Bất động sản TP HCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm đến những bất ổn tiềm ẩn của thị trường căn hộ condotel kèm theo 4 cảnh báo về mô hình đầu tư mới mẻ nhưng nhanh chóng tạo cơn sốt vài năm qua: Nỗi lo thừa cung, Cam kết lợi nhuận khủng, Không được sở hữu dài hạn, Viễn cảnh bấp bênh.
Năm 2016, tổng nguồn cung căn hộ condotel đã lên đến 16.000 căn. Trong giai đoạn 2017-2019, dự kiến trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 27.000 - 29.000 căn hộ condotel được mở bán. Đa số các sản phẩm có diện tích căn hộ khoảng trên dưới 45m. Sự phát triển các dự án căn hộ condotel đã thu hút nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn rất lớn của xã hội, của các nhà đầu tư thứ cấp, dẫn đến hiện tượng lệch pha dòng tiền đầu tư và nỗi lo thừa cung cũng đang là vấn đề đáng quan ngại.
Đối với loại hợp đồng mua bán căn hộ condotel có cam kết lợi nhuận, Hiệp hội chưa thấy chủ đầu tư có điều khoản nào rõ ràng về hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp kinh doanh căn hộ condotel sau khi hết hạn cam kết lợi nhuận (sau 8-12 năm). Ngoài ra, nhà đầu tư thứ cấp còn phải chịu thuế thu nhập cá nhân khi kinh doanh căn hộ condotel. Đó là chưa kể đến đa số các chủ đầu tư chỉ cam kết lợi nhuận khủng dựa trên dự báo thị trường ngắn hạn, thiếu cơ sở bền vững. Như vậy, xét về bản chất của việc huy động vốn này, nhà đầu tư thứ cấp phải tự gánh chịu rủi ro trong quá trình khai thác, kinh doanh sau giai đoạn cam kết lợi nhuận.
Một số chủ đầu tư đã cam kết với nhà đầu tư thứ cấp sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở đối với căn hộ condotel. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy thực tế cuốn sổ đỏ căn hộ condotel nào được cấp. Cam kết này không phù hợp với quy định tại khoản 3 điều 126 Luật Đất đai đã quy định thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư không quá 50 năm, tại những vùng khó khăn thì không quá 70 năm.
Trong vài năm tới, nguồn cung căn hộ condotel tiếp tục có dấu hiệu phát triển nóng, tăng đột biến, có thể dẫn đến tình trạng bội thực, cung vượt cầu khiến việc kinh doanh có thể không đạt như kỳ vọng, nhất là giai đoạn sau sự kiện APEC cuối năm 2017. Hơn nữa, hiện nay đang có một nghịch lý là tỷ lệ căn hộ condotel tại Việt Nam chiếm 56%, trong lúc tỷ lệ phòng khách sạn chỉ chiếm 44% là không bình thường. Ở các nước trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ phòng khách sạn bao giờ cũng cao hơn căn hộ condotel, nên cần phải có giải pháp định hướng phát triển phù hợp, bền vững.
Xem thêm tại đây.