Ít ngày trước khi dự án đường vành đai 3 TP.HCM được trình Quốc hội ở kỳ họp khóa XV, ông Lương Minh Phúc (Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông - TCIP) cho biết dự án cần vượt qua 4 thách thức rất lớn.
Một là đảm bảo nguồn vốn. Hiện dự án đã được HĐND TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An cam kết nguồn vốn ngân sách địa phương bố trí. Bốn tỉnh, thành phố thống nhất đề xuất cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách Trung ương và địa phương để làm dự án ở giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030.
Trường hợp vốn phát sinh tăng thêm ở những dự án thành phần, các địa phương cam kết tự bố trí vốn ngân sách địa phương.
Hai là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự án phải di dời tái định cư cho hơn 3.500 hộ dân, trong đó hơn 1.500 hộ dự kiến tái định cư tại chỗ, riêng TP.HCM chiếm 2.500 hộ.
Hiện, TP.HCM và 3 địa phương đã thống kê, khảo sát, chuẩn bị các khu tái định cư tại chỗ cho người dân, đồng thời sẵn sàng cho bộ máy nhân lực.
"Khi cơ chế đặc thù được thông qua, chúng ta sẽ triển khai một số bước giải phóng mặt bằng trước khi dự án đến bước khả thi, tranh thủ thời gian từ nay đến hết năm 2023", ông Lương Minh Phúc nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng nhìn nhận giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ khó nhất của dự án. So với 3 tỉnh còn lại, TP.HCM có số hộ trong diện phải giao mặt bằng chiếm phần lớn.
Tuy nhiên, ông cho biết thành phố sẽ tận dụng quỹ nhà trên địa bàn để làm nơi tạm cư cho người dân. Cùng với đó, thành phố tiếp tục xây dựng các khu tái định cư theo nguyên tắc "Cố gắng tái định cư trên địa bàn". Như vậy, người dân ở quận nào có thể tái định cư ở khu vực đó và không phải di chuyển quá xa.
"Chúng tôi đang hoàn thiện phương án trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân. Thành phố cố gắng tạo ra giá đền bù phải thỏa đáng, tái định cư thuận lợi, tạo điều kiện sinh kế, giúp bà con ổn định cuộc sống", ông Mãi nói.
Nói trong cuộc họp khảo sát vành đai 3 chiều 19/5, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết trong 5 cao tốc Chính phủ trình Quốc hội kỳ này, vành đai 3 TP.HCM là dự án có công tác giải phóng mặt bằng "phức tạp nhất". Ông đề nghị các địa phương làm rõ vai trò đầu mối, có sự phối hợp để cơ chế ra sao để tháo gỡ. Đồng thời, 4 địa phương phải đảm bảo dự án thành phần hoàn thành đồng bộ.
Khó khăn thứ 3 là công tác quản lý, điều hành liên vùng. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng với vai trò đầu mối trong 4 địa phương, thành phố là đơn vị cần nỗ lực nhiều hơn.
Theo đó, TP.HCM dự kiến thành lập ban chỉ huy dự án, văn phòng, hội đồng cố vấn gồm chuyên gia lĩnh vực cầu đường, nguyên là lãnh đạo Bộ GTVT, các địa phương có kinh nghiệm để tư vấn cho địa phương.
Khó khăn thứ tư là chuẩn bị vật liệu thi công. Việc thi công khối lượng lớn ở cùng một thời điểm, nguồn nguyên vật liệu phải được chuẩn bị kỹ ngay từ lúc này, đảm bảo sẵn sàng cho giai đoạn thi công sắp tới.
Đường vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34km (đoạn qua TP.HCM 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km). Điểm đầu của dự án là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Khi tuyến đường được đưa vào khai thác, phương tiện vận tải liên tỉnh không cần đi qua trung tâm thành phố, khu vực đông dân cư; tiết kiệm được thời gian hành trình, chi phí, tạo thêm hướng kết nối giữa TP.HCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TP.HCM - Long Thành./.