Khát vọng của cả đất nước
Bước sang năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không ít lần đề cập đến khát vọng đưa đất nước phát triển vượt bậc , mà theo lời Thủ tướng là biến Việt Nam (VN) thành “con hổ mới” về kinh tế của châu Á .
Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn về kinh tế của Thủ tướng, nói: “Khoảng 25 năm trước đây, người ta đã gọi VN là con rồng ngủ quên và cần phải đánh thức nó. Các nước xung quanh chúng ta đã bứt phá rất ngoạn mục. Và VN lẽ ra cũng hoàn toàn có thể làm được như thế”.
Từ khát vọng đến trách nhiệm của lãnh đạo quốc gia
PV: Thưa ông, nhưng rõ ràng là gần đây Thủ tướng đã đề cập đến khát vọng “con hổ mới” và cũng nhìn nhận rất thực tế là VN chưa đạt được vào nhóm các “con hổ châu Á”…
TS. Nguyễn Đình Cung: Đưa đất nước đạt đến độ phát triển đó không chỉ là khát vọng mà còn phải là trách nhiệm của những người lãnh đạo, của đảng cầm quyền. Người lãnh đạo khi có khát vọng cháy bỏng và trách nhiệm sẽ khơi dậy được nhiệt huyết, ý thức sáng tạo trong từng người dân để các sáng kiến được áp dụng, các cơ hội được tận dụng và các nguồn lực được sử dụng hiệu quả cho phát triển.
Như tôi nói, 25 hoặc 30 năm trước đây, khát vọng biến đất nước thành con hổ, con rồng đã được nói tới. Nhưng bẵng đi một thời gian, khát khao này dường như bị lãng quên. Chúng ta loanh quanh với những con số 5%-7% tăng trưởng và hài lòng là quốc gia thuộc loại có tăng trưởng cao, quý này cải thiện hơn quý khác, năm này cao hơn năm khác… nhưng không thể bứt lên một cách mạnh mẽ được.
PV: Và các nước khác đã vượt lên như thực tế chúng ta đã thấy. Điều gì đã làm nên sự bứt phá vượt bậc đó mà chúng ta cần học hỏi ở họ, thưa ông?
TS. Nguyễn Đình Cung: Kinh nghiệm của các nước xung quanh, nếu muốn trở thành “con hổ châu Á” là phải tăng trưởng cao liên tục trong vòng 10-20 năm. Chẳng hạn, Nhật Bản như GS Trần Văn Thọ nói, họ có 6.000 ngày thay đổi, tức khoảng 20 năm. Hàn Quốc cũng chừng đó năm. Còn VN chúng ta có 30 năm đổi mới, gần 10.000 ngày. Thời gian của VN để bứt phá thành con hổ là không còn nhiều.
Điều quan trọng là khát vọng và trách nhiệm đưa quốc gia bứt phá không phải chỉ của một nhà lãnh đạo và cũng không chỉ là việc đề cập đến khát vọng, nó phải trở thành ý thức và tham vọng của cả đất nước.
Tận dụng cơ hội và sử dụng thật hiệu quả các nguồn lực
PV: Thưa ông, bối cảnh, không gian phát triển hiện nay đã thay đổi khá nhiều so với trước đây. Vậy cơ hội để VN bứt phá “thành con hổ mới” sẽ như thế nào trong tình hình hiện nay?
TS. Nguyễn Đình Cung: Bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi và bối cảnh VN hiện cũng khác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… trước kia. Nhưng không có nghĩa là VN không có cơ hội.
Chúng ta đã tính đến nguồn lực, vị trí, lợi thế, cơ hội, năng lực cạnh tranh… nhưng chưa thể tận dụng và sử dụng nguồn lực hiệu quả và còn nhiều lực cản… Chẳng hạn, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo ra nhiều cơ hội nhưng chủ yếu là khu vực FDI tận dụng được lợi thế, còn các doanh nghiệp (DN) VN lại không tận dụng được. Giả sử trong thời gian qua, các DN tư nhân VN chỉ cần thay thế được một nửa vai trò của FDI thì chắc chắn khu vực kinh tế tư nhân không èo uột và nền kinh tế bứt phá hơn.
PV: Chắc ông muốn nói tới việc các DN nhà nước nắm trong tay nguồn lực lớn như thế mà lại kém hiệu quả và lãng phí, mất mát?
TS. Nguyễn Đình Cung: 30 năm qua chúng ta luôn nói tới việc DN nhà nước chưa đóng góp tương xứng với nguồn lực vốn có. Nghĩa là chi phí cơ hội thì DN nhà nước đã làm hao mòn nguồn lực, tiềm năng phát triển và thịnh vượng quốc gia.
Tại sao 30 năm rồi không có một tập đoàn kinh tế nổi lên, kể cả tư nhân và nhà nước tương tự Samsung, Hyundai, Toyota, Sony… với những sản phẩm riêng biệt, vươn tới toàn cầu để kéo theo các DN khác?
Các nhà lãnh đạo phải trăn trở như thế để tìm ra được những cái bất ổn trong cơ chế và các thể chế liên quan.
Hoàn chỉnh thể chế kinh tế thị trường
PV: Thể chế không ổn thì ai cũng biết nhưng cụ thể là thế nào? Điểm nghẽn nằm ở đâu?
TS. Nguyễn Đình Cung: Chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô nhưng lại rất ngắn hạn. Cứ ổn định một thời gian rồi lại bất ổn. Chu kỳ 10 năm có người đề cập thì thực ra là năm năm ổn định và năm năm bất ổn. Ổn định kinh tế vĩ mô vì vậy là… không ổn định về dài hạn. Chúng ta cần phải hoàn chỉnh nền kinh tế thị trường (KTTT). Tất nhiên, có KTTT chưa chắc đã thành công. Nhưng dứt khoát không có KTTT thì chắc chắn không thành công.
30 năm cải cách, chúng ta vẫn còn có những biểu hiện nửa vời. Chính sự nửa vời ấy làm cho KTTT nước ta méo mó, nhất là trong phân bố nguồn lực và bị chi phối bởi nhiều yếu tố mang tính hành chính.
Để VN thành hổ thì đúng như Thủ tướng từng nhấn mạnh: “Thể chế, thể chế và thể chế”.
PV: Tôi vẫn muốn hỏi cụ thể hơn. Vậy thể chế đó là gì, cần cải cách gì?
TS. Nguyễn Đình Cung: Trước hết về mặt tư duy, chúng ta phải dứt khoát chuyển sang KTTT, phải nhất quán điều này. Trên thế giới, DN nhà nước có cần không? Cần nhưng không phải o bế nó để nó tồn tại. Nó phải hoạt động theo nguyên tắc KTTT như các DN khác và được ứng xử bình đẳng như những thành phần kinh tế khác để tự thân lớn mạnh và thể hiện vai trò của mình.
PV: Tức là mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng?
TS. Nguyễn Đình Cung: Trong một nền KTTT, các khu vực kinh tế phải bổ sung cho nhau. Theo lẽ đó, khu vực kinh tế nào cũng phải quan trọng trong một nền kinh tế thống nhất, tương tự con người phải có đầy đủ các bộ phận và không bộ phận nào quan trọng hơn bộ phận nào mà tất cả đều quan trọng.
Khi dứt khoát chuyển sang KTTT thì những nguyên tắc của KTTT sẽ được áp dụng để điều chỉnh vai trò của các thành phần trong nền kinh tế và các thị trường sẽ được hình thành. Nhà nước sẽ chỉ còn thiết kế luật chơi cho thị trường vận hành, không còn cơ chế hành chính xin-cho và thị trường sẽ thay thế. Vai trò của Nhà nước cũng sẽ thay đổi khi chúng ta dứt khoát chuyển sang KTTT.
Không được phép để cỗ máy phát triển dừng lại Tăng trưởng và phát triển là một cuộc đua marathon đường trường chứ không phải là một cuộc chạy đua nước rút. Chúng ta không được chủ quan và thỏa mãn với kết quả đạt được, không được phép để quán tính cỗ máy phát triển dừng lại. Trong thời gian tới, Việt Nam cần kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo. Cần nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũ như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, đặc biệt trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng của nước ta chỉ kéo dài thêm khoảng hai thập niên nữa và áp lực quốc tế ngày một gay gắt hơn… Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các khuyến cáo là "thể chế, thể chế và thể chế" phù hợp hơn với kinh tế thị trường. Mọi người cùng tham gia công cuộc xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình mà nhiều nước ASEAN từng gặp phải. (Trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018" ngày 11/1) Các bộ trưởng cần nói và làm nhiều hơn Sức nóng trong khát vọng của những người lãnh đạo là rất cần thiết cho cả hệ thống chuyển động. Nhưng nếu chỉ có Thủ tướng đề cập đến khát vọng và những điểm mới có lẽ chưa đủ. Các bộ trưởng cũng cần phải lên tiếng khẳng định khát vọng và trách nhiệm trong lĩnh vực của mình để chia sẻ sứ mệnh đưa VN trở thành con hổ mới với Thủ tướng. Bởi vì chỉ khi các bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương nói ra thông điệp của mình, ý định cải cách của mình thì khi đó người dân và DN mới hiểu và ủng hộ khi họ biết mình sẽ được lợi gì, có cơ hội gì, có vai trò gì trong những cải cách ấy. TS. Nguyễn Đình Cung Chính phủ cần hành động mạnh mẽ như cam kết Vài ba năm tới là cơ hội bứt phá lớn nếu Việt Nam (VN) tận dụng được. Nếu chậm chân thì VN sẽ mất mát. Đây là thời điểm VN cần sắp xếp lại các vấn đề trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang tái cấu trúc. Các nhà đầu tư đang ngập ngừng trong lựa chọn đầu tư đi đầu. Nếu Chính phủ đẩy mạnh theo các chương trình hành động, theo cam kết của Chính phủ cũng như tinh thần khởi nghiệp của người VN, có "hệ sinh thái" để thúc đẩy nó thì VN có cơ hội bứt phá vượt lên. Như vậy, việc quyết tâm để trở thành một trong ba nền kinh tế có năng lực cạnh tranh về thể chế mạnh nhất trong ASEAN, hoặc tiến tới tiêu chuẩn OECD sẽ là một động lực chính để thúc đẩy phát triển. Khi đó, kinh tế tư nhân sẽ là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế VN. Và cải cách thể chế sẽ là đòn bẩy quan trọng nhất để kinh tế tư nhân có thể vượt lên. VN có nhiều lợi thế về tiềm năng: Dân số đông, tăng trưởng kinh tế của VN thuộc hàng cao nhất trên thế giới, tầng lớp tiêu dùng trung lưu đang đông đảo, dự báo đến năm 2030 sẽ có 50% dân số thuộc tầng lớp trung lưu, lao động trẻ, năng động. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu tại APEC 2017: "VN là trái tim của khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương". Như vậy, với một chính phủ quyết tâm, cộng đồng doanh nghiệp và người dân vốn có tinh thần khởi nghiệp cao, cùng với vị trí địa chính trị quan trọng của quốc gia thì VN hoàn toàn có thể tăng trưởng với tốc độ cao hơn trong thời gian tới. TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN Tăng cường năng lực phản ứng của nền kinh tế Theo khảo sát của Nhật về doanh nghiệp (DN) đầu tư của họ tại VN, có khoảng 25.000 DN đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở VN, trong đó các DN Nhật Bản chiếm một phần tư số vốn. Dự kiến 25% số DN mở rộng đầu tư kinh doanh vào năm 2018. Đây là một tín hiệu tích cực. Khảo sát của Trung tâm Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia thì khoảng 62% DN VN đánh giá tình hình quý I-2018 khả quan. Con số ấn tượng nữa theo điều tra Trung tâm Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia tháng 10-2017, số DN VN sử dụng máy móc, thiết bị sản xuất từ 10 năm gần đây là 62,5%. Trong đó DN sử dụng máy móc từ năm 2011 đến 2016 là 32%. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, năm vừa rồi có ba điểm mới là trong số 35 tỉ USD vốn đăng ký thì có 6 tỉ USD mua bán và sáp nhập. Năm 2016 chỉ có gần 4 tỉ USD, chắc chắn năm 2018 còn nhiều hơn. Điều thứ hai rất quan trọng là trong số 7,5 tỉ USD đầu tư vào ngành công nghiệp thì công nghiệp chế tạo có giá trị gia tăng cao. Trong đó các thiết bị điện tử, linh kiện điện tử như máy tính bảng, smartphone cũng đạt giá trị tăng cao. Mặc dù vậy tôi nghĩ rằng năm 2018 không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức không hề nhỏ. Nhìn vào đầu năm, thế giới có rất nhiều chuyện liên quan đến chính trị, khủng bố nên không ai có thể dự báo được diễn biến thị trường. Vì thế, khi hội nhập sâu rộng vào thế giới cần tăng cường năng lực phản ứng để đủ sức đối phó với bất kỳ tình huống nào. Do đó, tôi đồng tình với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi cho rằng dù chúng ta cố gắng rất nhiều nhưng GDP trên đầu người gần 2.400 USD vẫn còn chưa cao. Trong ASEAN, GDP của Indonesia đã vượt quá 1.000 tỉ USD trong khi GDP của Việt Nam chỉ có 220 tỉ USD. Hy vọng những thành tựu kinh tế mà chúng ta đã đạt được sẽ trở thành tiền đề vững chắc cho năm 2018 và tiếp theo. GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài |