Aa

5 giải pháp trọng tâm của ngành Xây dựng để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025

Thứ Sáu, 21/02/2025 - 14:39

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, Bộ sẽ tiếp tục tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nguồn lực; tháo gỡ nút thắt, vướng mắc của nhiều dự án; nỗ lực hoàn thành mục tiêu 3.000km cao tốc, sân bay Long Thành...

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế sáng 21/2, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, lĩnh vực giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp xóa bỏ khoảng cách địa lý, mở ra thị trường mới và tạo không gian phát triển kinh tế cho đất nước. Đây cũng là lĩnh vực có tác động thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch.

5 giải pháp trọng tâm của ngành Xây dựng để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu tại hội nghị.

Năm 2024, với những nỗ lực của ngành, lĩnh vực xây dựng, vận tải và kho bãi đã đóng góp 12,5% GDP cả nước, trong đó ngành xây dựng chiếm 6,6%, ngành vận tải 5,9%, đóng góp 1,13 điểm % vào mức tăng trưởng GDP 7,09%. 

Xác định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Bộ Xây dựng đã đề ra các giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu tăng trưởng được giao.

Trước hết, về xây dựng các công trình giao thông, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, ngành xây dựng cần tăng trưởng 8,95%, đóng góp khoảng 0,59 điểm % vào mức tăng chung. Thống kê những năm qua cho thấy, lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông thường chiếm 10 - 15% GDP ngành Xây dựng. Do đó, để đạt mục tiêu này, tăng trưởng lĩnh vực xây dựng công trình giao thông phải đạt 18% so với năm 2024, tương đương khoảng 110.000 tỷ đồng.

Về kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các tuyến đường mới trong năm 2025, dự kiến tổng vốn giải ngân đạt khoảng 128.000 tỷ đồng, bảo đảm đóng góp 0,6 điểm % vào mức tăng trưởng GDP 8% của cả nước. 

Trong lĩnh vực vận tải, đặc biệt là hàng hải, để đóng góp vào tăng trưởng chung, GDP vận tải và kho bãi cần tăng tối thiểu 13,5% so với năm 2024, đóng góp 0,8 điểm % vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề xuất 5 giải pháp trọng tâm. 

Trước tiên, về thể chế, Luật Đường sắt sẽ được xem xét thông qua, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực, tháo gỡ vướng mắc trong các dự án để giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế.

"Chúng tôi tiếp tục tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa về môi trường để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực, tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc của nhiều dự án để giải phóng nguồn lực", Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết.

Thứ hai, về giải ngân vốn đầu tư công, mục tiêu là đạt 100%, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai các dự án.

Thứ ba, tập trung triển khai các dự án hạ tầng lớn nhằm đạt mục tiêu hoàn thành trên 3.000 km đường bộ cao tốc, 1.000 km đường biển, đồng thời cơ bản hoàn thành Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Thứ tư, phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực vận tải hàng hải, đường thủy, đường bộ, đường không, đặc biệt là đường sắt nhằm nâng cao năng lực kết nối và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Thứ năm, đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ động xác định và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân phát triển, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top