Aa

Thủ tướng: Tăng trưởng cao phải đi đôi với tăng trưởng bền vững

Thứ Sáu, 21/02/2025 - 12:04

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tăng trưởng cao phải đi đôi với bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Sáng 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại như 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 95 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước, 50 năm giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước và 80 năm ngày truyền thống Công an nhân dân. Đây cũng là năm tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương, tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đồng thời hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra, hướng đến 2 cột mốc phát triển quan trọng: đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng: Tăng trưởng cao phải đi đôi với tăng trưởng bền vững- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo Thủ tướng, tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng hàng đầu để thực hiện các mục tiêu này, bởi  không chỉ quyết định quy mô nền kinh tế mà còn tác động trực tiếp đến thu nhập bình quân đầu người và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

"Không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay tới 2045, chỉ có như vậy mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và vươn lên, đạt được các mục tiêu chiến lược, thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho biết, vừa qua, Chính phủ đã đề xuất với Trung ương và Quốc hội mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, hướng tới tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo. Trung ương đã ban hành Kết luận 123 vào ngày 24/1, Quốc hội thông qua Nghị quyết ngày 19/2 và Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho các địa phương, bộ, ngành.

Nhấn mạnh tinh thần quyết liệt, Thủ tướng khẳng định: “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ có bàn làm, không bàn lùi. Vấn đề là làm thế nào”?

Dẫn kinh nghiệm quốc tế và công bố mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Thủ tướng cho biết trong hơn 30 năm qua, chỉ có 34 nền kinh tế thoát bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có thu nhập cao, trong khi 108 quốc gia vẫn chưa vượt qua được ngưỡng này. Hầu hết các nền kinh tế thành công đều duy trì tăng trưởng cao trong khoảng 30 năm, như Nhật Bản đạt mức trung bình 11,5%/năm giai đoạn 1951-1973, Hàn Quốc 9,6%/năm trong giai đoạn 1963-1996, Trung Quốc khoảng 10%/năm từ 1978-2011, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 8,9%/năm từ 1952-1989, và Singapore 8,5%/năm trong giai đoạn 1961-1997.

Trong khi đó, theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam duy trì mức tăng trưởng khoảng 6,4% trong gần 40 năm kể từ Đổi mới (1986). Năm 2024, quy mô GDP Việt Nam đạt trên 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.700 USD. Nếu tiếp tục tăng trưởng ở mức 7%/năm, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đạt 2 mục tiêu 100 năm. Do đó, để thực hiện mục tiêu chiến lược, trong 2 thập kỷ tới, nền kinh tế cần phải bứt phá mạnh mẽ. 

“Chặng đường chúng ta đi còn rất gian lao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025, Việt Nam phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó, mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% có ý nghĩa then chốt, tạo đà, tạo thế và tạo lực cho những năm tiếp theo để hướng tới tăng trưởng 2 con số. Đây là nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và tinh thần chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Thủ tướng cho rằng, muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực kinh tế, từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân đều phải đạt mức tăng trưởng tương ứng. Không thể chỉ dựa vào một vài địa phương, một vài ngành hay một số doanh nghiệp tăng trưởng cao để kéo cả nền kinh tế đi lên.

Bên cạnh đó, tăng trưởng cao phải đi đôi với bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Không thể hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần hành động quyết liệt:“Mục tiêu đã đề ra, không làm không được. Cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư công. Làm việc nào dứt điểm việc đó, làm việc nào ra việc đó. Đây là thời điểm chúng ta phải tăng tốc, bứt phá, về đích, tận dụng mọi thời cơ để đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, bay cao, vươn xa. Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, Việt Nam cần chủ động tranh thủ thời cơ, biến thách thức thành động lực để phát triển”,Thủ tướng nhấn mạnh.

Muốn đạt tăng trưởng cao, Thủ tướng cho rằng cần làm mới các động lực truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức. Ngoài ra, Việt Nam cần khai thác các không gian phát triển mới, bao gồm không gian biển, không gian ngầm và không gian vũ trụ. Để làm được điều này, quốc gia phải có nguồn lực về con người, vốn, công nghệ và thể chế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý cần giảm chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR), bởi mức ICOR hiện nay vẫn cao, phản ánh hiệu quả đầu tư còn thấp. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cải thiện tỷ lệ này, đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước, đóng góp ý kiến, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đặc biệt là những giải pháp mang tính “đòn bẩy - điểm tựa” để tạo tác động mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao.

“Thời gian, trí tuệ và quyết đoán là những yếu tố quyết định thành công”,Thủ tướng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top