Aa

5 lý do chưa nên xin quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa

Thứ Sáu, 25/12/2020 - 09:32

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 4 chợ đầu mối (1 chợ chưa xây dựng) thì có đến 2 chợ đang phải bù lỗ hoặc hoạt động cầm chừng. Thiết nghĩ, thay vì mở thêm chợ mới thì nên giải quyết bài toán phát triển của những chợ hiện tại.

Chợ mở ra phải thu hẹp phạm vi hoạt động

Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được quy hoạch 4 chợ đầu mối gồm: Chợ đầu mối rau quả Đông Hương (nay là chợ đầu mối Đông Hương); Chợ đầu mối phía Tây (thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn); Chợ đầu mối huyện Thọ Xuân; Chợ đầu mối hải sản Cảng Hới (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn); Chợ đầu mối gia súc (Định Long, Yên Định) được UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch sang xã Hạnh Phúc (nay là thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân) với tên gọi chợ đầu mối huyện Thọ Xuân.

Hiện nay, 4 chợ đầu mối trên đã được UBND tỉnh cho các doanh nghiệp thuê đất đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác. Trong đó, có 2 chợ đầu mối gồm chợ đầu mối Đông Hương, chợ đầu mối huyện Thọ Xuân đã đi vào hoạt động. Chợ đầu mối phía Tây chưa hoàn thành đầu tư. Còn chợ đầu mối hải cảng Cảng Hới đã đi vào hoạt động nhưng chưa thu hút được tiểu thương.

Theo khảo sát thực tế của phóng viên, toàn tỉnh Thanh Hóa có 4 chợ đầu mối (1 chợ chưa xây dựng) thì có đến 2 chợ phải bù lỗ hoặc hoạt động cầm chừng, khiến chủ đầu tư “méo mặt” và 1 chợ chưa hoạt động hết công suất thiết kế.

Cụ thể, chợ đầu mối Thọ Xuân có diện tích hơn 3,2ha, tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng. Chợ được quy hoạch gần 400 điểm kinh doanh, hạ tầng đồng bộ, hiện đại với các hạng mục. Chợ được khánh thành hồi cuối tháng 10/2020. Đây là chợ đầu mối chuyên cung cấp các mặt hàng thực phẩm đi các huyện phía tây Thanh Hóa.

Hiện nay hoạt động kinh doanh buôn bán của tiểu thương còn gặp nhiều khó khăn do nguồn khách hạn chế, nên doanh nghiệp phải bỏ tiền túi, hỗ trợ, bù lỗ cho bà con.

“Doanh nghiệp phải chấp nhận chịu lỗ, bỏ tiền túi để hỗ trợ cho tiểu thương 6 tháng tiền thuê mặt bằng; Hỗ trợ 50.0000đ/ngày cho các tiểu thương; Hỗ trợ 100.000đ/trâu, bò vào chợ; hỗ trợ tiền điện nước, các loại phí. Như vậy tính trung bình, chủ đầu tư phải bỏ khoảng vài chục triệu/ngày để hỗ trợ các tiểu thương kinh doanh, buôn bán để động viên, hỗ trợ họ gắn bó với chợ. Hy vọng trong một vài năm tới khi chợ đi vào hoạt động ổn định, chúng tôi sẽ có nguồn thu”, ông Lê Việt - Trưởng ban quản lý chợ đầu mối Thọ Xuân cho biết.

Chợ đầu mối hải sản Cảng Hới. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Tương tự, chợ đầu mối hải sản Cảng Hới (Sầm Sơn) được đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng, nhưng theo phản ánh của chủ đầu tư, hiện nay nhiều hạng mục vẫn chưa hoạt động hết công suất, thậm chí một số hạng mục công trình phải “cửa đóng, then cài”.

“Hạng mục kho cấp đông đã đi vào hoạt động và ổn định. Tuy nhiên các ki - ốt chợ ngoài trời phải đóng cửa vì bà con tiểu thương không vào họp mặc dù doanh nghiệp và chính quyền đã nhiều lần vận động”, vị chủ đầu tư chợ cho hay.

Trong khi đó, theo bà con tiểu thương, việc vận chuyển cá từ cảng cá vào chợ tốn kém chi phí và gặp nhiều bất cập…

“Tàu đánh cá vào cảng có khi cả chục tấn cá, nếu vận chuyển số lượng lớn như vậy vào chợ để bán sẽ rất bất tiện cho ngư dân vì phải thuê người vận chuyển, bốc vác… tăng thêm chi phí. Những năm gần đây, nghề cá gặp nhiều khó khăn, chi phí cao mà sản lượng thu được thấp. Nếu tăng thêm nhiều chi phí phát sinh khác sẽ rất khó khăn cho ngư dân”, một tiểu thương cho hay.

Trong khi đó, tại chợ đầu mối Đông Hương, khá nhiều gian hàng hiện vẫn chưa có tiểu thương vào kinh doanh buôn bán. Theo đại diện chủ đầu tư, hiện nay, công suất hoạt động của chợ mới chỉ đạt khoảng 75-80%. Thậm chí, thời gian đầu đi vào hoạt động, chủ đầu tư còn phải đối mặt với áp lực chịu lỗ để hỗ trợ bà con tiểu thương trong hoạt động kinh doanh buôn bán.

Quy hoạch chợ cần khối óc và trái tim

Chợ, xét ở một góc độ nào đó, được xem là hoạt động kinh doanh bất động sản. Ở đó, nhà đầu tư bỏ tiền ra để thuê đất, đầu tư hạ tầng và kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, hiện không ít dự án có sử dụng đất (trong đó có chợ) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chậm tiến độ, hoặc bỏ hoang, đã được báo chí nhắc khá nhiều cách đây không lâu. Có khá nhiều nguyên nhân để lý giải cho thực trạng trên, nhưng có lẽ không thể loại trừ nguyên nhân được cho là tầm nhìn quy hoạch và việc đánh giá tính khả thi của dự án còn nhiều bất cập. Bài học về những dự án “chết yểu”, gây lãng phí nguồn lực được phơi bày ra trước mắt, thế nhưng ít khi người ta được tỏ tường về trách nhiệm trong công tác tham mưu, phê duyệt dự án.

Từ thực tiễn trên, đặt ra vấn đề mang tính cấp bách đó là cần đánh giá một cách cụ thể hiệu quả đầu tư, hoạt động của các chợ đầu mối nói riêng, chợ trên địa bàn tỉnh nói chung khi các dự án chợ đã được đầu tư lên tới cả trăm tỷ đồng. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các chợ, trong đó có chợ đầu mối cũng là căn cứ thực tiễn để xem xét, đề xuất, quy hoạch phát triển chợ phù hợp với tình hình, kinh tế - xã hội ở địa phương, tránh lãng phí nguồn lực và tiền của của nhà đầu tư.

Hay nói cách khác, trong quy hoạch đô thị nói chung, quy hoạch chợ nói riêng, trước hết xuất phát từ hiện trạng, thực tiễn, để đánh giá, dự báo dài hạn, định ra hướng phát triển và mong muốn thực hiện trong tương lai. Việc đánh giá phải căn cứ vào thực tiễn khoa học, đúng kết thành lý luận và nâng lên tầm quy hoạch có tính chiến lược, lâu dài, chứ không phải thích là quy hoạch, hoặc quy hoạch xong rồi để đó.

Tại chợ đầu mối Đông Hương, hiện nay nhiều ki-ot vẫn chưa hoạt động hết công suất.

Tham chiếu từ lý luận trên, một số chuyên gia về quy hoạch phát triển chợ cho rằng, chưa nên xin quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa, bởi lẽ:

Thứ nhất: Cơ quan có thẩm quyền khi đưa ra đề xuất quy hoạch chợ, nhưng chưa có đánh giá cụ thể, bài bản khoa học về tính cấp thiết của việc xây dựng chợ đầu mối phía Bắc Thanh Hóa. Điều này đồng nghĩa với việc, không thể quy hoạch chợ đầu mối theo cảm tính khi các luận cứ khoa học về quy hoạch chợ chưa được đánh giá một cách khách quan, đúng quy định.

Thứ hai: Chưa có đánh giá khoa học, thực tiễn về tác động của quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc với quy hoạch đô thị thành phố Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa và ngược lại để chứng minh rằng, việc quy hoạch chợ là phù hợp với quy hoạch chung.

Thứ 3: Việc đề xuất xin quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố tại xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) dễ gây “xung đột” đối với dự án chợ khác diện tích hơn 3ha đã được tỉnh phê duyệt, cho thuê đất tại xã này. Hay nói cách khác, việc quy hoạch thêm 1 chợ nữa (chợ đầu mối phía Bắc thành phố) sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đã được chấp thuận chủ trương, đầu tư xây dựng trước đó. 

Điều này cần phải được xem xét một cách hết sức thận trọng để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp. Mặt khác, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Thanh Hóa và khu vực ngoại thành có bán kính chưa đầy 10km đã được chấp thuận chủ trương và quy hoạch 2 chợ đầu mối. Nếu quy hoạch thêm một chợ đầu mối nữa với diện tích 30 - 40ha thì cần tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, tránh "dẫm chân" lên nhau.

Thứ 4: Việc xin quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa nhưng chưa có bất cứ khảo sát, đánh giá sơ bộ nào về tác động của vùng (các tỉnh lân cận Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nam…), kho tàng, bến bãi trình độ phát triển của vùng sản xuất, việc cung ứng hàng hóa và mạng lưới giao thông hiện tại và tương lai, thị trường tiêu thụ, phát triển đồng bộ hệ sinh thái hỗ trợ, hệ thống logistic chuyên nghiệp, nông sản, hàng hóa… Điều này có quyết định tới hiệu quả của việc quy hoạch, xây dựng chợ đầu mối phía Bắc trong tương lai.

Thứ 5: Chưa xem xét trình quy hoạch chợ đầu mối Đông Hương cũng là phương án ổn định tâm lý tiểu thương nói riêng, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Thanh Hóa nói chung. Hay nói cách khác, không thể xem nhẹ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư và tiểu thương chợ đầu mối Đông Hương ở thời điểm hiện tại, khi thông tin xin quy hoạch chợ mới của thành phố có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới đời sống, tâm lý của tiểu thương. Trong khi đó, nhà đầu tư đã bỏ hàng trăm tỷ đồng để đầu tư vào chợ và khi chưa thu hồi được vốn đã tính toán tới phương án di chuyển chợ, rõ ràng là câu chuyện bất hợp lý.

Chưa có phương án đảm bảo quyền lợi của tiểu thương và chủ đầu tư nếu chợ đầu mối Đông Hương phải di chuyển đi nơi khác, trong khi đó, văn bản đề xuất xin quy hoạch chợ mới của thành phố Thanh Hóa liên quan trực tiếp, gián tiếp tới quyền lợi của họ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top