Aa

5 nhóm chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân chính thức trình Quốc hội

Thứ Năm, 15/05/2025 - 15:43

5 nhóm chính sách cấp bách hỗ trợ kinh tế tư nhân, bao gồm cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp cận đất đai, hỗ trợ tài chính - tín dụng, đổi mới sáng tạo và hình thành doanh nghiệp tiên phong đã chính thức trình Quốc hội.

Sáng 15/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

5 nhóm chính sách lớn hỗ trợ kinh tế tư nhân

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm rõ ràng, mang tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay nhằm thúc đẩy niềm tin và hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân. Các cơ chế, chính sách này hiện chưa được thể chế hóa đầy đủ hoặc cần sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đồng thời không nằm trong phạm vi điều chỉnh của các Luật thuộc Chương trình xây dựng pháp luật Kỳ này.

5 nhóm chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân chính thức trình Quốc hội- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình Dự thảo nghị quyết. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Cụ thể, dự thảo thể chế hóa 5 nhóm chính sách lớn gồm:

(1) Cải thiện môi trường kinh doanh: Quy định về nguyên tắc thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Ngoài ra, quy định nguyên tắc xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và thủ tục phá sản theo hướng rút gọn.

(2) Hỗ trợ tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh: Chính sách hỗ trợ đặc biệt như tiếp cận đất đai, mặt bằng tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ; hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công.

(3) Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công: Gồm hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp cho các dự án xanh, tuần hoàn, mở rộng phạm vi hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.

(4) Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực: Ưu đãi thuế cho hoạt động nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nhà nước trong việc xây dựng hoặc thuê, mua nền tảng dùng chung; triển khai Chương trình đào tạo 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030.

(5) Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong: Bao gồm cơ chế đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu đối với các dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Lưu ý để đảm bảo hiệu quả triển khai

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết theo trình tự rút gọn và nội dung thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW. Dự thảo phù hợp Hiến pháp, đảm bảo quốc phòng, an ninh và yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

5 nhóm chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân chính thức trình Quốc hội- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả triển khai, cơ quan thẩm tra đề nghị:

Về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, đánh giá việc thực thi hiện hành; ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng chi tiết ngay sau khi Nghị quyết được ban hành; khẩn trương sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để tăng hiệu lực pháp lý và ổn định lâu dài.

Về tiếp cận đất đai, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cũng đề nghị nghiên cứu hoàn thiện quy định hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ để tránh cơ chế "xin - cho", trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể về hình thức hoàn trả cho chủ đầu tư bảo đảm tính khả thi của quy định, tương ứng với hình thức trả tiền thuê đất.

Về hỗ trợ tài chính - tín dụng, hộ và cá nhân kinh doanh thuộc khu vực tư nhân được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn cho dự án xanh, tuần hoàn theo tiêu chuẩn ESG. Cần rút kinh nghiệm từ triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15, quy định rõ đối tượng thụ hưởng, và đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc thanh tra, kiểm tra đã đề ra.

Liên quan đến tổ chức thực hiện, một số nội dung mang tính tổ chức có thể thay đổi theo thực tế nên không thuộc thẩm quyền Quốc hội. Còn lại, ông Phan Văn Mãi đề xuất cần đưa vào văn bản hướng dẫn của Chính phủ theo đúng tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW và Kết luận 119-KL/TW./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top