1. Vốn FDI vào thị trường bất động sản tăng mạnh
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị góp vốn FDI của nhà đầu tư nước ngoài đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ trọng của nguồn vốn vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 5,54 tỷ USD, chiếm 27,2% tổng lượng FDI đầu tư vào Việt Nam.
Đánh giá của giới chuyên gia cho rằng, nguồn vốn FDI tăng thể hiện sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam. Thông qua các hợp tác liên kết, thị trường bất động sản Việt Nam dự đoán sẽ tiếp đón nguồn cung dồi dào hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần phải đánh giá thận trọng chất lượng và cách quản lý nguồn vốn FDI vào Việt Nam.
2. GDP tăng trưởng
6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước thể hiện nhịp tăng trưởng đều và ổn định của nền kinh tế. Điều này dẫn tới sự gia tăng của GDP/đầu người.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, GDP trên đầu người tại Việt Nam vẫn đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong khi mức giá nhà vẫn bình ổn. Đây là cơ hội để kích cầu tăng.
3. Tín dụng bất động sản
Ngân hàng Nhà nước siết chặt các khoản vay sẽ ảnh hưởng tới các chủ đầu tư nhỏ lẻ. Dự án có nguồn vốn thấp, chủ đầu tư yếu kém về nguồn lực sẽ khó phát triển dự án và bị thanh lọc dần. Thị trường dành chỗ cho các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính tốt, có chiến lược kinh doanh rõ ràng. Điều này giúp ổn định thị trường, giảm nguy cơ rủi ro cho dự án và các khách hàng, cũng như các nhà đầu tư.
Mặt khác, khi lãi suất cho vay tăng cũng khiến cho người tiêu dùng và nhà đầu tư phải gánh mức lãi suất cao, ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ, điều đó cũng làm cho giao dịch thị trường bất động sản giảm.
Dự báo về thị trường bất động sản ở giai đoạn sau, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, với những xáo trộn vĩ mô ở thời điểm hiện tại, ngân hàng Nhà nước sẽ có khả năng đẩy lãi suất lên, khiến thị trường chuyến biến phức tạp. “Đây là dấu hiệu cảnh báo rủi ro cho thị trường bất động sản”.
4. Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán 3 tháng đầu năm giữ đà tăng trưởng mạnh từ cuối năm 2017 và lập đỉnh vào tháng 3/2018. Từ tháng 4, trước diễn biến xấu từ nền kinh tế thế giới, thị trường vấp phải áp lực bán rất mạnh và liên tục lao dốc. Dòng vốn ngoại có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, dòng tiền trong những tháng cuối quý II/2018 đứng ngoài thị trường khiến thanh khoản liên tục duy trì ở mức thấp. Dòng tiền vào các doanh nghiệp bất động sản vì thế cũng giảm đáng kể, ảnh hưởng đến nguồn lực đầu tư cho các dự án.
5. Chính sách pháp luật
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản đã có sự biến động mạnh sau các quyết đinh, chính sách của cơ quan chính quyền địa phương trong việc kiểm soát cơn sốt đất nền, tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đặc biệt, ở 3 đặc khu kinh tế tương lai là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), các quyết định hành chính đã khiến thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại.
Tháng 5 vừa qua, dự thảo Luật Đặc khu kinh tế tạm dừng đã tác động mạnh đến thị trường bất động sản ở 3 đặc khu kinh tế tương lai. Điều này cũng khiến thị trường đất nền các tỉnh có dấu hiệu bắt đầu hạ nhiệt.