Chỉ số chứng khoán Mỹ như đồng loạt giảm sâu trong phiên 11/10 từ 3% đến gần 5% là do tác động việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao, cũng như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang lên tầng nấc mới.
Ảnh hưởng từ làn sóng bán tháo từ chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Á cũng đồng loạt lao dốc khi mở cửa phiên sáng 11/10 và Việt Nam không là ngoại lệ. Trong phiên sáng, có thời điểm VN-Index mất tới hơn hơn 55 điểm. Tuy nhiên, đến cuối phiên chiều nhờ cầu bắt đáy hoạt động tích cực nên đà giảm thị trường đã hạn chế phần nào.
Dù vậy, với mức giảm 4,84% trong phiên 11/10 đã xác lập phiên lao dốc thứ 2 kể từ đầu năm, sau phiên giao dịch ngày 5/2/2018 với mức giảm 5,1%. Nếu tính trong 3 năm gần nhất, đây là phiên "gặp hạn" thứ 3, sau phiên ngày 24/8/2015 với mức giảm 5,28%. Còn nếu tính từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động đến nay thì đây là phiên “nhuốm máu” thứ bảy được xác lập, trong đó phiên giảm kỷ lục của thị trường là ngày 8/5/2014 - phiên diễn ra sự kiện biển Đông với mức giảm lên tới 5,87%.
Trong phiên giao dịch 11/10 với đà bán tháo trên toàn thị trường, số lượng mã giảm ghi nhận trên 3 sàn giao dịch là 580 mã, trong đó có 146 mã giảm sàn và chỉ có 86 mã tăng.
Kết thúc phiên, VN-Index giảm 48,07 điểm (-4,84%) xuống 845,89 điểm. HNX-Index giảm 6,59 điểm (-5,79%) xuống 107,17 điểm.
Khối ngoại trên thị trường vẫn giao dịch vẫn theo chiều hướng xấu. Họ mua vào 18 triệu cổ phiếu, trị giá 662,8 tỷ đồng, trong khi bán ra 22,2 triệu cổ phiếu, trị giá 923,9 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 4,1 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng đạt 261 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 284 tỷ đồng (giảm 21% so với phiên trước), tương ứng giá trị bán ròng là 4,1 triệu cổ phiếu. Đây là phiên mà khối ngoại sàn HoSE đã bán ròng trong 7 phiên liên tiếp với tổng giá trị đạt 1.376 tỷ đồng.
Như vậy, tổng vốn hóa sàn HoSE bị bốc hơi 153,5 nghìn tỷ đồng. Chỉ riêng 10 cổ phiếu lớn nhất đã mất 90.400 tỷ đồng. Bốn cổ phiếu có vốn hóa giảm trên 10.000 tỷ là GAS (16,1 nghìn tỷ), VCB (14,4 nghìn tỷ) và VHM (12 nghìn tỷ) và VIC (11,5 nghìn tỷ).
Bên HNX, 2 chỉ số HNX Index và Upcom Index giảm lần lượt 5,79% và 3,59%, tương ứng vốn hóa thị trường giảm tổng cộng 10,5 nghìn tỷ đồng.
Như vậy tổng cộng vốn hóa của 2 sàn niêm yết cùng với Upcom đã giảm tổng cộng 164,9 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 7,2 tỷ USD.
Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm trên 5% - tức lớn hơn mức giảm VN-Index: GAS, MSN, VPB, CTG và BID giảm sàn; VCB, VRE, TCB, PLX giảm trên 6%, FPT giảm 5,7%...
Cổ phiếu chủ chốt của sàn HNX là ACB giảm 7,7% là nguyên nhân chính dẫn đến việc HNX Index giảm sâu hơn hẳn VN-Index.
Với diễn bến thị trường hiện tại, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội – SHS đưa ra nhận định: Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2018 đến nay với lần lượt 4,84% và 5,79% trên hai chỉ số VN-Index và HNX-Index. Chỉ với một phiên giảm đã lấy đi thành quả tăng của thị trường trong hơn 2 tháng vừa qua.
Trên góc nhìn kỹ thuật, phiên giảm mạnh này đã đưa VN-Index về gần với đường trendline tăng trưởng từ năm 2016 đến nay trong khoảng 930-940 điểm và đây sẽ là một vùng giá vô cùng quan trọng của thị trường trong các phiên tiếp theo. Nếu lực cầu trong vùng giá nên trên có sự phản ứng tốt thì có thể kỳ vọng vào một nhịp hồi phục kỹ thuật sẽ diễn ra. Chiều ngược lại, nếu vùng giá trên không trụ được thì rủi ro VN-Index giảm tiếp là khá lớn mà gần nhất có thể về ngưỡng tâm lý 900 điểm.
Dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index có thể hồi phục trở lại nếu như vùng hỗ trợ tương ứng với trendline tăng trưởng từ năm 2016 đến nay trong khoảng 930-940 điểm không bị xuyên thủng. Nhà đầu tư cần quan sát kỹ phản ứng của thị trường trong vùng hỗ trợ mạnh 930-940 điểm trong phiên tiếp theo, cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu nếu vùng này bị xuyên thủng.