Aa

78% doanh nghiệp hài lòng về cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2019

Thứ Hai, 18/11/2019 - 16:00

Kết quả chung đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp năm 2019 là 7,79 điểm, quy ra tỷ lệ phần trăm là 78%, tăng 3% so với năm 2016.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 18/11 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức hội thảo công bố "Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế - Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2019," do nhóm nghiên cứu của VCCI thực hiện trên cơ sở thu thập, khảo sát và phân tích dữ liệu từ 1.727 doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc, nhằm thực hiện Đề án "Đo lường sự hài lòng của người nộp thuế với sự phục vụ của cơ quan thuế".

Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng nhóm nghiên cứu VCCI, cho biết theo khảo sát suốt 5 năm qua (từ năm 2014 - 2019), những nỗ lực cải cách, đơn giản hóa chính sách và thủ tục hành chính thuế... của Bộ Tài chính nói chung và Tổng cục Thuế nói riêng đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, tiết kiệm thời gian, công sức cho doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá khá tốt.

Kết quả chung đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp năm 2019 là 7,79 điểm, quy ra tỷ lệ phần trăm là 78%, tăng 3% so với năm 2016.

Các chỉ số đánh giá được tiến hành cho thấy, việc tiếp cận thông tin thuế đạt 7,96 điểm; thực hiện thủ tục hành chính thuế đạt 7,76 điểm; thanh tra, kiểm tra thuế đạt 7,20 điểm; cải thiện chất lượng phục vụ của công chức thuế đạt 7,86 điểm và kết quả giải quyết công việc đạt 8,19 điểm.

Theo kết quả các chỉ số thành phần so sánh với kết quả năm 2016 có 3 chỉ số tăng điểm là sự phục vụ của công chức thuế, tiếp cận thông tin và kết quả giải quyết công việc; có 2 chỉ số giảm điểm nhẹ là thực hiện thủ tục hành chính thuế và thanh tra, kiểm tra thuế.

Ông Tuấn cho biết thêm doanh nghiệp tham gia khảo sát năm 2019 cũng được hỏi về mức độ nhận biết các phương thức quản lý rủi ro trong kiểm tra, thanh tra thuế.

Đây là nội dung mới được đưa vào khảo sát năm 2019 là quản lý thuế dựa trên đánh giá mức độ rủi ro. Theo đó, 61% doanh nghiệp tự nhận diện được các rủi ro ở mức "trung bình", "cao" hoặc "rất cao."

Điều đó phản ánh, doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao hơn thì nhiều khả năng bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn...

Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, việc đo lường sự hài lòng của doanh nghiệp với cơ quan thuế nhằm thu thập những thông tin phản hồi, sự đánh giá của người nộp thuế với các chương trình cải cách của cơ quan thuế và có phương pháp lượng hóa theo các tiêu thức cố định so sánh được qua thời gian, làm cơ sở đánh giá việc thực hiện mục tiêu "đến năm 2020, tối thiểu có 80% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp" theo Chiến lược cải cách Thuế - đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Việc đánh giá lần này được thực hiện bởi bên thứ 3 độc lập là VCCI chứ không phải cơ quan thuế tự đánh giá nên đáp ứng các tiêu chí về đánh giá hiệu quả quản lý thuế theo tiêu chuẩn Tadat (Bộ công cụ đánh giá hiệu quả quản lý thuế) nhằm thu thập thông tin phản hồi, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan thuế.

Kết quả công bố đã phản ánh thực trạng cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế trên toàn quốc dưới góc nhìn của doanh nghiệp.

Đây cũng là kênh tham khảo cho các cơ quan Nhà nước có liên quan trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển hệ thống thuế.

Đánh giá và so sánh chất lượng hoạt động của cơ quan thuế về các chỉ số qua các năm, giúp ngành thuế nhận diện được những điểm mạnh để tiếp tục phát huy và các điểm yếu để cải thiện.

Đại diện ngành tài chính tiếp nhận kết quả công bố từ VCCI, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá cao tính khách quan, khoa học và kết quả đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính thuế mà nhóm nghiên cứu VCCI đã tiến hành.

Đây cũng là cơ hội để ngành thuế lắng nghe, tiếp thu những ý kiến và phản ánh từ người dân, từ cộng đồng doanh nghiệp để khắc phục những tồn tại, hạn chế và cải thiện chất lượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế.

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, với sự chỉ đạo của Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành, các địa phương và VCCI; cũng như các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, ngành tài chính đã có nhiều nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính thuế và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Ngành đã xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền để cắt giảm và đơn giản hóa hàng trăm giờ nộp thuế cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Năm 2019, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội các đề xuất, sửa đổi về thu nộp thuế với những nội dung quan trọng xuất phát từ thực tiễn yêu cầu cải cách thủ tục hành chính thuế, tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế và để ứng dụng khoa học công nghệ vào việc cải cách thuế.

Có thể thấy, nhờ việc triển khai mạnh mẽ những thành quả khoa học công nghệ trong việc nộp thuế để tạo điều kiện thuận lợi lớn cho người nộp thuế. Hiện nay, đã có 133/304 thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4.

Tính đến tháng 10/2019, có 99% các doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử. Ngành tài chính đã phối hợp với 52 ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ thu thuế điện tử. Bên cạnh đó, cũng đã có 93% doanh nghiệp thực hiện hoàn thuế điện tử.

Bộ Tài chính cũng đã phê duyệt kế hoạch sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế quận, huyện, xã thành các chi cục khu vực của thành phố để kiện toàn bộ máy tổ chức, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách, đổi mới cho ngành thuế để phấn đấu tới năm 2020 sẽ giảm số chi cục thuế hiện tại.

Tính đến thời điểm này, ngành thuế hợp nhất từ 401 chi cục thành 190 chi cục khu vực, giảm 211 chi cục thuế và sẽ tiếp tục còn giảm tiếp trong thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cam kết, Bộ Tài chính và Tổng cục thuế sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đào tạo tập huấn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thuế cũng như chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ; rèn luyện tác phong làm việc và tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ công chức thuế...

Điều này đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đã tăng 1,5 điểm chỉ số so với năm 2016 nhưng sẽ cần tiếp tục được cải thiện hơn nữa và nâng điểm hơn nữa trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top