Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, đất nước ta trong năm 2025 sẽ có cả cơ hội và thách thức đan xen. Mặc dù khó khăn vẫn nhiều hơn thuận lợi, song Việt Nam có thể tận dụng các thời cơ mới từ sự thay đổi của cục diện kinh tế - chính trị thế giới, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, thương mại, đầu tư toàn cầu, cũng như những xu hướng lớn về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế số và kinh tế xanh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị.
Theo Thứ trưởng, có 8 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Thứ nhất là những thành tựu của đất nước, các ngành, lĩnh vực, địa phương sau 40 năm Đổi mới, tạo vị thế, uy tín và động lực cho tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Thứ hai là áp dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm đã được Trung ương, Chính phủ tổng kêt, rút ra trong công tác chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, nhất là trong năm 2024.
Thứ ba là những tư duy mới, cách làm mới, thể chế mới, đột phá và các chính sách, giải pháp linh hoạt, đồng bộ, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM và các địa phương được áp dụng cơ chế thí điểm, đặc thù.
Thứ tư là hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Thứ năm là các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các hành lang kinh tế, không gian, động lực phát triển mới từ các dự án hạ tầng chiến lược, các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng.
Thứ sáu là việc Quốc hội đã cho phép điều chỉnh các chỉ tiêu lạm phát, bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài... , tạo điều kiện để đẩy mạnh các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng.
Thứ bảy là phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước; các nguồn lực bị ách tắc, lãng phí được đưa ngay vào nền kinh tế.
Thứ tám là các chính sách, quy định mới, đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Về nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh, cần tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và dự án. Đồng thời, cần xóa bỏ định kiến về doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, cũng như các quy định mới mang tính đột phá, đặc biệt là cơ chế “luồng xanh” cho các dự án công nghệ cao.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai Nghị quyết số 57, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn để thực thi những chính sách mới mà Quốc hội đã cho phép thí điểm trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, đấu thầu…, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn trong hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ cũng là yêu cầu cấp thiết, với nguyên tắc “vướng ở đâu, gỡ ở đó”, cấp nào có thẩm quyền thì cấp đó chủ động thực hiện hoặc đề xuất sửa đổi, hoàn thiện. Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành. Đồng thời, cần xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế và tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh du lịch nội địa, với mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên. Đối với du lịch, năm 2025 đặt mục tiêu đón và phục vụ 22 -2 3 triệu lượt khách quốc tế, 120 - 130 triệu lượt khách nội địa.
Cùng với đó, Việt Nam cần khai thác hiệu quả các cơ hội từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, đặc biệt là những người có trình độ cao, cả người nước ngoài và kiều bào, đến làm việc, nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.