8 người vừa chết cháy trong nhà xưởng ở Hà Nội, 13 người từng bị lửa thiêu ngay trong chung cư được mệnh danh là cao cấp ở TP.HCM và 13 người khác cũng bỏ mạng khi vụ cháy kinh hoàng đốt trụi quán karaoke ở Cầu Giấy vài năm trước! Những con số đau lòng ấy cứ tiếp diễn năm này qua năm khác và khi nào dừng thì vẫn là những câu hỏi lơ lửng...
Những khu nhà lụp xụp, tạm bợ và xuống cấp chỉ có đường bay lên trời nếu xảy ra hỏa hoạn, những chung cư đầy đủ dụng cụ PCCC chủ yếu đối phó là chính, những nhà xưởng nếu cháy thì việc quan trọng nhất là xem khi nào dập xong ngọn lửa… 10 năm trước như vậy và cho đến nay vẫn như thế. Cảnh báo nhiều, quyết liệt không ít và biện pháp chưa thiếu. Nhưng đổi lại là những cái chết thảm thương như thế!
Người ta cứ tự hỏi tại sao chỉ từ một đốm lửa nhỏ để rồi cuối cùng thiệt hại quá sức như thế? Một câu hỏi tưởng rất dễ trả lời nhưng dường như xong rồi để đấy và liệu mấy ai quan tâm họ sẽ thực thi ra sao trong thực tế? Giờ này năm trước, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã công bố danh sách 91 công trình cao tầng cần khắc phục các tồn tại vi phạm về PCCC, nhằm ngăn ngừa tai nạn cháy nổ, đảm bảo cuộc sống cho cư dân. Một năm rồi, đã có công bố khắc phục như thế nào chưa?
Năm 2017, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 4.114 vụ cháy, nổ, làm 119 người chết và 270 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Năm 2018, từ 5 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê đã công bố con số mỗi ngày xảy ra 10 vụ cháy với ước tính thiệt hại hơn 10 tỷ đồng! Nhưng cho đến nay , toàn quốc mới chỉ có khoảng 50% cơ sở có nguy cơ cháy nổ mua bảo hiểm cháy nổ. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu bà Hỏa viếng thăm họ sẽ trắng tay!
Truy tố rồi, kết án đã có, phạt khá nặng và diễn tập cũng không ít nhưng người vẫn mất, lửa vẫn cháy và thiệt hại trầm trọng vẫn chực chờ. Rồi người ta sẽ đổ do ý thức, thiếu trách nhiệm, cẩu thả hay kiểm tra, giám sát quá yếu…. toàn những lỗi muôn thuở của bất kỳ thảm họa nào. Nhưng căn bệnh sục sôi , ào ào khu sự cố ập đến rồi bình thản, dường như chưa có gì ít ngày sau vẫn như nan y. Lo xử lý sự vụ, dọn dẹp ít nhánh gọn hơn là rốt ráo từ cái gốc luôn là thói quen không đổi.
Rồi lửa sẽ cháy, thiệt hại sẽ lặp lại và kinh hoàng sẽ ập đến nếu những cái chết cháy thương tâm vẫn chưa đủ cảnh tỉnh cả cơ quan quản lý lẫn ý thức người dân. Rồi những bài báo đau xót như thế này sẽ còn xuất hiện nếu tâm lý “ lửa kêu ai nấy dạ” còn như một sự an phận thủ thường và nhiều khi bất chấp mặc kệ. Lẽ nào cách hành xử chính vẫn là dọn dẹp đống đổ nát hoang tàn chứ không phải ngăn không cho điều ấy không xảy ra?
Đồng tiền rất cần, cao ốc là xu hướng không thể dừng lại và tai nạn chắc chắn là điều không ai muốn. Nhưng đừng đánh trống bỏ dùi, hô hào rồi để đó và bất chấp lợi vì lợi nhuận thì những điều đau lòng sẽ giảm thiểu. Một khi an nguy của bản thân chẳng thèm coi trọng, lợi ích cộng đồng bị bỏ qua, có lẽ cháy hay nổ, tai nạn hoặc sự cố sẽ ập đến bất cứ lúc nào. Trước khi trách móc bên ngoài và mong được người khác cứu giúp, ai cũng phải tự lo cho an toàn của mình và xung quanh trước. Còn ngược lại thì 8 hay 13 cái chết trên rồi cũng vô nghĩa và thảm họa sẽ lại tái diễn.