Thống kê từ hệ thống FiinPro Platform cho hay, tính đến ngày 1/11, 832 doanh nghiệp trên 3 sàn (HoSE, HNX và UPCoM) - chiếm 95% vốn hóa toàn thị trường đã công bố BCTC quý III. Trong đó, 85% doanh nghiệp báo lãi, tương ứng 706 công ty; số doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch là 126 đơn vị, chiếm 15,1%.
Cụ thể, trong quý III, tổng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ mà nhóm doanh nghiệp này ghi nhận là 73,6 nghìn tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong đó là nhóm ngành ngân hàng với lợi nhuận ròng quý III thu về gần 22,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 31% tổng lợi nhuận toàn thị trường. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng 45% so với cùng kỳ là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của Vietcombank. Bởi, chỉ riêng ngân hàng này đã thu về hơn 5 nghìn tỷ đồng, tăng 72% cùng kỳ. Tiếp đó là Techcombank và VietinBank với mức đóng góp lần lượt là 2,6 nghìn tỷ đồng và 2,5 nghìn tỷ đồng vào doanh thu chung của toàn ngành.
Đứng thứ 2 là ngành bất động sản với 11 nghìn tỷ đồng lợi nhuận ròng trong quý, tăng 19,7% so với cùng kỳ và đóng góp 15% lợi nhuận toàn thị trường.
Trong đó, riêng Vinhomes đóng góp 5,5 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 50% lợi nhuận toàn ngành, kế đến là Vincom Retail và VIC đóng góp lần lượt 717 tỷ đồng và 498 tỷ đồng. Nếu loại bỏ Vinhomes, toàn ngành bất động sản chỉ tăng trưởng 3% so với cùng kỳ.
Có thể thấy, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng đã có một quý kinh doanh khó khăn nhất trong 4 quý cùng kỳ liên tiếp. Nguyên nhân được chỉ ra là do một số công trình có thời gian thi công dài hơn dự kiến làm tăng chi phí cố định, áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu với chủ đầu tư cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận gộp.
Thị trường bất động sản khó khăn đã kéo theo một số hệ quả như làm cho các đơn vị bị chậm trễ trong việc thu hồi dòng tiền phải dùng tiền tiết kiệm sẵn có để thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp, đội thi công theo điều khoản trong hợp đồng đã ký.
Đánh giá về vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, trong 9 tháng đầu năm, số lượng dự án triển khai và hoàn thành thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Nhiều dự án nhà ở "đứng hình" do không thực hiện được thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai.
"Trong 9 tháng, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị giảm khoảng 30 - 50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cảnh báo.
Trước khó khăn chung của thị trường, duy nhất có nhóm doanh nghiệp họ Vin ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương, còn hầu hết các doanh nghiệp đều chững lại hoặc có mức tăng trưởng âm. Đơn cử như 2 doanh nghiệp đầu ngành xây dựng là Coteccons (HoSE: CTD) và Hòa Bình (HoSE: HBC) đồng thời công bố lợi nhuận sau thuế giảm 65% và 74% cùng kỳ năm trước.
Biên lợi nhuận gộp của Hòa Bình chỉ còn khoảng 6%, đi ngang so với quý liền trước nhưng thấp nhất trong 3 năm trở lại. Ghi nhận nỗ lực lớn nhất trong quý là Hòa Bình đã cắt giảm các loại chi phí quản lý, chi phí tài chính để làm tăng lợi nhuận.
Không chỉ là nhóm ngành bất động sản hay xây dựng, sự chững lại của thị trường đã dẫn tới việc tiêu thụ vật liệu xây dựng kém khả quan, mà điển hình là lĩnh vực tôn thép. Cộng với giá nguyên vật liệu đầu vào là quặng thép tăng, giá điện tăng trong khi mà giá bán tăng không tương xứng dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp giảm lợi nhuận, báo lỗ.
Theo đó, doanh nghiệp đầu ngành Hòa Phát (HoSE: HPG) cho biết giá bán thép xây dựng và ống thép giảm 10% và 6% nhưng giá nguyên liệu đầu vào tăng, đặc biệt là giá quặng sắt tăng 37% trong quý III. Cùng với chi phí lãi vay cao, lợi nhuận quý III giảm 27% về 1.755 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế giảm 18% về 5.591 tỷ đồng.
Trong khi ấy, thép Pomina (HoSE: POM) báo lỗ 119 tỷ đồng quý III do một nhà máy ngưng sản xuất làm sản lượng bán giảm và chi phí tài chính tăng cao kh dự án tôn mới đi vào hoạt động trong quý II.
Một doanh nghiệp cùng ngành khác là Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) cho rằng ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã làm giá bán thép giảm và nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu cho các công trình đầu tư giảm. Do vậy, doanh thu quý III của doanh nghiệp này giảm 18% và lỗ 9 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng giảm 82% khiến cho lợi nhuận về mức 31 tỷ đồng.