Doanh số bán hàng của Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt từ đầu năm đến nay giảm 20%, kênh tiêu thụ bán buôn cho các doanh nghiệp chế biến hay suất ăn công nghiệp cũng giảm đến 40 - 50%.
"Chưa bao giờ thị trường khó khăn như hiện nay, công ty đã cắt giảm nhiều loại chi phí và hoãn toàn bộ kế hoạch phát triển sản phẩm mới, mở rộng sản xuất nhưng cũng chỉ hòa vốn, không có lãi...”, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết.
Trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, chỉ trong 5 tháng đầu năm, đã có hơn 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 55.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước); 25.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 34,1%) và 7.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 6,5%).
Như vậy, bình quân mỗi tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, nếu so sánh với mức bình quân 11.900 doanh nghiệp vào năm 2022, 10.000 vào năm 2021, 8.500 vào năm 2020 thì đây là “mức tăng đáng báo động”. Tuy nhiên, điều đó chưa thể hiện hết sự khó khăn của doanh nghiệp.
Theo như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), số doanh nghiệp rút khỏi thị trường chỉ là “phần nổi của tảng băng”. "Phần chìm của tảng băng" chính là những doanh nghiệp đang hoạt động với khó khăn chồng chất và cần được quan tâm, gỡ vướng.
Với các doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp thực tế đã chết lâm sàng. Khu vực kinh tế tư nhân - một trong những thành quả quan trọng bậc nhất của công cuộc cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta, trong những năm qua, đang suy yếu.
Theo đó, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là thị trường. Hiện nay, thị trường thế giới đang khó khăn, nên việc tác động vào thị trường xuất khẩu cũng gặp nhiều thách thức. Điều này dẫn đến tồn kho gia tăng, thiếu khả năng thanh khoản, nợ tăng cao, gây tác động dây chuyền lớn.
TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư, mở mang thị trường sẽ không có nhiều tác dụng. Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, cần sử dụng một biện pháp quan trọng là giảm thuế, thúc đẩy thị trường phát triển.
“Thị trường chúng ta có thể tác động được là thị trường trong nước. Trong những tháng qua, dù thị trường có tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ, nhưng vẫn còn trong xu thế suy giảm”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh và cho rằng kích cầu thị trường trong nước là giải pháp quan trọng.
Trong khi đó, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất lúc này là không tạo thêm rào cản mới, gây khó doanh nghiệp.
Ông Hiếu cho rằng, Quốc hội, Chính phủ đang thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, hỗ trợ giảm thuế suất VAT, giãn thời gian nộp thuế... Các khó khăn về thủ tục hành chính và nguy cơ hình sự hóa... cần thông thoáng vào thời điểm hiện nay để hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng.
Ngay trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cũng đã có nhóm giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
“Chúng ta đã có bài học trong giai đoạn Covid-19, khi có giải pháp gia hạn thời gian nộp thuế, lúc đầu yêu cầu doanh nghiệp đến làm thủ tục gia hạn, không nhiều doanh nghiệp thực hiện. Nhưng khi chuyển sang hình thức tự động gia hạn, hiệu quả của chính sách rất tốt. Chính sách giảm 2% thuế VAT hiệu quả cao cũng từ thực thi tự động. Trong thời điểm này, tư duy xây dựng và thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như vậy cần được phát huy”, ông Phan Đức Hiếu chia sẻ./.