Aa

89 xã ở Quảng Nam rớt chuẩn nông thôn mới

Thứ Năm, 22/02/2024 - 06:00

Trong hơn chục năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, Quảng Nam đã có 123 xã đạt chuẩn. Tuy nhiên, khi áp dụng bộ tiêu chí mới, có đến 89 xã ở tỉnh này bị "rớt" chuẩn nông thôn mới.

Theo thống kê của tỉnh Quảng Nam, tính đến năm 2024, địa phương có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tỉ lệ 22,2 %. Toàn tỉnh có 123/193 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉ lệ 63,73%. Bình quân chung số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn của toàn tỉnh theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025 là 16,42 tiêu chí/xã.

Mỗi xã thiếu 1-3 tiêu chí mới

Đáng chú ý, trong 112 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2020 trở về trước, có đến 61 xã chưa đảm bảo duy trì theo bộ tiêu chí nông thôn mới ở giai đoạn 2022-2025. Trong khi đó, đến trước năm 2022, số xã chưa đảm bảo lên đến 98 xã, hầu hết các xã đều chưa duy trì từ 1-2 tiêu chí.

89 xã ở Quảng Nam rớt chuẩn nông thôn mới- Ảnh 1.

Qua rà soát, tỉnh Quảng Nam có đến 89 xã "rớt" chuẩn nông thôn mới khi áp bộ tiêu chí mới. Ảnh HX

Nhìn nhận từ những con số trên, có thể thấy rõ rằng, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện đang không bền vững. Các địa phương không chỉ "rớt" chuẩn nông thôn mới vì một số tiêu chí tăng thêm và có cả các tiêu chí đang duy trì và nâng chuẩn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là vẫn chưa có xã nào của tỉnh Quảng Nam nằm trong khung phải thu hồi quyết định công nhận xã nông thôn mới theo quy định.

Nói về việc áp dụng bộ tiêu chí mới để công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Chánh văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh Quảng Nam ông Ngô Tấn cho biết qua rà soát, toàn tỉnh có đến 89 xã "rớt" chuẩn.

89 xã ở Quảng Nam rớt chuẩn nông thôn mới- Ảnh 2.

Chương trình mực tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới làm thay đổi diện mạo vùng quê Quảng Nam. Song, khi áp dụng bộ tiêu chí mới, nhiều xã đã "rớt" chuẩn nông thôn mới. Ảnh HX

"Sau khi áp bộ tiêu chí mới, mỗi xã thiếu hụt 1, 2 hoặc 3 tiêu chí nhưng theo quy định thì vẫn duy trì xã nông thôn mới. Việc này do nhiều nguyên nhân, giai đoạn 2024-2025 hy vọng sẽ khắc phục", ông Tấn nói.

Đồng thời, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cũng nêu ra các chỉ tiêu các xã chưa đạt chuẩn như: khám sức khoẻ điện tử (đạt 30% trở lên), phải có sản phẩm OCOP, thu nhập tăng thêm (3.000.000 đồng/người/năm trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là rất khó)…

Cần cơ chế mở cho các xã đặc biệt khó khăn

Những khó khăn trên đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhận diện và nêu ra trong báo cáo sơ kết 3 năm (2021-2023) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025.

Đơn cử, tại các xã miền núi cao, thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn nông thôn mới từ xã khu vực III xuống xã khu vực I, những địa phương này sẽ mất hết các chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, chế độ cho sinh viên... Đấy là khó khăn điển hình gắn với đời sống của người dân.

89 xã ở Quảng Nam rớt chuẩn nông thôn mới- Ảnh 3.

Khi áp dụng bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025, nhiều xã thuộc khu vực miền núi cao không duy trì chuẩn nông thôn mới. Ảnh HX

Trong khi đó, điều kiện chung thì vẫn còn nhiều khó khăn, việc đạt chuẩn nông thôn mới mới ở mức tối thiểu theo quy định. Phần cắt giảm này chủ yếu cho con người, nên việc thu hút cán bộ về công tác tại vùng này rất khó.

Từ những khó khăn trên, Quảng Nam nhìn nhận, việc đặt mục tiêu đến 2025 có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là một thách thức rất lớn đối với tỉnh.

Bên cạnh đó, việc áp dụng bộ tiêu chí mới với nhiều chỉ tiêu, quy định độ đạt chuẩn cao hơn cũng là "cản trở" lớn. Các xã đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới thì năm sau sẽ rớt ngay các tiêu chí do chênh lệch tiêu chí giữa hai vùng Trung du miền núi phía Bắc và Duyên hải Nam Trung bộ tương đối cao.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng chỉ ra bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu không phù hợp với điều kiện của tỉnh (như hỏa táng, nước sạch từ công trình tập trung, khám bệnh từ xa…).

89 xã ở Quảng Nam rớt chuẩn nông thôn mới- Ảnh 4.

Khó khăn điển hình khi xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn gắn với đời sống của người dân.

Theo ông Ngô Tấn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn những bất cập. Nhất là đối với những xã miền núi đặc biệt khó khăn, cuộc sống phần nào đó vẫn còn phụ thuộc vào việc thụ hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội, nhưng khi đạt chuẩn nông thôn mới, người dân sẽ thôi được hưởng nữa.

"Đây là chính sách trái ngược nhưng chưa khắc phục được, bởi khuyến khích xã nông thôn mới nhưng là xã đặc biệt khó khăn thì hơi khó. Tỉnh Quảng Nam sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem lại cơ chế đặc thù của các xã đặc biệt khó khăn, nếu được công nhận xã nông thôn mới thì duy trì an sinh xã hội từ 3-5 năm nữa để người dân phấn khởi", ông Ngô Tấn, chia sẻ.

Cũng theo ông Tấn, bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mới vẫn giữ nguyên 19 tiêu chí, nhưng chỉ tiêu (nằm trong 19 tiêu chí) tăng từ 49 lên 57 chỉ tiêu. Việc tăng 8 chỉ tiêu, trong đó có nhiều chỉ tiêu buộc phải tổ chức thực hiện quyết liệt mới đạt được.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top