Theo UBND tỉnh Quảng Nam, đối với H. Hiệp Đức, tỉnh đã thực hiện khảo sát, nghiên cứu xây dựng 5 phương án sắp xếp. Cụ thể, phương án 1 là nhập H. Hiệp Đức với H. Nông Sơn (2 huyện nằm trong diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025).
Khó triển khai sáp nhập đối với H. Hiệp Đức
Phương án này gặp nhiều khó khăn khi cả 2 huyện không có điều kiện kết nối về giao thông, không phát huy được các nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; đi lại, sinh hoạt của người dân gặp rất hạn chế. Nếu sáp nhập Hiệp Đức và Nông Sơn thì việc bố trí trung tâm hành chính, trụ sở cơ quan hành chính của đơn vị hành chính mới thành lập không thể đặt tại TT. Tân Bình (H. Hiệp Đức) hoặc đặt tại TT. Trung Phước (H. Nông Sơn) mà phải chọn một địa điểm mới là trung tâm của hai huyện. Điều này không thể thực hiện được vì quá lãng phí, khó khăn trong việc sắp xếp các trụ sở và tài sản công.
Phương án 2 là điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, quy mô dân số của H. Nông Sơn (bao gồm các xã Sơn Viên, Quế Lộc, TT. Trung Phước) nhập về H. Quế Sơn và phần diện tích và dân số còn lại của H. Nông Sơn (gồm các xã: Ninh Phước, Phước Ninh, Quế Lâm) nhập về H. Hiệp Đức. Phương án này không nhận được sự đồng thuận của Nhân dân 3 xã Ninh Phước, Phước Ninh, Quế Lâm, việc đi lại của nhân dân về trung tâm H. Hiệp Đức rất xa, chưa có đường giao thông trực tiếp. Địa bàn 3 xã này thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt trong mùa mưa; trong trường hợp xảy ra thiên tai đối với 3 xã này việc ứng cứu rất khó khăn,…
Phương án 3 là điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các huyện liền kề (Thăng Bình, Tiên Phước, Phước Sơn, Bắc Trà My, Quế Sơn, Nông Sơn) về H. Hiệp Đức. Tuy nhiên, các huyện lân cận H. Hiệp Đức nêu trên có quy mô vừa đủ hoặc thiếu so với quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, do đó không thể điều chỉnh địa giới hành chính các huyện liền kề về H. Hiệp Đức.
Phương án 4 là nhập nguyên trạng H. Hiệp Đức về các huyện còn lại (Thăng Bình, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn). Phương án này nếu sáp nhập địa bàn đơn vị hành chính mới quá lớn, không thuận lợi cho công tác quản lý và đi lại của Nhân dân đơn vị hành chính mới; không phát huy được tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa các địa phương tiếp giáp với H. Hiệp Đức không có điểm tương đồng về phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hoá dân gian, truyền thống lịch sử nên không tạo ra sự gắn kết cộng đồng giữa Nhân dân các địa phương.
Phương án 5 là nhập 3 huyện Nông Sơn, Hiệp Đức, Quế Sơn. Thực hiện Phương án này thì quy mô đơn vị hành chính mới rất lớn, không có sự tương đồng về phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hoá…, khó khăn trong công tác quản lý, khó khăn trong công tác cán bộ và xử lý cơ sở vật chất, trụ sở, gây lãng phí lớn và khó nhận được sự đồng thuận của Nhân dân.
Với các phương án nêu trên, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức các Hội nghị, thăm dò ý kiến dư luận, các chuyên gia, những người có uy tín tại các địa phương, các cán bộ lão thành cách mạng để đánh giá ưu điểm và hạn chế của từng phương án. Qua xem xét, nghiên cứu, các phương án nêu trên đều không phù hợp, nếu sáp nhập sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân và mục tiêu phát triển của địa phương, đặc biệt là vấn đề về an ninh, trật tự đối với các địa phương miền núi.
Bên cạnh đó, việc đề xuất không thực hiện sắp xếp đối với huyện Hiệp Đức phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các trường hợp không bắt buộc phải sắp xếp đơn vị hành chính; ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030,… Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã cân nhắc, thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy vào ngày 17/10/2023, kính đề xuất giữ nguyên H. Hiệp Đức để không mất đi địa danh lịch sử, văn hoá, khu vực phòng thủ vững chắc của tỉnh Quảng Nam, tạo điều kiện tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân H. Hiệp Đức.
Đề xuất sáp nhập H. Nông Sơn với H. Quế Sơn
Theo đó, Quảng Nam đề xuất nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 huyện: Nông Sơn (diện tích tự nhiên là 471,64 km2 , tỷ lệ 55,49%; dân số 35.438 người, tỷ lệ 44,23%), Quế Sơn (diện tích 257,46 km2 , tỷ lệ 57,21%; dân số 104.128 người, tỷ lệ 86,77%) để thành lập đơn vị hành chính cấp huyện mới. Sau khi sắp xếp, đơn vị hành chính mới thành lập có diện tích tự nhiên 729,1 km2 (đạt tỷ lệ 162%), dân số 139.566 người (đạt tỷ lệ 116%), đảm bảo tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2026 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, câp xã giai đoạn 2023 - 2030, huyện Quế Sơn là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2026 - 2030; do đó, việc sáp nhập huyện Nông Sơn và huyện Quế Sơn trong giai đoạn 2026 - 2030 đảm bảo tính tiếp nối giữa hai giai đoạn, phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 2646/TB-TTKQH ngày 19/7/2023 và của Bộ Nội vụ tại Công văn số 7500/BNV-CQĐP ngày 19/12/2023. Bên cạnh đó, việc sáp nhập huyện Nông Sơn và huyện Quế Sơn trong việc quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của hai địa phương.