Aa

97,18% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua Luật Xây dựng sửa đổi

Thứ Tư, 17/06/2020 - 18:00

Chiều 17/6, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, 97,18% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Có 449/462 đại biểu có mặt biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Với đa số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thông qua Luật Xây dựng (sửa đổi).

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật này, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, trước đó, ngày 23/5/2020, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Về cơ bản, ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý số 532/UBTVQH14 ngày 20/5/2020 và dự thảo Luật mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, đồng thời có thêm một số ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng - Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.

Về phạm vi điều chỉnh và sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến tán thành phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị sửa đổi toàn diện Luật Xây dựng; ý kiến khác đề nghị sửa đổi phạm vi điều chỉnh của Luật là hoạt động xây dựng.

“Phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng lần này về cơ bản chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung thuộc 3 nhóm chính sách lớn như Chính phủ đã trình Quốc hội trong Tờ trình số 366/TTr-CP ngày 28/8/2019”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, kể từ khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực thi hành đến nay, chưa có mâu thuẫn, chồng chéo với hệ thống pháp luật hiện hành về phạm vi điều chỉnh. Báo cáo giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng thời gian vừa qua cũng cho thấy chưa có khó khăn, vướng mắc trong vấn đề này.

Vì vậy, Báo cáo số 532/BC-UBTVQH14 ngày 20/5/2020 đã đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi sửa đổi, bổ sung và phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật và đã được nhiều đại biểu Quốc hội tán thành. Do đó, không mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng.

Về ý kiến đề nghị sửa đổi Luật Xây dựng phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị… Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ban soạn thảo cùng các cơ quan hữu quan nỗ lực rà soát các luật liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Cụ thể, ngoài các Luật đã nêu trên, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo...

Về quy hoạch xây dựng và cấp giấy phép xây dựng công trình có thời hạn trên đất có quy hoạch chậm triển khai (sửa đổi Điều 34 và Điều 94), một số ý kiến đề nghị cần bổ sung sửa đổi một số quy định về quy hoạch trong Luật Xây dựng để thống nhất với Luật Quy hoạch.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về quy hoạch trong các Luật có liên quan, Quốc hội đã ban hành Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch, trong đó có Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Do đó, các quy định chưa thống nhất giữa Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch như ý kiến đại biểu Quốc hội đã được sửa đổi. Riêng đối với Điều 34 của Luật Xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 35/2018/QH14 nhưng vẫn còn có quy định chưa thực sự phù hợp về trách nhiệm lập và thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng đối với khu chức năng. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định này nhằm bảo đảm tính khả thi, thống nhất.

Về giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng (sửa đổi, bổ sung một số điều của Chương V), có ý kiến đề nghị cấp giấy phép xây dựng ở nông thôn cần quản lý chặt chẽ hơn, cần có quy định về giới hạn quy mô xây dựng công trình đối với trường hợp miễn giấy phép ở nông thôn; đề nghị bổ sung các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động được miễn giấy phép xây dựng; xem xét việc không quy định trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ được miễn phép ở nông thôn.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn đối với việc miễn giấy phép xây dựng ở nông thôn, bổ sung giới hạn quy mô xây dựng công trình tại điểm I, khoản 2, Điều 89, Luật Xây dựng; bổ sung công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vào trường hợp được miễn giấy phép xây dựng tại điểm đ, khoản 2, Điều 89. Ngoài ra, điểm K, khoản 2, Điều 89, dự thảo Luật đã quy định đối tượng cụ thể không phải thông báo thời điểm khởi công xây dựng...

Theo dự thảo Luật, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Tuy nhiên, để sớm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, dự thảo Luật đã quy định nội dung thẩm quyền thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư; miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt (thể hiện tại khoản 2, Điều 3, dự thảo Luật) sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2020 để bảo đảm không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua theo Điều 151 về thời điểm có hiệu lực của văn bản trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top