Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) vừa thông qua thương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm 2019. Theo đó, ACB dự kiến phát hành qua 5 đợt là 5.500 trái phiếu, mệnh giá mỗi trái phiếu 1 tỷ đồng, tương đương tổng mệnh giá phát hành tối đa 5.500 tỷ đồng.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB.
Mức lãi suất cụ thể tuỳ theo điều kiện thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư và do Tổng giám đốc quyết định, tối đa 6,75%/năm đối với kỳ hạn 3 năm và 6,7% đối với kỳ hạn 2 năm. Lãi sẽ được thanh toán sau, định kỳ hàng năm kể từ ngày phát hành. Lãi suất trái phiếu cố định.
Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, mục đích phát hành trái phiếu lần này là nhằm tăng quy mô nguồn vốn hoạt động của ngân hàng, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng trung dài hạn.
Trước đó, Hội đồng quan trị ACB cũng phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 1 trong năm 2019 với tổng mệnh giá phát hành 2.500 tỷ đồng.
Trước đó không lâu, ACB thông qua phương án bán cổ phiếu quỹ để làm cổ phiếu thưởng, phân phối cho người lao động.
Tổng số lượng cổ phiếu quỹ bán tối đa là 6,222 triệu cổ phiếu. Giá bán là 16.072 đồng/cp tương đương với tổng giá trị giao dịch theo giá bán là 100 tỷ đồng. Giao dịch thực hiện theo phương thức thỏa thuận, thực hiện trong quý 2 hoặc quý 3/2019 sau khi có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu quỹ sẽ được sử dụng để tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT giải thích việc bán cổ phiếu quỹ là nhằm thưởng cho cán bộ công nhân viên chứ không phải là nhân viên mua lại. Năm 2018, ngân hàng quyết định trích 100 tỷ đồng quỹ khen thưởng phúc lợi và sẽ dùng quỹ này để mua cổ phiếu quỹ sau đó thưởng ESOP cho người lao động, người lao động sẽ không trực tiếp mua cổ phiếu.
Cũng tại đại hội, ông Trần Hùng Huy đã chia sẻ về việc NHNN vừa ban hành quyết định 845 đồng ý cho ACB áp dụng chuẩn Basel II vào ngày 22/4.
Theo đánh giá của HĐQT, việc áp dụng chuẩn Basel II không ảnh hưởng gì đến tình hình hoạt động của ngân hàng, bởi tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng là 9%, cao hơn yêu cầu là 8%.
Lợi nhuận trước thuế năm 2018 của ACB sau trích lập dự phòng đạt 6.389 tỷ, trong đó thu nhập lãi tăng 23%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được duy trì ở mức 0,73%.
Năm 2019, ACB đặt mục tiêu năm nay với tổng tài sản tăng 15%; tín dụng tăng 13%; tiền gửi khách hàng tăng 15%; nợ xấu dưới 2% và lợi nhuận trước thuế tập đoàn khoảng 7.279 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 13%.
Theo báo cáo tài chính quý I với lợi nhuận sau thuế của ACB đạt gần 1.366 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.707 tỷ đồng, tăng 217 tỷ đồng. Lợi nhuận quý I tăng nhờ các mảng kinh doanh chính và sự đảo chiều của chi phí dự phòng rủi ro.
Cho vay vẫn là nguồn thu chính của ngân hàng khi mang về khoản thu nhập lãi thuần 2.857 tỷ đồng, tăng 20,4% so với quý I/2018 và chiếm 82% tổng thu nhập hoạt động.
Hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng với mức lãi thuần thu về lần lượt đạt 371 tỷ đồng và 81 tỷ đồng, tăng 5,2% và 2,8% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, ACB ghi nhận một khoản hoàn nhập dự phòng gần 16 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước phải trích lập tới 134 tỷ đồng. Như vậy, trong 217 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng thêm trong quý I thì chênh lệch từ chi phi trích lập dự phòng đã đóng góp gần 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, ACB không có thuyết minh chi tiết khoản mục này.
Tính đến hết quý I/2019, tổng tài sản ngân hàng đạt mức gần 335.803 tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm trước. Cho vay khách hàng tăng trưởng 3%, đạt 237.358 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 1,9% ở mức 275.070 tỷ đồng. Nợ xấu ngân hàng trong 3 tháng đầu năm giảm hơn 3% xuống còn 1.623 tỷ đồng, qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,68%./.