CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 với doanh thu thuần 4.095 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, các dịch vụ như tàu dịch vụ dầu khí, căn cứ cảng dầu khí đều ghi nhận kết quả tăng trưởng.
Doanh thu tài chính trong kỳ giảm 27% xuống 46,6 tỷ đồng, do giảm lãi tiền gửi, tiền cho vay và giảm lãi chênh lệch tỷ giá. Cùng với đó, chi phí tài chính cũng giảm 25% xuống còn 10,67 tỷ đồng.
PVS đã ghi nhận lãi từ công ty liên doanh liên kết 179,4 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, chủ yếu nhờ lợi nhuận các công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tàu chứa và xử lý dầu thô tăng trưởng.
Trừ đi các khoản chi phí, PVS ghi nhận 385 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 368,8 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm cuối quý I/2019, tổng tài sản PVS đạt 23.979 tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng chiếm 4.673 tỷ đồng, tăng 1.661 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu đến từ tăng khoản phải thu của Idemitsu Kosan Co.,Ltd.
Chi phí phải trả quý I của PVS tăng gần 1.000 tỷ đồng lên 2.029 tỷ đồng chủ yếu do tăng chi phí phải trả ngắn hạn Dự án Sao Vàng Đại Nguyệt.
Đánh giá về năm 2019, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định lợi nhuận của PVS không gồm lợi nhuận liên doanh, sẽ được cải thiện.
Hoạt động các mảng kinh doanh của PVS sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2019, ngoại trừ sự chuyển biến tích cực đến từ hoạt động xây lắp và thăm dò. Doanh thu cả năm 2019 dự kiến đạt 17.258 tỷ đồng, tăng 18% và lãi ròng công ty mẹ đạt 1.152 tỷ đồng, tăng 10%.
Đặc biệt, dự báo mảng xây lắp của PVS sẽ có đóng góp từ dự án mới. PVS tiếp tục ghi nhận phần còn lại của dự án Sao Vàng Đại Nguyệt và một phần dự án Gallaf, đóng góp chính cho doanh thu 10.465 tỷ đồng, tăng 42,5%.
PVS bắt đầu thực hiện phần mua sắm cho dự án Gallaf và đủ điều kiện ghi nhận phần lớn doanh thu trong năm nay. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp mảng xây lắp sẽ không tốt như năm ngoái do biên lợi nhuận gộp dự án Gallaf được dự báo sẽ không cao.
Từ 2019, PVS được kỳ vọng sẽ trúng thêm các gói thầu ở những dự án lớn như Lô B, Sư Tử Trắng giai đoạn 2, Nam Côn Sơn 2 hay Nam Du – U Minh, khi tiến độ các dự án này đang được đẩy nhanh để đi vào hoạt động đúng như kế hoạch.
Bên cạnh các dự án ngoài khơi, PVS cũng có khả năng trúng thêm các dự án trên bờ như Long Sơn hay LNG Thị Vải. Tuy nhiên, do chưa chắc chắn về giá trị các gói thầu nên dự phòng hiện tại cho năm 2020 của PVS chỉ dựa trên khối lượng công việc đã chắc chắn và không bao gồm những dự án tiềm năng này.
Trong năm 2018, PVS đã thực hiện trích lập dự phòng liên quan đến các khoản phải thu cũng như các khoản nợ xấu trong liên doanh với công ty CGGV ở mảng khảo sát. Do đó, PVS sẽ không chịu nhiều áp lực trong năm nay cho dù thủ tục giải thể liên doanh trên chưa hoàn thành. Vướng mắc duy nhất còn sót lại nằm ở việc thanh lý các tài sản – chủ yếu là các tàu Amedus và Bình Minh 2.
Chỉ khi nào thanh lý được những tài sản trên, liên doanh mới chính thức được giải thể. Việc thanh lý mảng khảo sát giúp lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của PVS cải thiện từ 373 tỷ đồng lên 667 tỷ đồng trong năm 2019. Ngoài ra, VDSC cho rằng việc trích lập dự phòng tạo khoản lợi nhuận "để dành” trong tương lai nếu công nợ của liên doanh được thu hồi tốt.
Lợi nhuận từ liên doanh liên kết 2019 được dự báo giảm 24%, còn 552 tỷ đồng do không phát sinh lợi nhuận một lần như năm 2018 (189 tỷ đồng của FSO Orkid).