Aa

Ai phải chịu trách nhiệm khi “băm nát” quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu?

Thứ Ba, 28/06/2022 - 06:15

Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hai bên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu bị "băm nát" và gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai?

“Hô biến” đất văn phòng thành nhà ở

Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng mới đây cho thấy, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch các dự án không đúng theo quy định của pháp luật. Điều này đã tác động tiêu cực khi phá vỡ quy hoạch chung hai bên tuyến đường Lê Văn Lương.

Cụ thể, năm 2008, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có tờ trình và UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận quy hoạch định hướng về việc điều chỉnh tầng cao lên 25 tầng của dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower, do Tổng Công ty Thành An - Công ty TNHH MTV làm chủ đầu tư.

Việc này không phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân phê duyệt năm 2002 khi tầng cao của công trình ban đầu là 5 tầng. Đáng chú ý, sau 3 lần điều chỉnh tiếp theo, dự án đã thay đổi từ đất cơ quan cải tạo chỉnh trang (năm 2002) thành cơ quan văn phòng cao 25 tầng (năm 2008) rồi thành văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán (năm 2010).

Hệ lụy của việc điều chỉnh “cẩu thả” này đã làm tăng diện tích đất xây, tăng mật độ xây dựng từ 40% lên 51%, tăng từ trung bình 5 tầng lên 30 tầng, tăng diện tích xây dựng lên 700m2, diện tích sàn xây dựng tăng gần 64.000m2 và quy mô dân số tăng từ 500 người lên khoảng 1.308 người (tạm tính 327 căn hộ để ở).

tuyến đường Lê Văn Lương bị băm nát
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch các dự án không đúng quy định pháp luật.

Hàng loạt dự án khác cũng bị nhắc tên như Khu hỗn hợp văn phòng cho thuê - nhà ở tại ô đất 3.10-NO (Handiresco Complex) do liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội làm chủ đầu tư.

Tại dự án này, UBND TP. Hà Nội điều chỉnh quy hoạch 3 lần, Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh 1 lần sai quy định pháp luật. Không hiểu căn cứ vào đâu mà trải qua 4 lần điều chỉnh, dự án này đã biến từ đất ở thành văn phòng; thương mại thành hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ... Sau khi điều chỉnh tăng từ 6,5 tầng lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở thì dự án đã phát sinh dân số với 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm gần 10.800m2.

Một dự án khác là Tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở do Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Hà Nội - Sunrise là chủ đầu tư, UBND TP. Hà Nội có quyết định lựa chọn nhà đầu tư cho chỉ tiêu quy hoạch ô đất là nhà ở cho thuê, mật độ xây dựng 51,7%, cao 15 tầng vào tháng 7/2005.

UBND TP. Hà Nội đã 2 lần ban hành quyết định điều chỉnh và 1 lần điều chỉnh sai quy định của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, dự án trên từ đất ở đã biến thành dịch vụ, thương mại văn phòng và nhà ở. Tầng cao từ trung bình 7 - 8 tầng thành khối tháp 9 - 23 - 25 tầng, rồi từ 25 tầng thành 27 tầng, dân số tạm tính tăng thêm là hơn 900 người.

Bên cạnh đó, dự án trụ sở làm việc thuộc Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư là đất quân đội nhưng cũng bị điểm tên trong kết luận thanh tra. Theo quy hoạch chi tiết ban đầu, dự án có mật độ xây dựng 39,6%, cao 12 tầng nhưng sau đó được phê duyệt điều chỉnh thành 18 tầng.

Cũng theo kết luận thanh tra, nhiều dự án chung cư khác bị điều chỉnh đã làm tăng quy mô dân số lên khoảng 600 - 1.500 người, đồng thời không đáp ứng đủ hạ tầng cũng như dịch vụ tiện ích, điển hình là: Dự án nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại HACC1 TIMETOWER tăng từ 16 lên 25 tầng, chung cư Star City điều chỉnh tầng cao từ trung bình 18,5 tầng thành 25 rồi thành 27 tầng...

Ai phải chịu trách nhiệm khi “băm nát” quy hoạch?

Trước những sai phạm trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kiến nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND quận Cầu Giấy thực hiện việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra những vi phạm, tồn tại được nêu trong kết luận thanh tra.

Bàn luận về vấn đề quy hoạch tại Hà Nội, nhiều chuyên gia bày tỏ sự bức xúc trước thực trạng nhiều khu đô thị, quy hoạch 2 bên tuyến đường đã thay đổi chóng mặt do những lần điều chỉnh và tỷ lệ xây dựng tăng lên nhiều lần. Điều đáng nói là cho tới nay, công tác xử lý với những cán bộ có trách nhiệm dường như chưa đủ sức răn đe. 

TS. Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích: "Hà Nội là Thủ đô của cả nước cho nên sự phát triển là niềm tự hào chung chứ không phải riêng gì địa phương. Những người làm lãnh đạo của các cơ quan quản lý tại Hà Nội cũng phải hiểu được điều này để thấy được trách nhiệm của mình và để hiểu rõ hơn khi đã ở vị trí lãnh đạo thì phải làm cho đúng, đừng vì lợi ích riêng mà gây ảnh hưởng tới mục tiêu chung.

Từ hàng loạt những vấn đề nảy sinh trong quản lý quy hoạch đô thị tại Hà Nội thời gian qua, dư luận có lý khi đặt ra trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và lãnh đạo UBND TP. Hà Nội được giao phụ trách vấn đề này cũng như người đứng đầu TP. Hà Nội. Nếu các chủ đầu tư xin "điều chỉnh" quy hoạch, thay đổi so với ban đầu làm tăng tỷ lệ xây dựng lớn như vậy thì trách nhiệm của các đồng chí ra sao khi xảy ra thực trạng như hiện nay? Tôi chưa thấy công khai xử lý trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân nào".

băm nát quy hoạch Hà Nội
 TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Nếu như không xử lý trách nhiệm cá nhân thì không thể ngăn chặn được nguy cơ quy hoạch tiếp tục bị băm nát".

Chúng ta phải thẳng thắn đặt ra vấn đề trách nhiệm với những cán bộ là lãnh đạo của các cơ quan này bởi vì thực tế đã có nhiều khu vực có sự "điều chỉnh" thay đổi quy hoạch mà nhiều người nói thẳng là bị “băm nát”. Còn nếu các chủ đầu tư tự ý thay đổi quy hoạch thì xử lý trách nhiệm thế nào, có nghiêm minh không, có kiên quyết không? Vai trò quản lý cơ sở của các chủ tịch quận, chủ tịch phường ra sao khi để xảy ra sai phạm trật tự xây dựng liên tiếp như vậy?

"Tôi mong rằng trong thời gian tới đây, các đồng chí lãnh đạo đứng đầu Hà Nội phải siết chặt được vấn đề quản lý quy hoạch, không cho phép lợi dụng "điều chỉnh" tràn lan làm tăng tỷ lệ, mật độ xây dựng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây áp lực nặng nề lên hạ tầng giao thông đô thị như hiện nay", ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết.

TS. KTS. Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quy hoạch bị phá vỡ mà cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ tham vọng của các chủ đầu tư muốn tăng nhanh lợi nhuận. Chính từ điều trên, liên quan đến cơ chế xin cho, các cơ quan tổ chức Nhà nước còn buông lỏng quản lý, đôi khi còn thông đồng, thỏa hiệp với chủ đầu tư. Khi chủ đầu tư muốn lách luật, họ có thể làm việc với một cá nhân hoặc một bộ phận trong cơ quan tổ chức Nhà nước tìm lý do để điều chỉnh thông số kỹ thuật của khu đô thị đó sao cho có lợi ích nhiều nhất. Người cho phép làm điều này cũng được hưởng lợi chung. Đây chính là lợi ích nhóm mà người ta thường hay nói đến.

Bên cạnh đó, do chính quyền, địa phương chưa quán xuyến, thiếu trách nhiệm giám sát trong quá trình chủ đầu tư xây dựng dự án đó nên khi mà mọi sự đã rồi, cộng đồng dân cư phát hiện, cơ quan Nhà nước mới bắt đầu vào cuộc thì đã muộn. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến sự phá vỡ quy hoạch, trong đó nguyên nhân quan trọng nữa là mọi đồ án quy hoạch bao giờ cũng kèm theo một quy định về quản lý theo đồ án quy hoạch hay quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan đã được các cấp phê duyệt nhưng họ lại buông lỏng quản lý những điều đó và tìm cách thay đổi.

Bàn luận về việc điều chỉnh quy hoạch Hà Nội một cách tùy tiện, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, công tác quản lý quy hoạch của Hà Nội cần phải được xem xét và xử lý nghiêm minh. Ông Phong đặt câu hỏi, tại sao lại để xảy ra tình trạng xây quá nhiều nhà cao tầng, xây vượt tầng làm tăng dân số cơ học mà điển hình những năm gần đây là khu vực Linh Đàm và Gia Lâm xảy ra vi phạm, mật độ xây dựng các nhà chung cư cao tầng quá lớn. Và hiện nay là dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu cũng đã có quá nhiều nhà cao tầng.

"Một lần nữa, chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Việc thay đổi quy hoạch bất thường là trách nhiệm của ai? Nếu như không xử lý trách nhiệm cá nhân thì không thể ngăn chặn được nguy cơ quy hoạch tiếp tục bị băm nát", TS. Nguyễn Minh Phong nói về thực trạng công tác quản lý quy hoạch ở Thủ đô.

Có thể nói, chưa bao giờ câu chuyện quy hoạch lại trở nên nhức nhối và được dư luận quan tâm nhiều như hiện nay. Để xảy ra tình trạng phá vỡ quy hoạch đô thị đặc biệt là hai bên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, việc quy trách nhiệm cần phải đánh giá cả hệ thống chính sách, pháp luật… Hơn hết, phải xem xét cụ thể trách nhiệm từng cá nhân để đưa ra biện pháp xử lý hiệu quả.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top