Aa

Ai cắt tóc đê...

Thứ Tư, 26/01/2022 - 06:06

Tiếng lách cách của lưỡi kéo giòn tan trong những trưa cuối đông gió bấc nắng hanh vào kỳ giáp Tết năm xưa như vọng lại đâu đây… Ôi tuổi thơ ta đã xa lơ xa lắc tự khi nào.

Chẳng biết ở phố thế nào, chứ ở các làng quê miền Bắc ngày xưa, quãng trước năm 1975, thường có những người đàn ông đi cắt tóc dạo khắp các xóm làng.

Đồ nghề của họ rất đơn giản bao gồm một cái hòm gỗ nhỏ, vuông vức (tựa như cái hộp đựng bánh gato để vận chuyển bây giờ), có quai xách. Trong cái hộp nhỏ đó là đủ thứ bà rằn: kéo, tông đơ, dao cạo, đá mài, chiếc dây da dùng để liếc dao, que ngoáy tai, một cái bàn chải lông để phủi tóc, một cái chổi lông nhỏ hơn để quệt nước xà phòng cạo tóc, một cái khay nhỏ đựng miếng xà phòng thơm phức... Ngoài ra, ông thợ còn có một cái ghế gấp nho nhỏ, mặt ghế bằng vải, tiện di chuyển hoặc đặt bất cứ chỗ nào. Đồ lề chỉ có thế thôi mà thợ cắt tóc dạo đã góp phần làm nên những gương mặt người sáng láng...

Cắt tóc dạo
Người cắt tóc đông nhất là vào dịp những ngày sắp Tết. Không chỉ trẻ con, mà người lớn cũng cần cắt tóc. (Ảnh minh họa: Internet)

Vào những ngày mùa bận rộn, thợ cắt tóc không mấy khi đến. Bởi trong những ngày đó, người lớn trẻ con phải bận việc ngoài đồng, nếu có ở nhà thì cũng luôn chân luôn tay đủ thứ. Thí dụ vào mùa gặt tháng Năm tháng Mười chẳng hạn, người lớn ra đồng gặt lúa chở lúa, còn trẻ em ở nhà nấu cơm, phơi thóc phơi rơm… Chỉ có những khi vào lúc nông nhàn, các thợ cắt tóc dạo mới đến các làng. “Ai cắt tóc đê!”. Cái tiếng của hai chữ đầu “cắt tóc” có khi bị nuốt âm hoặc lược giản, chỉ còn nghe rõ mỗi “Tóc đê!” mà ai cũng hiểu. Lúc ấy, bố mẹ liếc xem đứa con nào trong nhà tóc đã dài thì giục giã chuẩn bị xếp hàng.

Tuy nhiên, người cắt tóc đông nhất là vào dịp những ngày sắp Tết. Ôi chao, không chỉ trẻ con, mà người lớn cũng cần cắt tóc. Làm đẹp cho Tết cơ mà. Cả năm ăn mặc thế nào chả ai lấy làm điều, nhưng ngày Tết mà không có mái tóc mới, bộ quần áo mới, đôi dép mới cũng thấy tủi tủi trong lòng.

Ban đầu, ông thợ cắt tóc đi một vòng khắp xóm rao “Ai… tóc đê. Tóc đê!...”. Xong rồi, ông ấy hạ đồ lề tại gốc đa giữa làng, nơi ngã ba giao nhau của con đường liên xóm. Thời đó chưa cầu kỳ đến mức có treo gương to đâu, mà có mang gương to đi cũng lỉnh kỉnh, chỉ cần một cái gương nhỏ bằng bàn tay, nếu ai muốn thì sau khi cắt xong, có thể soi vào đấy ngắm mái tóc của mình chút. Giời ạ, vừa đặt ghế xong, ông thợ đã cầm chiếc kéo khua một trận âm thanh lách cách lách cách giòn tan, ai nghe cũng phải thèm những đường kéo điệu nghệ và bén ngọt của ông thợ “làm xiếc” trên mái tóc. Tiếng kéo khua giòn như khiêu khích, như mời gọi, như dụ dỗ tất cả đám trẻ con và các đàn ông trong xóm. Ai cũng nhấp nhổm không yên. Có người nghe tiếng kéo “ngon” quá, tóc chưa đến kỳ cũng cứ xin được cắt.

Người mà tôi nói trên kia chính là ông Ý. Ông người bên kia sông, cách làng tôi một con đò. Mỗi khi sang làng tôi, ông thường đi bộ. Ngày ấy nhà nào có cái xe đạp cũng được gọi là khá giả. Mỗi xóm ông ở vài ba ngày tùy từng lượng khách. Tối đến, ông thường xin ở lại nhà tôi. Ông trạc tuổi bố tôi. Bố tôi là người dễ tính, quảng đại. Người ta cũng là người nghèo khó, thật thà. Giúp người ta vài ba ngày cũng chẳng đáng là bao. Không hiểu do ông giữ ý theo kiểu làm khách hay do ăn ít thực, tôi nhớ ông ăn chậm, chỉ một hai lần xới. Ông lại không hay rượu, chỉ nhâm nhi cả bữa hết một cái chén con con. Dường như để trả công cho nhà tôi, ông thường cắt tóc cho mấy bố con tôi không lấy tiền. Bố tôi đưa thế nào cũng không lấy. 

Tôi nhớ mãi có lần vào ban trưa trời đang nắng gắt. Bố tôi đi họp hành đâu đó, còn u tôi đi chợ chưa về. Mấy chị em tôi ở nhà tự nấu cơm rồi định ăn trước. Chưa kịp ăn thì ông Ý đến nhà. Biết là ông vào có ý định ăn cùng, chúng tôi săm sắn mời ông. Cơm thì độn sắn, thức ăn chẳng có gì. Chị tôi vội bóc ít lạc rang lên, xát vỏ rồi bỏ vào bát mắm, cùng với bát rau muống luộc, mời ông ăn cùng. Khi xới cơm cho ông, chị tôi biết ý, gạt sắn ra, lựa lấy bát cơm mời ông. Buổi tối, bố tôi về. Trong bữa ăn, bố tôi bảo: “Chiều nay bố gặp ông Ý. Ông ấy khoe trưa nay ăn cơm nhà. Ông ấy khen các con lắm”. Trầm ngâm một lúc, bố tôi chậm rãi: “Ừ, bữa cơm chẳng đáng là bao. Các con làm thế là biết ăn biết ở…”. Sau này, mỗi lần ông sang làng tôi cắt tóc, khi ở lại ăn cơm nhà tôi, ông Ý vẫn hay nhắc lại bữa cơm hôm ấy, cứ nắc nỏm khen các cháu ngoan quá các cháu ngoan quá, ông bà thật là có phúc…

Không rõ ông ấy cắt tóc cho cánh đàn ông, con trai làng tôi từ khi nào? Tôi còn nhớ, khi còn rất bé đã được ông cắt tóc. Ông cắt cho đứa bé trai đang còn thò lò mũi xanh cho đến những cụ già đầu bạc. Lâu lâu không thấy ông, khối người ngóng, nhất là khi tóc đã quá kỳ. Trước Tết một hai tuần, vào cữ trung tuần tháng Chạp, nếu không thấy bóng ông, bao người đã nhắc, thấp thỏm đợi chờ.

cắt tóc dạo
Ảnh minh họa: Internet

Thường thì ông sang đúng dịp, mặc dù chẳng có cách gì để có thể mời mọc, hẹn hò (ngày đó làm gì đã có điện thoại như bây giờ). Thời gian là do áng chừng, nhớ kỳ mà đến. Sau vài ba ngày, cánh đàn ông và con trai làng tôi đều mang những cái đầu mới coóng, được cắt tỉa gọn gàng, chân tóc được cạo bằng những đường kẻ chỉ sắc lẹm. Những đứa trẻ như tôi khi mang trên đầu bộ tóc mới dường như đi đứng có vẻ mạnh bạo hơn, cái đầu ngẩng cao hơn thường ngày. Mỗi khi ra đường, được các bà các cô khen: “Úi chà chà, tóc mới đẹp trai ghê”, lũ trẻ mặt nở ra sung sướng.

Dân quê vốn sống thuần phác. “Bác ơi, cứ cắt hết cho ba đứa nhà em, nhưng mà hôm nay em chửa có đủ tiền đâu” - tiếng người đàn bà tuổi sồn sồn... Ông Ý tươi cười: “Thì cơm không ăn gạo còn đấy. Lo gì”. Bà ta giả lả: “Mai mốt bác sang là em trả đủ. Bác yên tâm. Còn cái thân em đây, em trốn làm sao được”… Ông Ý xem chừng ngượng nghịu. Mấy ông trung niên ngồi cạnh đấy được dịp tán xôm trò. Nghĩ lại cũng vui vui. Có bà mẹ lùa bốn năm thằng con trai ra cùng cắt tóc, xong ngày mai phải gánh mấy con gà đi chợ bán để trả nợ cho ông Ý. Cái việc nợ nợ vay vay lặt vặt ở thôn quê cứ như cơm bữa. Người nhà quê không phải lúc nào cũng sẵn tiền trong túi.

Sau này, khi tôi lớn lên, đi công tác xa nhà, hình ảnh ông Ý cắt tóc cũng mờ dần theo năm tháng.

Hôm vừa rồi về thăm quê, khi ngồi cà kê trà nước, tôi bỗng sực nhớ hình ảnh ông Ý cắt tóc dạo khi xưa, hỏi ông anh cả nay cũng đã có tuổi. Anh cho biết ông Ý mất đã lâu rồi. Ừ, ông ấy mất lâu rồi là phải. Có dễ đến vài ba chục năm rồi còn gì. Ông mất trước cả bố mẹ mình. Thì mấy anh em mình cũng đã có tuổi cả rồi…

Tiếng lách cách của lưỡi kéo giòn tan trong những trưa cuối đông gió bấc nắng hanh vào kỳ giáp Tết năm xưa như vọng lại đâu đây… Ôi tuổi thơ ta đã xa lơ xa lắc tự khi nào./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top