Aa

Tết ông Công ông Táo và nét đẹp tín ngưỡng của người Việt

Chủ Nhật, 23/01/2022 - 06:06

Việc thờ cúng Táo Quân cũng là biểu hiện cho tâm thức dân tộc Việt luôn hướng về nguồn cội. Người Việt tin rằng, tổ tiên của chúng ta vẫn luôn hiện hữu...

Có câu: “Lễ thất, cầu chư dã” (nghĩa là: lễ bị mất, thì tìm nó ở chốn dân gian). 

Những ngày lễ, tết trong dân gian phần lớn đều là dịp để cả dân tộc nhắc nhau hướng về nguồn cội. Người Việt đã “thiêng hóa” lịch sử cha ông mình thành những biểu tượng, những vị thần để thờ kính. Đây chính là cách bảo lưu và gìn giữ lịch sử dân tộc của tiền nhân.

Tổ tiên của người Việt, những bậc tiên hiền liệt thánh, những đấng minh quân, các vị anh hùng dân tộc trong lịch sử khi khuất bóng đã trở thành những vị thần để mãi mãi phò trì cho vận nước, bảo hộ cho đời sống của các thế hệ cháu con ngàn đời. Họ cũng luôn có mặt trong dòng chảy thời gian qua các tích cổ, các phong tục và tín ngưỡng của dân gian, trong tâm thức của những người con Việt. Câu chuyện và ý nghĩa của tục thờ cúng Táo Quân cũng mang ý nghĩa ấy.

Từ những tích cổ

Truyện ba ông đầu rau kể, có đôi vợ chồng, nhà nghèo nhưng rất yêu thương nhau. Một năm xảy ra nạn đói, người chồng bàn với vợ bỏ quê đi tìm kế sinh nhai. Hai vợ chồng ước hẹn, sau 3 năm nếu anh không về, thì người vợ đừng chờ đợi mà hãy đi bước nữa. Trong khi người chồng đi xa, người vợ ở nhà tìm được công việc mới, lần hồi sống qua được nạn đói. Hết 3 năm chồng không về, người chủ đã từng bao bọc nàng ngỏ ý muốn được nối duyên cùng nàng. Người vợ thương nhớ chồng, chờ thêm 3 năm, rồi lại thêm 1 năm. Cuối cùng, sau 7 năm không có tin chồng, nàng nhận lời đi bước nữa. Ba tháng sau đó, trớ trêu thay người chồng cũ tìm về, lại vào ăn xin đúng nhà mới của vợ. Thấy vợ đã có gia đình mới yên ấm, không cam lòng, anh đã treo cổ tự tử. Người vợ biết chuyện, nàng xót xa trách mình rồi cũng nhảy sông tự vẫn. Người chồng mới thương xót vợ và cũng tự trách bản thân rồi tự vẫn theo. Ba người chết đi, Diêm Vương cảm động trước mối tình của họ nên phong làm ba ông đầu rau, để cho họ mãi bên nhau và ngọn lửa rực cháy là biểu tượng cho tình yêu của họ. Đồng thời, vua còn phong cho họ chức Táo Quân trông nom việc bếp núc của từng gia đình nơi trần thế.

Truyện thần thoại Việt Nam, mục thần bếp, kể: xưa có hai vợ chồng Trọng Cao và Thị Nhi lấy nhau, đã lâu mà không có con. Một hôm vợ chồng cãi nhau, chồng giở thói vũ phu đánh vợ. Vợ bỏ nhà ra đi, sau đó kết duyên với một người khác tên là Phạm Lang. Về phần Trọng Cao, khi vợ bỏ đi rồi thì mới thấy hối, bèn cũng bỏ nhà đi tìm. Tìm mãi không được, hết tiền ăn đường, đành phải ăn xin lần hồi. Một hôm Trọng Cao tình cờ đến xin tại nhà Phạm Lang. Thị Nhi nhận ra chồng cũ, nhân chồng mới đi vắng, đưa vào thết đãi, rồi vì sợ chồng mới về bắt gặp, mới dắt Trọng Cao ra nằm ở một đống rơm ngoài đồng. Nhưng nàng không ngờ rằng chỉ một lúc sau, đống rơm ấy lại bị Phạm Lang đốt đi để lấy tro bón ruộng. Cũng như truyện trên, thấy chồng cũ chết, Thị Nhi nhảy vào lửa chết theo. Phạm Lang, rồi người đầy tớ lần lượt xông vào cứu cũng đều chết. Họ đều được Ngọc Hoàng cho làm Thần Bếp.

Trong câu chuyện này, Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp, danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân. Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa (hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần). Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa (tức: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần).

Như vậy, theo tích này, ba vị Táo Thần chính là: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. 

Có nhiều tư liệu ghi lại các sự tích Thần Táo, tuy có đôi chút khác nhau vì tính dị bản nhưng chủ yếu có nội dung như 2 câu chuyện đã dẫn. Các tư liệu này tựu trung lại là sự tích Thần Táo trông coi việc bếp núc của mỗi nhà với đặc điểm nổi bật là tình nghĩa sâu đậm với hai ông, một bà. Sự tích này gắn liền với tập tục cúng ông Công, ông Táo của người Việt mỗi dịp xuân về. Hàng năm, vào ngày 23 tháng 12 âm lịch, dân tộc Việt tin rằng đó là ngày ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên chầu trời để tâu việc gia chủ đã làm trong năm cũ. Đến ngày 30 âm lịch, ông Táo lại trở về trần gian tiếp tục công việc của mình.

cúng ông công ông táo
Việc thờ cúng Táo Quân - nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng người Việt. (Ảnh: Internet)

Ngược dòng lịch sử, tìm về với nền văn minh Dịch học, vốn là nền tảng của văn hoá Việt, chúng ta có thể nhận ra hình tượng ông Táo chầu trời là một cách để diễn đạt quẻ dịch của trí tuệ dân gian xưa. Quẻ ly là biến âm của “lửa”, tượng trưng cho sức nóng, ánh sáng và mặt trời. Về ngũ hành, quẻ này đại diện cho hỏa, hai hào dương, một hào âm, tượng trưng cho hai ông, một bà trong câu chuyện về Thần Táo. 

“Táo vương chân kinh”, bản in năm 1923 chép: “Hồi thượng cổ, mới có trời đất, trời đất hóa sanh người vật, thì chưa có lửa, nên dân ăn thú vật thì ăn sống và lông, uống huyết sống... Tới vua Toại Nhân biết tánh ngũ hành, lập thế chế cách cạo cây cho ra lửa, thiên hạ mới ăn chín. Giúp sao Thái Ất đốt gậy Lê mà làm đuốc cho tỏ rạng, trợ thần hồn để là hỏa tinh giúp đường sinh hóa, cai trị việc lành dữ…”. 

Như vậy, toại – nhân (toại hay còn viết là: tựu), không phải một con người cụ thể mà là biểu tượng cho thành tựu của loài người ở giai đoạn ban đầu. Tìm ra lửa là bước tiến quan trọng để chuyển qua một giai đoạn văn minh kế tiếp, rời hang hốc, không còn ăn tươi, nuốt sống. Quá trình định canh định cư và ăn chín uống sôi mới được hình thành. Sau đó, như chúng ta biết, mới là những nền văn minh đồ đồng và chúng ta mới có trống đồng, niềm tự hào của người Việt. 

Cổ nhân nói: “Thiên phi hỏa bất minh, nhân phi hỏa bất sinh, vật phi hỏa bất thành”, có nghĩa là: Trời không có lửa thì không sáng, người không có lửa thì không sinh sôi, vật không có lửa thì không thành. Tục cúng ông Táo buổi ban đầu chính là một cách để người Việt nhắc nhớ một mốc son trong tiến trình phát triển của loài người. Đây cũng là một nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa quy hướng về nguồn cội vô cùng sâu sắc của người Việt.

Về tên gọi

Dân gian thường gọi chung bằng cái tên nôm na là ông Công ông Táo (gồm: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ), hay ba ông đầu rau (tức ba hòn đất nặn dùng để kê nồi đun bếp). Cách gọi này tượng trưng cho hình ảnh Táo Quân vốn có hai ông một bà theo tích cổ. 

Táo Quân, còn gọi là Táo Công, thường được thờ ở bếp, cho nên được gọi là vua bếp. Tên theo Hán tự đầy đủ của ngài là: Đông Trù Tư Mệnh Cửu Linh Nguyên Vương Định Phước Táo Phủ Thần Quân. Có nghĩa, Táo quân là vị thần bếp, thần lửa, bảo hộ sinh mệnh, định phúc cho mọi người trong nhân gian. Theo kinh Táo Quân, ngài là vị thần trợ thần hồn và quản đường sinh hóa nơi nhân gian. Các vị Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ (Thần Táo) trong mỗi gia đình chính là một hóa thân của ngài. 

Các nghi thức thờ cúng Táo Quân

Theo phong tục cúng Táo Quân trong dân gian, việc cúng tiễn ông Táo về trời được gọi là lễ “Tống Táo”. Lễ này có thể tiến hành từ rằm tháng Chạp (ngày 15 âm lịch) cho đến hết ngày hăm ba, giờ Tý (tức 12 giờ đêm). 

Lễ cúng ngoài hương, hoa, đèn (nến), trà, quả, thì thường có thêm các đồ ngọt như: kẹo mạch nha, bánh nếp hay mật ong... Mục đích cúng đồ ngọt là bởi dân gian tin rằng: “Ngật điềm điềm, Thuyết hảo thoại”. Dân gian tin rằng việc cúng đồ ngọt sẽ khiến ông Táo lên trời tâu những điều tốt lành đến Ngọc Hoàng và điều đó sẽ giúp cho phước đức của gia chủ trong năm mới được tăng thêm. Lễ cúng cũng thường có thêm một con cá chép để làm ngựa cho ông Táo lên trời. 

Trong lễ tiễn ông Táo, thường sẽ có phần cầu nguyện và châm rượu. Cuối lễ, gia chủ đốt giấy tiền vàng mã. Vàng mã đốt xong có thể lấy lại ít tro cũ đặt vào bình. Gia chủ sẽ mang bình đến trước bàn thờ Táo Quân và khấn với đại ý: “Thượng thiên ngôn hảo sự, hồi cung giáng bình an” (tức là: Lên trời tâu việc tốt, trở về ban yên lành). Bên cạnh mâm cúng ông Táo, thường các gia đình còn thiết một mâm cỗ để cúng gia tiên và có thể thiết một chút đồ bánh kẹo, hoa quả, xôi, chè hoặc cháo để cúng chúng sinh. Một việc quan trọng cuối cùng không thể thiếu là phóng sinh cá chép sau lễ cúng để ông Táo lên trời. 

Lễ nghinh đón Táo Công được tổ chức vào ngày 30, nếu tháng thiếu thì là ngày 29 tháng Chạp. Trong ngày này, thường các gia đình thiết một lễ (như lễ tiễn ông Táo ngày 23) hoặc đơn giản hơn. Cũng có nhiều nơi, người ta chỉ làm nghi thức tượng trưng như treo hình ông Táo mới, biểu đạt cho việc ngài đã trở về và tiếp tục bảo hộ cũng như giám sát cho mọi người trong gia đình. 

thả cá chép
(Ảnh: Internet)

Việc thờ cúng Táo Quân - nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng người Việt

Thờ cúng ông Công ông Táo đã trở thành phong tục, thành một nếp sống tín ngưỡng không thể thiếu của người Việt. Ngày 23 tháng Chạp không đơn thuần là ngày lễ tiễn ông Táo lên trời mà nó có ý nghĩa như một ngày Tết của dân gian, trước cái Tết Nguyên đán.

Trước hết, tục thờ cúng Táo Quân mang ý nghĩa nhắc nhớ về một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử phát triển của dân tộc. Đó là câu chuyện về vị vua Toại Nhân đã tìm ra lửa. Tổ tiên ta từ đó chuyển qua một giai đoạn mới với đời sống định canh, định cư. Văn mình đồ đồng phát triển và đạt được những thành tựu rực rỡ.

Việc thờ cúng Táo Quân cũng là biểu hiện cho tâm thức dân tộc Việt luôn hướng về nguồn cội. Người Việt tin rằng, tổ tiên của chúng ta vẫn luôn hiện hữu. Vị vua Toại Nhân trở thành thần lửa, thần bếp trong mỗi gia đình. Ngài quản đường sinh hóa và định phúc họa cho mọi người trong nhân gian. Đó cũng là sự bảo hộ, dõi theo của tiền nhân tới các thế hệ cháu con Việt tộc ngàn đời.

Táo Quân chân kinh có những lời dặn rất ý nghĩa và thực tiễn. Nhân ngày cuối năm nói chuyện ông Công ông Táo, xin ghi lại ra đây để chia sẻ cùng quý vị khi chúng ta chuẩn bị lễ tiễn ngài lên trời để “Thượng thiên ngôn hảo sự, hồi cung giáng bình an”: “Người đời không xứ nào mà không kính ta, gọi sự thờ cúng là kính (kính về việc đèn hương) nhưng mà ta không cho là quý cho bằng lấy lòng thành mà kính ta… Có hiếu với cha mẹ, mới thiệt kính ta, thương mến anh em mới thiệt kính ta, bạn bè thân nhau, mới thiệt kính ta, vợ chồng hòa thuận, mới thiệt kính ta…”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top