Aa

Ai cho phép tồn tại 272 căn hộ do chủ đầu tư “tự vẽ”?

Thứ Ba, 15/12/2020 - 14:01

Chưa được cơ quan Nhà nước chấp thuận nhưng CĐT dự án Hồ Gươm Plaza đã “tiền trảm hậu tấu”, thi công và chuyển đổi công năng tòa nhà văn phòng thành 272 căn hộ. Hệ quả, đến nay nhiều cư dân vẫn mòn mỏi chờ cấp sổ hồng.

Lời tòa soạn:

Thời gian qua, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đang là vấn đề nóng tại các thành phố lớn đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM. Các hình thức vi phạm chủ yếu là phá vỡ quy hoạch đô thị, vi phạm quy định về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, chuyển đổi công năng sử dựng khi chưa được cấp phép,…

Hiện, TP. Hà Nội là một trong những địa phương đang quyết liệt xử lý vi phạm trật tự trong xây dựng, nhưng tại một số khu đô thị vẫn tồn tại tình trạng trên, điển hình như dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp Hồ Gươm Plaza tại Khu đô thị mới Mỗ Lao (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội). Nhiều năm nay, dự án này gây bức xúc cho cư dân, với hàng loạt sai phạm không được xử lý triệt để và quyền lợi của người dân đang bị bỏ ngỏ.

Trên tinh thần nghiên cứu, thu thập tài liệu, thông qua khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm “đem con bỏ chợ” tại chung cư Hồ Gươm Plaza?

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

Tự ý “vẽ” thêm 272 căn hộ?

Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp Hồ Gươm Plaza (chung cư Hồ Gươm Plaza) được xây dựng tại ô đất TM-04, thuộc Khu đô thị mới Mỗ Lao, phường Mỗ Lao (quận Hà Đông, TP. Hà Nội), được quảng cáo do Công ty Cổ phần May Hồ Gươm (nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm) làm chủ đầu tư. Theo phê duyệt, dự án có quy mô 29 tầng, 2 tầng hầm, 1 tầng bán hầm và 499 căn hộ chung cư.

Chủ đầu tư dự án chung cư Hồ Gươm Plaza "tự vẽ" thêm 272 căn hộ. 

Công trình này được đưa vào hoạt động từ năm 2015, thế nhưng, kể từ đó đến nay đã nảy sinh nhiều bất cập. Ngoài những vấn đề phản ánh về sự “mập mờ” pháp nhân là chủ đầu tư dự án, cư dân còn “tố” chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng tòa nhà từ văn phòng sang căn hộ. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến người dân mặc dù mua nhà hơn 5 năm qua, nhưng đến nay chưa được cấp sổ hồng.

Anh Nguyễn Đức H (sống tại căn hộ C2506) bức xúc cho biết: “Chủ đầu tư đã chuyển công năng tòa nhà văn phòng sang căn hộ, chính vì thế người dân bị lừa mua nhà, không làm được sổ hồng. Chủ đầu tư có xin chủ trương chuyển đổi công năng Tòa nhà C từ văn phòng sang căn hộ, nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng chấp nhận”.

Về những vi phạm xây dựng tại chung cư Hồ Gươm Plaza, ngày 9/10/2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm và Công ty Cổ phần may Chiến Thắng có Báo cáo số 66/BC-CT-HGG về kết quả khắc phục tồn tại, sai phạm, tại chung cư Hồ Gươm Plaza, gửi đến Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội.

Cụ thể, Tòa C theo thiết kế được duyệt là văn phòng từ tầng 6 - 29, nhưng đến nay, chủ đầu tư đã ngăn chia văn phòng từ tầng 14 - 29 để chuyển đổi thành 224 căn hộ dưới 60m2. Hiện những căn hộ này chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử hữu nhà ở.

Tòa A ban đầu được duyệt căn hộ chung cư cao cấp từ tầng 6 - 29 tầng, mỗi tầng 14 căn hộ nhưng chủ đầu tư đã xây thêm 2 căn hộ mini diện tích dưới 40m2 tại mỗi tầng để bán cho khách hàng. Ngoài ra, chủ đầu tư còn chuyển đổi 48 căn phòng chưa rõ công năng sử dụng Tòa A thành 48 căn hộ để ở. Theo tính toán ban đầu, chủ đầu tư đã chuyển đổi công năng sử dụng Tòa A và C lên đến 272 căn hộ.

Liên quan đến nội dung trên, trước đó, ngày 21/8/2015, Thanh tra Bộ Xây dựng đã lập biên bản vi phạm hành chính số 22/BB-VPHC về hoạt động xây dựng. Nội dung xử phạt về việc chủ đầu tư tự ý chuyển đổi 48 căn hộ mini Tòa A và chuyển đổi khối văn phòng thành căn hộ từ tầng 14 - 29 Tòa C.

Ngày 24/8/2015, Thanh tra Bộ Xây dựng có Quyết định số 241/QĐ-XPVPHC, về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Cùng ngày 24/8/2015, Thanh tra Bộ Xây dựng có Quyết định số 242/QĐ-XPVPHC, về việc áp dụng biện pháp bổ sung khắc phục hậu quả. Đến ngày 11/9/2015, chủ đầu tư đã nộp đầy đủ số tiền theo Quyết định số 241/QĐ-XPVPHC và Quyết định số 242/QĐ-XPVPHC.

Như vậy, quá trình đầu tư xây dựng dự án, Công ty Cổ phần May Hồ Gươm đã tự ý chuyển đổi công năng sử dụng nhiều diện tích sàn của các tòa nhà thành căn hộ khi chưa được phép. Chính vì việc chủ đầu tư thi công kiểu “tiền trảm hậu tấu” và hô biến thành 272 căn hộ ngoài phê duyệt nên đã kéo theo những hệ lụy sau này.

Thời điểm ngày 25/3/2017, cư dân Tòa C và Công ty Cổ phần May Hồ Gươm tổ chức cuộc họp đối thoại. Cư dân Tòa C yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin về việc Nhà nước có đồng ý cho phép chuyển đổi công năng sang căn hộ hay không? Tuy nhiên, chủ đầu tư đã từ chối cung cấp nội dung thông tin trên, yêu cầu cư dân đợi kết quả của cơ quan thanh tra.

Gần đây nhất, tại buổi đối thoại với cư dân ngày 21/10/2020, chủ đầu tư cũng thừa nhận đã chuyển đổi 48 căn phòng chưa rõ công năng sử dụng Tòa A thành 48 căn hộ để ở và chuyển đổi công năng tầng 14 - 29 Tòa C từ văn phòng sang căn hộ. Tổng số căn hộ chuyển đổi là 208 căn.

Tuy nhiên, cư dân cho rằng, nếu đối chiếu với công văn chủ đầu tư báo cáo Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, thì có sự bất nhất về số lượng căn hộ chuyển đổi khi vênh nhau 64 căn hộ. Tại sao lại có sự chênh lệch số căn hộ mà chủ đầu tư “tự ý” chuyển đổi công năng Tòa A và Tòa C như vậy?

Nhiều năm nay, người dân căng băng rôn ngay cửa ra vào Tòa C, chung cư Hồ Gươm Plaza đòi trả sổ hồng.

Cũng tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Duy Ninh, Giám đốc dự án (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm) lý giải: UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 3913/UBND-XDGT ngày 9/6/2015, đồng ý chủ trương cho công ty điều chỉnh cơ cấu căn hộ của dự án và giao cho Sở Xây dựng hướng dẫn chủ đầu tư thủ tục điều chỉnh.

Do các thủ tục điều chỉnh liên quan đến cam kết chuyển trả lại tên chủ đầu tư dự án từ Công ty Cổ phần may Chiến Thắng sang cho Công ty Cổ phần May Hồ Gươm. Đến ngày 5/7/2017, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo và đốc thúc chủ đầu tư dự án bằng văn bản số 6356/VP-ĐT dựa trên báo cáo kết quả của Thanh tra TP. Nội dung: Yêu cầu Sở Xây dựng hướng dẫn chủ đầu tư làm thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án theo hiện trạng.

Như vậy có thể thấy, đến thời điểm này, UBND TP. Hà Nội mới chỉ giao cho Sở Xây dựng hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chưa có quyết định chính thức. Thế nhưng, chủ đầu tư đã “tự ý” chuyển đổi công năng nhiều diện tích sàn tại Tòa A và Tòa C từ văn phòng sang căn hộ.

Ai cho phép sai phạm được tồn tại?

Việc chủ đầu tư “vượt rào” để chuyển đổi công năng thành hàng trăm căn hộ cho thấy sự bất chấp quy định pháp luật, chính điều này khiến quyền lợi của cư dân bị bỏ ngỏ suốt mấy năm qua. Điều đáng nói, trong báo cáo số 66/BC-CT-HGG mà chủ đầu tư gửi Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm và Công ty Cổ phần may Chiến Thắng cũng thừa nhận vi phạm trên đã bị xử phạt và được “cho phép tồn tại”.

Chủ đầu tư cho rằng, dự án chung cư Hồ Gươm Plaza đã được xử phạt và cho phép tồn tại.

“Dự án của chúng tôi được xử phạt và cho phép tồn tại, đã được nghiệm thu về PCCC và nghiệm thu đủ điều kiện đưa vào sử dụng, đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Nhà nước”, nội dung báo cáo nêu rõ. Không hiểu rằng, vì lý do gì mà chủ đầu tư lại được phép cho tồn tại những vi phạm về xây dựng “to như con voi” ở trên?

Trước đó, ngày 15/5/2019, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội đã có văn bản số 4281/STNMT-VPĐKĐĐ gửi chủ đầu tư, về việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng, đất đai, nghĩa vụ tài chính tại chung cư Hồ Gươm Plaza. “Tuy nhiên cho đến nay, Công ty Cổ phần may Chiến Thắng và Công ty Cổ phần May Hồ Gươm chưa báo cáo đầy đủ việc khắc phục các nội dung trên”, thông báo của Sở Tài nguyên & Môi trường nêu rõ.

Theo tìm hiểu, dự án chung cư Hồ Gươm Plaza được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2015. Nhưng đến ngày 5/8/2015, UBND TP. Hà Nội mới ban hành quyết định giao đất số 3714/QĐ-UBND, về việc cho phép Công ty Cổ phần may Chiến Thắng sử dụng 10.316m2 đất tại ô đất TM-04 thuộc Khu đô thị mới Mỗ Lao (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) để thực hiện dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp Hồ Gươm Plaza.   

Công ty Cổ phần may Chiến Thắng có đơn gửi UBND TP. Hà Nội về việc xin chuyển đổi công năng chung cư Hồ Gươm Plaza, tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội mới đồng ý chủ trương và giao Sở Xây dựng xem xét thủ tục điều chỉnh.

Từ phân tích trên có thể thấy, chủ đầu tư chung cư Hồ Gươm Plaza đã chọn cách “tiền trảm hậu tấu”, điều này dẫn đến những rủi ro và vướng mắc cho khách hàng. Minh chứng cụ thể nhất là nhiều năm qua, cư dân mua căn hộ tại chung cư cao cấp bậc nhất Hà Đông nhưng vẫn chưa được cấp sổ hồng. Hàng loạt sai phạm tồn tại dai dẳng tại dự án này chưa được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân.

Thời gian qua, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đang là vấn đề nóng tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM. Các hình thức vi phạm chủ yếu là phá vỡ quy hoạch đô thị, vi phạm quy định về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, xây nhà siêu mỏng, siêu méo, gây mất mỹ quan đô thị… Vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đang tồn tại công khai, gây nhức nhối trong dư luận, đòi hỏi các cấp chính quyền cần khẩn trương nhìn nhận thực trạng, trách nhiệm, từ đó có giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời. Đặc biệt, tại nhiều dự án cư dân liên tục căng băng rôn, khẩu hiệu, “tố” chủ đầu tư chậm bàn giao sổ hồng.

Mới đây, trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 9/11/2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: Đối với những dự án chủ đầu tư cố tình chây ì việc cấp quyền sở hữu đất và sở hữu nhà ở cho người mua, đề nghị các địa phương tập trung xử lý nghiêm khắc theo quy định về xử phạt hành chính. Nếu như chủ đầu tư vẫn tiếp tục cố tình chây ì, thì chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật hình sự.

Thiết nghĩ, UBND TP. Hà Nội và các Sở ban ngành cần có chỉ đạo và vào cuộc một cách rốt ráo để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc tại dự án chung cư Hồ Gươm Plaza. Đồng thời, chủ đầu tư cũng cần thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu của cơ quan chức năng, từ đó sớm khắc phục những vi phạm và hoàn thiện các thủ tục để cấp sổ hồng cho người dân.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top