Aa

An Phú Farm và cầu nối nông trại hữu cơ với cư dân đô thị

Thứ Bảy, 19/03/2022 - 15:16

Cam đen quý không chỉ bởi những giá trị dinh dưỡng vượt trội mà còn vì rất ít vùng trên thế giới trồng được loại cam này. Đây là cam hữu cơ đặc biệt, mang trong mình nhiều câu chuyện từ cánh rừng già ở Măng Đen.

Cách trung tâm thị trấn Măng Đen (H. Kon Plông, tỉnh Kon Tum) khoảng 12km, DoEco Farm có lẽ là trang trại nông nghiệp đặc biệt nhất tại cao nguyên Măng Đen.

Cam đen Măng Đen được An Phú Farm phân phối đến người tiêu dùng Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi

Độc đáo vườn cam DoEco Farm

Khác với những trang trại nông nghiệp “hàng xóm” khác, DoEco Farm nằm sâu trong khu vực đồi núi với địa hình dốc cao, xen kẽ giữa những cánh rừng già. Chính với điều kiện tự nhiên khác biệt như vậy đã góp phần tạo đặc trưng riêng cho trái cam đen nơi đây.

Theo ông Nguyễn Quang Đông (69 tuổi), chủ trang trại DoEco Farm, cam đen thực chất giống cam sành ở Bến Tre được ông mua về trồng tại trang trại. Sự độc đáo của vườn cam thể hiện ở việc nó được trồng tại khu vực gần rừng nguyên sinh, dưới những tán cây cao hơn 40m tại cao nguyên Măng Đen. Trong quả cam cần nhiều vi chất dinh dưỡng không cấu thành mỏ như họ natal, series hay các nguyên tố khác như vanadi, crom,… Những vi chất dinh dưỡng này nằm sâu trong lòng đất, được những cây cao có bộ rễ sâu hút đưa lên lá, lá sau khi rụng và phân hủy sẽ tạo nên nguồn dinh dưỡng được cây cam hấp thụ.

Quả cam sau 13 tháng ở trên cây mới được thu hoạch

Trong môi trường ánh sáng thứ cấp, các cây cao tạo nên không khí mát cho vườn cam bên dưới. Đây là điều kiện để các loại vi tảo phát triển cộng sinh với vỏ quả cam, tạo nên những mảng đen trên vỏ làm cho quả cam có hương vị khác biệt, mang giá trị dinh dưỡng cao. Trên thế giới không có nhiều vùng hội tụ đủ những yếu tố trên để phát triển được loại cam này”, ông Đông, chia sẻ.

Vườn cam tại trang trại DoEco Farm được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn Organic. Trang trại sử dụng phân gà viên thành hạt do Nhật Bản sản xuất và các loại cây cỏ khô được băm nhỏ bằng máy công nghiệp để làm phân bón. Bên cạnh đó, vì sản xuất hữu cơ nên sẽ không sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh mà trong môi trường sẽ có sự đấu tranh cộng sinh, ức chế lẫn nhau nên không phải sử dụng thuốc bảo vệ. Theo ông Đông: “Cỏ dại cũng là một nguồn tài nguyên. Khi cỏ lên cao thì chỉ việc dùng máy phát cỏ, cỏ khi bị phát tạo nên một lớp sinh thái tốt, làm cho đất mùn, tốt hơn”.

Ông Nguyễn Quang Đông giới thiệu về sản phẩm cam đen Măng Đen của trang trại mình.
Vườn cam độc đáo tại DoEco Farm.
Lao động địa phương tham gia thu hoạch cam ở Măng Đen để chuyển về tiêu thụ tại các phố thị

Về thủy lợi, tại trang trại có có một hồ nước dài 3km với trữ lượng khoảng 600.000m3 nằm trên núi cao, đáp ứng được nhu cầu tưới của vườn cam. Khi hết mùa mưa, hệ thống thủy lợi sẽ cung cấp nước liên tục đến sau tết Nguyên đán. Nhờ vậy, trang trại sẽ có mùa thu hoạch lệch vụ so với vụ cam phổ biến hiện nay. Mùa thu hoạch cam đen sẽ từ tháng giêng đến hết tháng 5 âm lịch, do vậy sẽ tránh được sự cạnh tranh, đồng thời làm cho quả cam đến được tay người tiêu dùng trong lúc “khát” nhất, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là đối với cư dân đô thị có thu nhập trên trung bình.

Vườn cam tại trang trại DoEco Farm có quy mô khoảng 10ha, trung bình mỗi cây cho thu trái khoảng 15 – 20kg, trong đó có khoảng 1/3 là cam đen. Cam đen có vỏ ngoài sần sùi, da cam nhiều nám và vết kim châm. Khi chín trên cây, quả cam căng mọng, nặng trĩu, mùi thơm từ vỏ cam thoang thoảng. Cam có vị ngọt thanh, tép cam to, cho nước có màu cam đỏ, sóng sánh, đậm đà rất ngon miệng và đẹp mắt. Đây là loại cam chứa đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất quan trọng khác như vitamin C, B1, B3, canxi, photpho, kali, hàm lượng lớn chất xơ và đặt biệt là lượng đường thực vật glucose cực kỳ tốt cho sức khỏe, mang lại lợi ích cho da, tim mạch và tiêu hóa.

Đưa cam đen về phố thị

Trong khi nhiều trang trại nông nghiệp hữu cơ vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình thì cam đen tại trang trại nông nghiệp sinh thái DoEco Farm của ông Nguyễn Quang Đông lại được nhiều doanh nghiệp phân phối sản phẩm hữu cơ tìm đến bởi giá trị dinh dưỡng và quy trình sản xuất nghiêm ngặt của trái cam đen. Ông Đông cho biết, sản lượng mỗi năm của vườn cam 10ha khoảng 200 tấn, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Cam Măng Đen có chất lượng tốt, được An Phú Farm bao tiêu, cung cấp cho cư dân đô thị tại chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ An Phú Farm

Hiện nay, sản phẩm cam đen đang có mặt tại thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Trong đó, ở thị trường Đà Nẵng, An Phú Farm là đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm cam đen Măng Đen đến tay người tiêu dùng. Ông Đông cho biết cam đen với người dân Đà Nẵng còn khá mới lạ. Trước đây có rất nhiều đơn vị ở thị trường này muốn hợp tác để phân phối cam đen nhưng ông chỉ chọn An Phú Farm vì đây là đơn vị làm nông nghiệp hữu cơ rất nghiêm túc. Ông đánh giá rất cao sự kiên định đi theo con đường nông sản hữu cơ và vị thế là đơn vị uy tín trong phân phối các sản phẩm nông nghiệp sạch đến tay người tiêu dùng ở đô thị như An Phú Farm. Ông Nguyễn Quang Đông chia sẻ: “Nếu so sánh cam hữu cơ của chúng ta với cam Mỹ, cam Úc thì nhiều người nhận định cam của chúng ta chất lượng tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, trái cam hữu cơ của chúng ta vẫn chưa đến được với đông đảo người tiêu dùng. Mong rằng An Phú Farm sẽ tiếp tục quảng bá tốt sản phẩm này để người tiêu dùng ở Đà Nẵng tiếp cận được nhiều hơn với trái cam đen hữu cơ này”.

Với trái cam đen, từ lúc bắt đầu thành hình trên cây đến lúc đến tay người tiêu dùng phải mất khoảng 13 tháng. Đó là một quá trình dài cho một sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, là sự kết hợp của nhiều yếu tố như khí hậu, thổ nhưỡng, hệ sinh thái, công chăm sóc,… Mới đây, cam đen Măng Đen của trang trại nông nghiệp sinh thái DoEco Farm đã được tỉnh Kon Tum cấp chứng chỉ OCOP 3 sao (đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đây sẽ là một điều kiện thuận lợi để sản phẩm cam đen Măng Đen được phổ biến và được nhiều người biết đến.

Hơn 13 kể từ ngày kết trái, cam Măng Đen mới được thu hoạch để đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng

Với ông Nguyễn Quang Đông, trái cam đen Măng Đen không chỉ mang trong mình câu chuyện về sản xuất nông nghiệp hữu cơ mà còn là câu chuyện giữ rừng suốt nhiều năm. Tại khu vực trang trại DoEco Farm vẫn còn nhiều cánh rừng già mà lâm tặc luôn lăm le vào phá để khai thác gỗ. Chính nhờ sự quyết liệt của mình mà ông Đông đã giữ rừng tại khu vực xugn quanh trang trại của mình. Khi được hỏi rằng ông có sợ lâm tặc không, ông khẳng khái đáp: “Không, mình làm đúng thì mình không sợ gì!”.

Được biết, trước đây ông Nguyễn Quang Đông từng có thời gian đi bộ đội ở miền Nam, sau này ông công tác nghiên cứu công nghệ hóa hữu cơ và giảng dạy tại Học viện Hậu cần (Bộ Quốc phòng). Năm 2007, ông đến thị trấn Măng Đen để đầu tư xây dựng trang trại nông nghiệp theo mô hình hữu cơ. Đến nay, ông đã đầu tư khoảng 40 tỷ đồng để xây dựng trang trại và đang lên kế hoạch tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, tăng quy mô cũng như áp dụng công nghệ 4.0 vào trồng trọt cây cam đen theo mô hình nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao trên vùng đất Măng Đen…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top