Aa

Áp lực khôi phục sản xuất quý cuối năm

Thứ Bảy, 02/10/2021 - 06:30

Việc GDP quý III/2021 tăng trưởng âm tới 6,17%, và 9 tháng chỉ tăng trưởng 1,42% đã đặt ra rất nhiều áp lực cho việc khôi phục sản xuất - kinh doanh trong quý cuối năm.

Trong khi GDP quý III/2021 giảm sâu, khu vực dịch vụ giảm đà tăng trưởng, thì cùng với khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại một lần nữa trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế. Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Đan Nguyễn
Trong khi GDP quý III/2021 giảm sâu, khu vực dịch vụ giảm đà tăng trưởng, thì cùng với khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại một lần nữa trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế. Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Đan Nguyễn

GDP quý III/2021 tăng trưởng âm 6,17%

Điều lo ngại cuối cùng đã xảy ra. Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng âm tới 6,17% trong quý III/2021, theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố. “Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

Thực tế, đây cũng là mức giảm sâu nhất kể từ năm 1990 tới nay. Và điều này hoàn toàn không gây bất ngờ, mà gần như đã được dự báo trước, khi liên tục trong những tháng qua, nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, sản xuất đình trệ.

Thậm chí, nói như chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, đợt dịch Covid-19 thứ tư đã “đánh thẳng” vào các trung tâm kinh tế và các khu công nghiệp lớn trong cả nước. Đó là các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Tây và đặc biệt là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước - TP.HCM.

Sức ảnh hưởng lớn đến nỗi, tăng trưởng quý III/2021 đã giảm đáng kể ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Ngoại trừ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%, thì hai khu vực kinh tế còn lại đều giảm. Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, khu vực dịch vụ giảm sâu nhất, lên tới 9,28%. “Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế”, bà Hương nói.

Với GDP quý III giảm sâu như vậy, tăng trưởng GDP 9 tháng chỉ ở mức 1,42%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại một lần nữa trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế, với mức tăng trưởng 2,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%; còn khu vực dịch vụ giảm 0,69%.

Mức tăng trưởng 1,42% đã cho thấy, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề thế nào bởi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát từ cuối tháng 4/2021. Và không chỉ là tăng trưởng GDP, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác cũng đã cho thấy những khó khăn không nhỏ của nền kinh tế.

Chỉ cần lấy số liệu thống kê về hoạt động của doanh nghiệp, cũng đã đủ cho thấy điều này. Thông tin cho biết, trong tháng 9/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt khoảng 3.900 doanh nghiệp, thấp nhất từ năm 2010 đến nay, giảm 62,2% so với cùng kỳ. Ngay cả số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 9 cũng giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 117.800 doanh nghiệp, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Và điều quan trọng, trong 9 tháng, đã có tới trên 90.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Con số này, theo bà Hương, còn chưa phản ánh hết tình hình, bởi điều kiện giãn cách nên nhiều doanh nghiệp không thể tới làm thủ tục giải thể, rút lui khỏi thị trường.

“Chưa bao giờ, số doanh nghiệp rời bỏ thị trường lớn như vậy. Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp ngày càng cạn kiệt”, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) nói và cho biết, hiện nhiều chuỗi cung ứng sản xuất đã bị đứt gãy do dịch bệnh, đặc biệt là tại TP.HCM.

Sản xuất bị đứt gãy trong khi cầu thị trường trong nước đang sụt giảm càng khiến doanh nghiệp thiếu động lực cho sản xuất - kinh doanh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng, sức mua của nền kinh tế giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm tới 8,7%, còn giảm mạnh hơn so với mức giảm 5,1% của cùng kỳ năm 2020. 

Áp lực khôi phục sản xuất quý cuối năm

Áp lực khôi phục sản xuất quý cuối năm

Trông đợi quý cuối năm

Thực ra, vẫn có thể nhìn thấy những điểm sáng của nền kinh tế trong 9 tháng qua. Lạm phát được kiểm soát ở mức chỉ 1,82% sau 9 tháng là một ví dụ và con số này tiếp tục cho thấy kinh tế vĩ mô đang trong xu hướng ổn định.

Bên cạnh đó, dù khó khăn, nhưng các hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn đang được các doanh nghiệp nỗ lực duy trì. Đó là một trong những lý do khiến kim ngạch xuất nhập khẩu trong 9 tháng vẫn tăng trưởng mạnh 24,4% so với cùng kỳ, đạt trên 483 tỷ USD.

Tuy nhiên, áp lực đang đè nặng lên quý cuối năm. Theo tính toán của ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, với tăng trưởng GDP 9 tháng là 1,42%, thì kinh tế Việt Nam sẽ không thể đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Điều này, trên thực tế, cũng đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc đến cách đây chưa lâu, khi làm việc với các địa phương về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Theo Bộ trưởng, tăng trưởng GDP năm nay sẽ vào khoảng 3,5 - 4%.

Trong báo cáo được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày tại cuộc họp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 29/9, cũng đã nhắc tới con số này. Theo đó, năm nay, dự kiến, sẽ có 4/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không đạt mục tiêu đề ra, trong đó có chỉ tiêu về tăng trưởng GDP.

Thực tế, với việc GDP quý III giảm sâu và 9 tháng chỉ đạt 1,42%, để đạt được tốc độ tăng trưởng 3,5 - 4%, cũng cần có sự nỗ lực rất lớn. Theo tính toán, để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 2,5%, thì GDP quý IV phải tăng trưởng 5,3%. Còn để đạt mức tăng trưởng 3%, quý IV phải tăng trưởng trên 7%. Đây là một áp lực không nhỏ.

Không phải không có những tín hiệu tích cực hơn của nền kinh tế trong quý cuối cùng của năm. Việc dự kiến thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc là một ví dụ. Sau một thời gian dài tạm dừng, khi giãn cách xã hội được nới lỏng, nhiều dự án đầu tư công đã được khởi động trở lại và đây sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Việc vốn đầu tư nước ngoài cấp mới và tăng thêm tăng khá cao so với cùng kỳ cũng đã cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Trong kết quả cuộc điều tra về xu hướng kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê, có tới 73,7% doanh nghiệp được hỏi nhận định rằng, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn và giữ ổn định. Việc Chính phủ gần đây nghiên cứu lộ trình mở cửa trở lại nền kinh tế có lẽ là một trong những lý do cơ bản khiến các doanh nghiệp lạc quan hơn về tình hình kinh doanh trong những tháng cuối năm.

Tuy vậy, những rủi ro, thách thức của nền kinh tế vẫn còn rất lớn, mà nếu không nỗ lực, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm nay.

“Chìa khóa” là chống dịch và mở cửa lại nền kinh tế

Trong phiên thảo luận tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã nhắc đến 3 động lực cho tăng trưởng kinh tế hiện nay, là sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu và đầu tư, tuy nhiên, cả 3 động lực này phụ thuộc rất lớn vào kiểm soát dịch bệnh.

Trước đó, khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh: “Giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới là cần tập trung vào việc kiểm soát dịch bệnh để sớm phục hồi và triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh bình thường, trong đó có đầu tư công”.

Thực tế, đã có một bước ngoặt quan trọng trong chính sách chống dịch của Chính phủ Việt Nam, đó là chuyển từ mục tiêu “Zero Covid-19” sang “chung sống an toàn với Covid-19”. Sự chuyển hướng này chính là nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam có thể từng bước mở cửa trở lại, sớm phục hồi trong giai đoạn tới.

Hiện nay, các kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế theo lộ trình đang được xây dựng. Thông tin mới đây cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đề xuất áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế theo kiến nghị của TP.HCM.

Theo ông Võ Trí Thành, nếu ngay trong quý IV, các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp có thể vận hành trở lại trong trạng thái “bình thường mới”, thì tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt khoảng 3 - 4%.

“Khả năng khống chế dịch, tốc độ tiêm vắc-xin, sự bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường chính là những yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế quý cuối năm, cũng như cả năm 2022”, ông Võ Trí Thành nói.

Cùng với việc nghiên cứu để mở cửa lại nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế, dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ vào đầu tháng 10. “Quan điểm là sẽ phải vượt qua khó khăn trước đã, bởi nền kinh tế đang ốm thì trước tiên phải chữa khỏi bệnh. Sau đó, sẽ dựa vào xu thế quốc tế, bám theo sự phục hồi của các đối tác kinh tế lớn để tăng tốc. Cũng có thể tận dụng cải cách thể chế để thúc đẩy tăng trưởng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói tại phiên họp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Trước đó, trong cuộc tọa đàm do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì mới đây, các chuyên gia kinh tế cũng đã cho rằng, cần một khung chiến lược phát triển kinh tế mới, một chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế. Do vậy, mọi chờ đợi đang hướng vào kế hoạch mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top