Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi mô hình hoạt động từ truyền thống sang linh hoạt, trong đó xu hướng tái cơ cấu quản lý - vận hành, thu hẹp văn phòng làm việc sao cho phù hợp với dòng tiền và những biến động nhằm thích ứng với trạng thái "bình thường mới".
Doanh nghiệp khủng hoảng tài chính do dịch
Mặc dù thị trường mua bán bất động sản chưa có dấu hiệu “nóng” trở lại, nhưng các nhà môi giới, đơn vị cung cấp giải pháp văn phòng đang khá bận rộn với việc tiếp xúc hàng loạt các công ty đa dạng quy mô từ tập đoàn đến vừa và nhỏ. Tất cả các cuộc họp đều xoay quanh những giải pháp có thể tháo gỡ cho doanh nghiệp thoát khỏi khủng hoảng tài chính, khủng hoảng tiền mặt đang và sẽ đối mặt.
Không nghi ngờ gì, việc duy trì một văn phòng bình thường như trước thời điểm đại dịch COVID-19 đang là một áp lực không nhỏ, bởi hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều bị ảnh hưởng “sức khỏe tài chính” trước những cuộc "vượt sóng rẽ gió" trong đại dịch COVID-19. Theo đó, khi trạng thái “bình thường mới” trở lại, các công ty đang đứng giữa hai lựa chọn: đàm phán để thuê mặt bằng với chính sách phù hợp hơn hoặc chuyển sang mô hình văn phòng dịch vụ (serviced office, coworking space).
Anh Hoàng Hải, đại diện một công ty dịch vụ nhân sự hàng hải có văn phòng tại trung tâm Quận 1 (TP.HCM) cho biết: “Mất hết cả rồi em ạ. Hai lần bị dịch COVID-19 “dập”, vốn điều lệ công ty không những không còn mà còn âm; chưa kể khách hàng, mối lái trước đây mất hơn chục năm gầy dựng và duy trì giờ không còn. Tất cả khách hàng đều chuyển hướng thuê nhân sự ở các nước khác lân cận với chi phí cũng rẻ tương đương”.
Khi đại dịch bùng lên, nhiều doanh nghiệp đã thừa nhận rằng, họ phải “ưu tiên tiền thuê nhà trước tiền lương”. Do đó, ngay khi dịch bùng phát diện rộng, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến chủ nhà để đề xuất những giải pháp linh động chi phí. Nếu không đạt được thỏa thuận hoặc “sức đề kháng” quá yếu, các doanh nghiệp buộc phải trả mặt bằng thuê văn phòng.
Cụ thể mới đây, một công ty Thái Lan hoạt động trong lĩnh vực marketing call center, chuyên cung cấp dịch vụ call center cho các công ty tài chính, đã quyết định trả lại mặt bằng thuê sau 4 tháng cầm cự trong bối cảnh “ngưng trệ”. Từ nhiều tháng nay, họ đã thực hiện “giải pháp khẩn cấp” là vẫn ráng trả tiền nhà dù nợ lương nhân viên 3 tháng.
Tuy nhiên, trường hợp như công ty trên chỉ phản ánh một phần của thị trường vì những doanh nghiệp đã đầu tư quá nhiều vào văn phòng rất khó tìm được “ngả rẽ” hay “đường lùi” nhanh chóng, dẫn đến vấn đề: ở lại hay chuyển đổi mô hình văn phòng cũng đồng nghĩa với việc mất rất nhiều chi phí.
Chuyển đổi để thích ứng với “bình thường mới”
Để tồn tại trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát lớn nhất từ trước đến nay, nhiều doanh nghiệp đang "tự cứu mình" bằng nhiều cách, trước tiên là đàm phán với chủ nhà để đưa ra giá thuê mới rẻ hơn hoặc có những giải pháp nhằm giảm chi phí thuê.
Tuy nhiên, những ràng buộc chặt chẽ về điều khoản thuê văn phòng giữa doanh nghiệp và chủ nhà: từ diện tích tối thiểu đến giá thuê từng mét vuông, thời hạn hợp đồng (ít nhất 3 - 5 năm), sửa chữa, đền bù, trang trí, bảo trì bảo dưỡng, phí dịch vụ... khiến các doanh nghiệp đứng trước tình thế lưỡng nan. Bởi với văn phòng truyền thống, tài sản của doanh nghiệp nằm trong văn phòng nên chủ nhà nắm toàn quyền, doanh nghiệp không thể thay đổi bất kỳ điều khoản nào.
Chuyên gia bất động sản Võ Thị Khánh Trang, Công ty Savills Việt Nam cho rằng, những khó khăn của thị trường cho thuê chỉ mang tính tạm thời, trong dài hạn sẽ phục hồi mạnh mẽ. Nguyên nhân sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tiếp tục ra đời và phát triển, kéo theo đó là nhu cầu về không gian làm việc cũng tăng theo. Tuy nhiên, để thích ứng với “bình thường mới”, văn phòng của doanh nghiệp cũng sẽ chuyển đổi theo xu hướng trẻ trung, hiện đại, tính kết nối cao; đồng thời, COVID-19 cũng là yếu tố khiến một số doanh nghiệp cân nhắc từ bỏ thuê văn phòng truyền thống dài hạn sang thuê văn phòng chia sẻ để tiết kiệm chi phí cũng như linh động thời gian thuê.
Bởi theo các doanh nghiệp, giải pháp văn phòng linh hoạt sẽ giải bài toán linh động hoá chi phí doanh nghiệp, củng cố uy tín thương hiệu để sinh tồn và tăng trưởng trong "bình thường mới”, đồng thời cũng là xu hướng “hợp thời” trong tương lai do dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa biết khi nào kết thúc hoàn toàn. Theo đó, văn phòng linh hoạt phải cho phép trả tiền nhà từng tháng, có thể linh hoạt về địa điểm, "giãn nở" theo nhu cầu đặc thù về không gian của từng khách hàng. Bên cạnh đó, yếu tố an toàn, thông gió của văn phòng cũng trở thành điều kiện tiên quyết để đầu tiên khi các doanh nghiệp nhắm tới thuê.
“Thời gian tới, TP.HCM và Hà Nội tiếp tục thu hút nguồn FDI và nằm trong Top 5 tỉnh, thành phố có vốn FDI cao nhất. Dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ tăng sau đại dịch, khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết trong thời gian gần đây. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện nhiều giải pháp giải cứu nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thông qua chính sách hỗ trợ tài chính. Theo đó, thị trường văn phòng được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2021 cho đến đầu năm 2022”, bà Võ Thị Khánh Trang nhận định.