Bất động sản du lịch

Hậu Covid-19, du lịch châu Á - Thái Bình Dương đứng trước những cơ hội và thách thức như thế nào?

Bất động sản du lịch - 06:00, 04/10/2021 G10T+7 - Thúy Quỳnh (Dịch, tổng hợp)

Ngành du lịch của các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ đối mặt với nhiều cơ hội và cả thách thức mới trong thời kỳ hậu đại dịch.

Covid-19 là một cú sốc lớn với thị trường du lịch thế giới nói chung và  châu Á - Thái Bình Dương nói riêng. Trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021, những chính sách hạn chế đi lại, phong tỏa thành phố, đóng cửa các địa điểm tham quan và dịch vụ không thiết yếu... của hầu hết các quốc gia trước làn sóng dịch bệnh khiến cho ngành du lịch rơi vào trạng thái lao dốc trong một thời gian tương đối dài. 

Theo báo cáo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (World Travel and Tourism Council - WTTC), năm 2020, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng nhất về du lịch trên thế giới. Đóng góp của ngành du lịch vào GDP khu vực giảm đến 53,7%, cao hơn mức giảm toàn cầu (49,1%). Chi tiêu của du khách quốc tế tại khu vực giảm 74,4%. Trong khi đó, chi tiêu của du khách nội địa cũng giảm đến 48,1%. 

du lịch đóng cửa, du lịch hậu covid, du lịch, đại dịch
Khu thắng cảnh Wulingyuan ở Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc phải đóng cửa vì diễn biến Covid-19 mới tại địa phương 
hồi tháng 07/2021 (Nguồn: CFP)

Tuy nhiên, báo cáo Dự báo Du khách đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn 2021 - 2023 được Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) công bố mới đây đã nhận định, tình hình có thể tích cực hơn nhờ những dấu hiệu tăng trưởng. Theo kịch bản lạc quan nhất, mức độ tăng trưởng ngành du lịch có thể đạt đến 320,3% hoặc theo kịch bản xấu nhất là 75,2%, dù không thể nào trở lại mức tiêu chuẩn như năm 2019. 

Nhờ những nỗ lực tiêm chủng toàn dân của các quốc gia và nhu cầu du lịch của người dân có thể tăng mạnh khi đại dịch kết thúc, du lịch châu Á - Thái Bình Dương sẽ có thể phục hồi. Trong bối cảnh đó, ngành du lịch khu vực sẽ phải đối mặt với bài toán kinh tế sao cho nắm bắt cơ hội đầu tư và kinh doanh tốt nhất, đồng thời giảm tỷ lệ rủi ro xuống mức thấp nhất để lấy lại vị thế tăng trưởng. 

Thách thức từ nền kinh tế đang hồi phục 

Nhóm các nhà khoa học đến từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Tây bán cầu đã chỉ ra bức tranh kinh tế vĩ mô cho ngành du lịch của châu Á - Thái Bình Dương trong thời kỳ hậu Covid-19 với những thách thức về cơ chế, chính sách, trong một nghiên cứu có tên “Tourism in the Post-Pandemic World: Economic Challenges and Opportunities for Asia-Pacific and the Western Hemisphere” (Tạm dịch là Du lịch trong thế giới hậu đại dịch: Những thách thức và cơ hội kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương và Tây bán cầu) năm 2021. 

Theo nghiên cứu, thách thức về tài chính hậu Covid-19 đến từ những “vết sẹo kinh tế” khá lớn mà các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phải gánh chịu, đặc biệt là những nước có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch (Tourism Dependent Countries - TDC). Để khắc phục những hậu quả kinh tế do đại dịch, hầu hết các quốc gia đều tung ra những gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp như giãn nợ, giảm lãi suất, linh hoạt trong đầu tư và cho vay. 

Tuy nhiên, tài chính trong nước có thể vẫn không đủ cung cấp toàn bộ sự hỗ trợ cần thiết. Ngay cả khi lĩnh vực du lịch gặp khó khăn về tài chính, các ngân hàng có thể buộc phải cắt giảm cho vay và thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay để đảm bảo an toàn tài chính. Nếu vậy, sự phục hồi có thể sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn bình thường vào các dự án từ các đối tác phát triển trong mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia phụ thuộc vào du lịch. 

Bên cạnh đó, bản thân du lịch là lĩnh vực liên đới đến rất nhiều vấn đề của những lĩnh vực khác. Covid-19 đã khiến thị trường việc làm thiệt hại nặng nề và do đó, rất nhiều người mất việc và mất nguồn thu nhập chính. Cho dù nhu cầu du lịch có thể rất lớn do đã bị đè nén trong thời gian dài, nhưng nguồn tài chính cá nhân hạn hẹp và chưa thể phục hồi nhanh có thể là yếu tố cản trở đáng kể đến cầu du lịch. Ngoài ra, một số lĩnh vực như hàng không, vận chuyển cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng cần một sự phục hồi đáng kể trước khi có thể đóng góp vào sự phát triển của du lịch. 

Cơ hội từ “bong bóng du lịch”  

Tuy nhiên, du lịch cũng sẽ là ngành có tiềm năng và tốc độ phục hồi đáng kể nếu nắm bắt được những cơ hội tốt. 

Cũng theo nghiên cứu trên, sự phục hồi của ngành du lịch có thể liên quan rất nhiều đến sự vận hành của “bong bóng du lịch”. “Bong bóng du lịch” là một sự sắp xếp trong đó các vùng có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp (hoặc không) cho phép dòng người tự do (khách du lịch) chỉ hoạt động giữa các khu vực an toàn trong vùng nhằm giãn cách với phần còn lại - những nơi có dịch. 

Theo một bài viết trên trang East Asia Forum có tên “Asia Pacific travel bubbles and the Covid-19 “diseasescape” (Tạm dịch: Bong bóng du lịch Châu Á - Thái Bình Dương và nghịch cảnh Covid-19) của hai tác giả Yuk Wah Chan (Phó Giáo sư Khoa Nghiên cứu Châu Á và Quốc tế tại Đại học Thành phố Hồng Kông) và David Haines (Giáo sư danh dự tại Đại học George Mason) ngày 17/05/2021, các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã triển khai hoặc có kế hoạch triển khai “bong bóng du lịch” mặc dù bị hạn chế bởi những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Singapore từng là một trong những nước tích cực nhất ở châu Á trong việc tạo ra bong bóng du lịch một chiều và hai chiều, quốc gia này nỗ lực triển khai “bong bóng du lịch” với Hồng Kông vào tháng 11/2020 nhưng bị hủy do có thêm các ca nhiễm mới. 

Singapore cuối cùng đã thông báo “bong bóng” mở cửa vào cuối tháng 5/2021 với chỉ 200 chỗ ngồi mỗi ngày trên mỗi chiều. Giá vé máy bay ngay lập tức tăng vọt 500%. Trung Quốc, với những dấu hiệu tích cực trong kiểm soát dịch bệnh, cũng đã bắt đầu những kế hoạch “bong bóng du lịch” tuy còn tương đối chậm, chỉ giảm bớt một vài hoạt động kiểm dịch tại các chuyến bay giữa một số thành phố của Trung Quốc và Hàn Quốc. 

du lịch, bong bóng du lịch, du lịch hậu covid
Singapore và Hồng Kông cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa hai thành phố. (Ảnh: Lim Yaohui, AFP)

Theo Reuters đăng ngày 10/06/2021, Singapore và Australia đang nỗ lực hợp tác để tạo ra một “bong bóng du lịch” hàng không giữa hai nước, tuy đây mới chỉ là bước đầu và còn cần nhiều thời gian để thực hiện. Ngày 15/09/2021, trang South China Morning Post đưa tin, Bộ trưởng Bộ Du lịch Indonesia, ông Sandiaga Uno đang thiết lập kế hoạch mở cửa trở lại khu du lịch Bali của nước này, đồng thời gợi mở về cơ hội hợp tác tạo ra “tam giác du lịch” giữa Bali, Phuket (Thái Lan) và Langkawi (Malaysia) trong bối cảnh cụm 99 đảo ở Langkawi đã chính thức được mở cửa vào ngày 16/09. 

du lịch mở cửa, du lịch, covid
Langkawi thực hiện những biện pháp giãn cách khi mở cửa du lịch từ ngày 16/09 (Nguồn: Reuters)

Đương nhiên, “bong bóng du lịch” chỉ là một phương án tạm thời và tồn tại nhiều nguy cơ cũng như sự thiếu công bằng giữa các khu vực. Tuy nhiên, với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát một cách chặt chẽ, tốc độ tiêm chủng nhanh chóng, “bong bóng du lịch” hoàn toàn có thể mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy du lịch phát triển trở lại ở một số khu vực. 

Bên cạnh “bong bóng du lịch”, một xu hướng khác có thể góp phần đáng kể trong việc tái thiết lập du lịch quốc gia là du lịch nội địa. Với việc hầu hết các quốc gia châu Á vẫn còn thận trọng trong việc mở cửa cho khách du lịch quốc tế, du lịch nội địa nhanh chóng trở thành sự lựa chọn nhiều tiềm năng hơn, bởi có thể kiểm soát tình hình dịch bệnh dễ dàng hơn. 

Du lịch nội địa tại châu Á - Thái Bình Dương có thể là yếu tố then chốt để đạt được sự phục hồi tích cực vào năm 2022, theo trang Tourism Economic. 15 điểm đến lớn trong khu vực, ngoại trừ Ấn Độ, có khả năng đạt được số lượng khách du lịch nội địa như năm 2019 vào năm 2022. 

du lịch nội địa, du lịch, covid
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ khách du lịch nội địa so với tổng lượng khách du lịch 
năm 2019 và dự đoán năm 2022 tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương 
(Nguồn: Tourism Economics)

Như vậy, năm 2021 có vẻ như vẫn chưa phải thời điểm ngành du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể hoạt động ổn định và phát triển trở lại. Tuy phải đối mặt với những thách thức đáng kể từ hậu quả của Covid-19, du lịch vẫn là lĩnh vực có nhiều tiềm năng để phục hồi nhanh và mạnh trong những điều kiện thích hợp, trong đó có sự hỗ trợ về chính sách từ Chính phủ và các cơ quan liên ngành./.
 

Bạn đang đọc bài viết Hậu Covid-19, du lịch châu Á - Thái Bình Dương đứng trước những cơ hội và thách thức như thế nào? tại chuyên mục Bất động sản du lịch của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục