Aa

AZ Land và những "đứa con" tai tiếng

Chủ Nhật, 23/07/2017 - 06:00

Trong số các dự án chết lâm sàng do hệ lụy của thị trường bất động sản khủng hoảng thì cái tên AZ Land có lẽ được nhắc đến nhiều nhất.

Khách hàng tố chủ đầu tư lừa đảo

Khách hàng tố chủ đầu tư lừa đảo

AZ Land từng một thời đình đám trong giới bất động sản nhờ sở hữu hàng loạt dự án vào loại hàng “hot” trên thị trường như: AZ Vân Canh CT1, AZ vân Canh CT2, AZ Lâm Viên, AZ Sky Định Công, AZ Kim Giang, Bright City… 

Dù dự án nào cũng được quảng cáo rầm rộ và mức giá chênh lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng nhiều khách hàng mua nhà các dự án này vẫn đang phải ngậm “trái đắng”.

“Những đứa con” tai tiếng

Mở màn cho những tai tiếng của AZ Land là việc bị khách hàng tố dự án AZ Vân Canh CT1 chậm tiến độ, có dấu hiệu chiếm dụng vốn của khách hàng. Theo đó, cuối năm 2009 đầu năm 2010, Công ty AZ bắt đầu bán dự án dưới hình thức huy động vốn với số tiền 11 – 12 triệu đồng/m2, chênh từ 2 – 4 triệu đồng/m2 (số tiền này không có hóa đơn).

Theo hợp đồng, dự án sẽ được khởi công vào tháng 4/2010, nhưng phải đến hơn 1 năm sau (tháng 7/2011), dưới sức ép rút vốn của khách hàng, công ty này mới làm 1 lễ động thổ hoành tráng. Nhưng chỉ sau 20 ngày, dự án đã bị phát hiện “khởi công cho có” vì máy móc đã rút ra hết khỏi công trường.

Dự án thứ hai đưa tên tuổi của AZ Land trở nên nổi tiếng là AZ Vân Canh CT2. Đầu năm 2010, Công ty Đầu tư phát triển Nhà Thái Sơn (công ty con của AZ Land) đã làm hợp đồng vay vốn đối với hơn 100 khách hàng để huy động vốn thực hiện dự án này. Điều đáng nói là tuy chưa được chuyển giao từ HUD nhưng công ty này vẫn công khai huy động vốn từ khách hàng. Sự việc khiến nhiều khách hàng ngã ngửa khi đại diện của HUD lên tiếng khẳng định “chưa có một sự chuyển giao nào”.

Tương tự, dự án AZ Sky Định Công cũng bị khách tố huy động vốn khi dự án chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Cụ thể, hợp đồng huy động vốn được ký kết từ năm 2009, nhưng đến tận ngày tháng 10/2010, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mới có Công văn cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Và tất nhiên, dự án chưa có giấy phép xây dựng cũng như được phê duyệt về quy hoạch.

Còn dự án BrightCity cũng khiến nhiều khách hàng phải đau đầu khi chủ đầu tư huy động vốn, nhưng không chịu thực hiện dự án, thậm chí còn có dấu hiệu “xù” tiền.

Huy động vốn của khách hàng từ năm 2011 với mức giá 16 triệu đồng/m2 (chênh khoảng 2 triệu đồng/m2). Nhưng đến tháng 11/2012, hợp đồng đặt cọc hết hạn, dự án vẫn chưa thi công xong móng. Khách hàng yêu cầu thanh lý hợp đồng và hoàn trả tiền, nhưng chủ đầu tư không thực hiện, với lý do “vốn góp của khách hàng đã được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, làm móng”.

Tại sao khách hàng cứ bị lừa?

Thực chất AZ Land chỉ là một công ty do ông Bùi Viết Sơn - Hiệu trưởng trường Công nghệ Bách khoa Aptech cùng bạn bè lập nên để tranh thủ đầu tư vào bất động sản trong thời điểm mà đầu tư vào đất ở Hà Nội đang "hái ra tiền".

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao dự án nào của AZ cũng có vấn đề, nhưng vì đâu khách hàng vẫn mua phải chấp nhận những “trái đắng”? Nguyên nhân do AZ đánh trúng vào tâm lý thích giá rẻ của khách hàng. Theo đó, những dự án do AZ Land bán thường thấp hơn so với giá của nhiều dự án tương đương trên thị trường, chính vì vậy mà dự án đã thu hút nhiều người mua.

Thứ hai, với mỗi dự án, AZ Land lập ra một công ty con đứng ra để ký kết hợp đồng góp vốn với nhà đầu tư đến mua nhà như: Công ty bánh kẹo Thăng Long đối với dự án Bright City; Công ty đầu tư và phát triển nhà ở Thái Sơn Hà Nội với dự án Vân Canh CT2... Việc lập ra các công ty con được nhiều người ví như một phần đánh lạc hướng các khách hàng.

Luật sư Bùi Quang Hưng - Văn phòng Luật sư BQH và cộng sự cho biết, nhiều chủ đầu tư kinh doanh bất động sản vẫn theo kiểu “giật gấu vá vai”, lấy tiền của người mua dự án này đầu tư dự án khác. Chỉ cần một dự án bị ngưng trệ, ngay lập tức, hàng loạt dự án khác của chủ đầu tư cũng ngưng trệ theo.

Theo luật sư Hưng, nếu hợp đồng mua nhà có khoản chậm tiến độ, chủ đầu tư phải trả lãi, khách hàng hoàn toàn có quyền đòi lãi như quy định. “Nếu chủ đầu tư không trả lãi, khách hàng có quyền kiện chủ đầu tư ra tòa để yêu cầu phải thực hiện cam kết trong hợp đồng. Khi chủ đầu tư không chứng minh được tiền thu của khách hàng sử dụng vào mục đích gì là có dấu hiệu của việc chiếm dụng vốn”, luật sư Hưng nói.

“Chúng tôi luôn khuyên khách hàng trước khi bỏ tiền mua căn hộ phải xem xét kỹ về năng lực chủ đầu tư để tránh tình trạng mua nhà 10 năm… vẫn không có nhà để ở”.

Liên lạc với cá nhân ông Bùi Viết Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty AZLand và lãnh đạo công ty này nói chung rất khó khăn. Hiện trụ sở Công ty AZLand sau khi chuyển từ 58 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) về số 308 phố Tây Sơn (quận Đống Đa).

Với việc dính hàng loạt phốt, có lẽ việc lấy lại niềm tin với khách hàng của AZ Land là không hề dễ dàng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top