Aa

Ba điểm "sai bét" của BRT Hà Nội?

Thứ Hai, 22/05/2017 - 06:20

Tuyến xe ô tô buýt nhanh-BRT đầu tiên: Kim Mã-Yên Nghĩa (ở Hà Nội), dài 14,77km qua 21 nhà chờ. Đồng nghĩa với 21 điểm dừng xe (cho người đi đường lên, xuống BRT). BRT hoạt động từ 5h-22h/ngày, với tần suất trung bình 7,5 phút/1 chuyến xe dừng (đón trả khách) tại các nhà chờ.

Tính toán lý thuyết dự án rất hấp dẫn của Sở Giao thông vận tải địa phương: Đi BRT từ Kim Mã-Yên Nghĩa (14,77km) chỉ mất khoảng 35 phút. Song trên thực tế ngoài giờ cao điểm, cách đây không lâu (ngày 05/01/2017), người viết đi BRT biển kiểm soát 29B 148. 08 chuyển bánh lúc 10 h 10 phút từ Kim Mã, đến Yên Nghĩa lúc 10h 53 phút (mất 43 phút).

Đặc biệt, BRT không nhất thiết bắt buộc phải có làn đường riêng trên mặt đất như tramwai (tàu điện bánh sắt), hay trolleybus (tàu điện bánh lốp). Nói cách khác: Chẳng cần độc quyền 1 làn đường riêng, BRT vẫn có thể chạy được.

Làn đường BRT vắng tanh, phung phí vô cùng

Làn đường BRT vắng tanh, phung phí vô cùng

Tuy nhiên ở các nước phát triển, họ có nhiều đường phố rộng từ 12 làn xe trở lên (mỗi chiều đi rộng 6 làn xe trở lên), với nhiều dải phân cách khác nhau, nên họ dành riêng 1 làn xe cho BRT và trở thành tiêu chuẩn đầu tư, khai thác loại hình phương tiện giao thông công cộng (BRT) của họ.

Trở lại điều kiện đường phố Hà Nội, từ Kim Mã-Yên Nghĩa hầu hết mỗi chiều đường đi chỉ vẻn vẹn 3 làn xe, đâu có rộng xông xênh, mà cũng học đòi “coi chân voi như cột đình”, để bắt chước nước ngoài dành riêng 1 làn đường phố rộng 3,5m cho BRT là “sai bét” thứ nhất.

Cụ thể, với tần suất trung bình 7,5 phút/1 chuyến xe BRT dừng tại các nhà chờ nêu trên, cũng có nghĩa làn đường dành riêng (cho BRT), cứ mỗi lần cách quãng lại vắng tanh 7,5 phút (xem trong ảnh 1). Trong khi đó, thật trớ trêu các làn đường bên cạch vào giờ cao điểm không đáp ứng được lưu lượng xe cộ đi lại. Dẫn đến hàng đoàn xe ô tô lớn nhỏ, cùng với hàng loạt mô tô, xe gắn máy… phải xếp hàng lưu hành “cà nhắc” dài dằng dặc. Và chỉ khi nào đường phố tắc hẳn-kẹt cứng xe cộ kéo dài thời gian, mới được “nống” sang làn xe BRT (theo điều khiển của lực lượng chức năng).

Hàng ghế ngồi quay mặt về đuôi xe BRT, dễ làm hành khách say xe

Hàng ghế ngồi quay mặt về đuôi xe BRT, dễ làm hành khách say xe

Hậu quả “tức nước vỡ bờ”, bất chấp lực lượng chức năng phạt nóng hay phạt nguội, vẫn có những người điều khiển xe ô tô hay xe mô tô 2 bánh cực chẳng đã, phải vi phạm-tự “chủ động nống” sang làn xe BRT (đang vắng tanh). Như vậy rõ ràng là phung phí vô cùng lòng-mặt đường (thuộc làn đường) xe BRT. Mặc dù mới đây, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã quan tâm, chỉ đạo cơ quan chức năng thí điểm cho xe ô tô buýt thường được chạy vào làn đường xe BRT (từ làn đường độc quyền BRT, sang nhị quyền: BRT+ buýt thường). Nhưng như thế cũng chỉ là 1 biện pháp “chữa cháy” chưa triệt để.

Đã thế lại có khá nhiều nhà chờ: Nguyễn Tuân, An Hưng, Mỗ Lao, Trung Văn, Văn Khê… vi phạm nguyên tắc tổ chức giao thông, vì tọa lạc quá gần phạm vi các giao lộ; khiến BRT dừng đón trả khách ngay sát các ngã tư có đèn tín hiệu, gây cản trở các phương tiện rẽ trái (vừa dừng xe để nhường đường cho BRT đi xong, lại gặp đèn đỏ-phải dừng xe tiếp), rất dễ xảy ra ùn tắc giao thông. Như vậy là “sai bét” thứ 2.

Còn “sai bét” thứ 3 là tuyến BRT này đi qua 2 cầu vượt “nửa vời”: Láng Hạ-Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương-Láng (chưa phải là nút giao thông không gian, khác mức hoàn chỉnh). Cho nên cấm mô tô, xe gắn máy trong giờ cao điểm-không được đi lên 2 cầu vượt, sớm muộn cũng sẽ dẫn đến hậu quả ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở các ngả đường phía dưới 2 cầu. Và chắc chắn sẽ ảnh hưởng lây lan ùn tắc cả 4 đầu cầu (mỗi cầu có 2 đầu). Đồng nghĩa với BRT sẽ không thể đi qua 2 cầu vượt (Láng Hạ-Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương-Láng) 1 cách “thông đồng bến giọt” trong giờ cao điểm. Mặc dù cơ quan chức năng chủ quan cho rằng có đèn tín hiệu “gọi BRT qua cầu”…

Ngoài ra việc lắp các hàng ghế ngồi (thường dành cho người cao tuổi, phụ nữ có thai…) quay mặt về phía đuôi xe ô tô BRT (xem trong ảnh 2) cũng bất cập-rất dễ làm cho hành khách say xe.

Từ câu chuyện BRT nêu trên, người viết có liên hệ: Điều kiện đường phố Hà Nội hiện tại vẫn đảm đương tất cả các loại xe ưu tiên lưu hành, được Luật Giao thông đường bộ (điều 22) quy định rất chi tiết. Chúng đâu có cần làn đường dành riêng.

Vì vậy thiết nghĩ cơ quan thẩm quyền xem xét, khỏi cần độc quyền 1 làn đường dành riêng hay nhị quyền cho xe BRT và xe buýt thường. Đồng thời sớm di dời vị trí những nhà chờ (BRT) tọa lạc quá gần phạm vi những giao lộ (nút giao thông).

Đặc cách vì Hà Nội đã lỡ đầu tư rồi, để phát huy tốc độ lưu hành xe BRT, nên quy định loại xe công cộng nhanh (như BRT) cũng được ưu tiên (trang bị còi và cờ ưu tiên)-khi chúng lưu hành “mặc định” trên tuyến Kim Mã-Yên Nghĩa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top