Lời tòa soạn
Đấu thầu nói chung và trong xây dựng nói riêng mang lại nhiều lợi ích cho cả chủ đầu tư và nhà thầu bởi nó bảo đảm công khai minh bạch, cạnh tranh công bằng, từ đó giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro và nâng cao chất lượng, chuyên môn. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự mang lại hiệu quả nếu quá trình đấu thầu được tổ chức công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật và đạo đức.
Thực tế thời gian qua, hoạt động đấu thầu đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cả về phương diện kinh tế và xã hội, chất lượng và chuyên môn. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn không ít khiếm khuyết từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan làm cho công tác đấu thầu bị méo mó, thậm chí biến tướng để lại nhiều hậu quả và hệ lụy.
Chính vì vậy mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 về đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu, yêu cầu cơ quan quản lý về đấu thầu chú trọng thực hiện giám sát thường xuyên đối với hoạt động đấu thầu khi phát hiện có dấu hiệu không bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, để có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Ở một góc nhìn khác, sự phát triển song hành của các dự án hạ tầng giao thông và bất động sản (công nghiệp, thương mại, du lịch, nhà ở...) là rất quan trọng và cần thiết. Các dự án hạ tầng mang đến rất nhiều cơ hội cho địa phương và cả nhà đầu tư bất động sản. Do đó, các địa phương cũng đặc biệt chú trọng tới việc phát triển các dự án hạ tầng giao thông, ngay từ bước lựa chọn nhà thầu thi công.
Trên tinh thần nghiên cứu, khảo sát về công tác đấu thầu tại một số địa phương, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) thực hiện tuyến bài: "Đảm bảo minh bạch, khách quan trong chấm thầu: Góc nhìn tiêu biểu tại Ban quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu".
Trên cơ sở hồ sơ, những thông tin thu thập được tại một số dự án, trong đó có dự án do Ban quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư, bài viết đi sâu phân tích về công tác đấu thầu, đặc biệt là vai trò, chất lượng của đơn vị thẩm định hồ sơ dự thầu để cổ vũ, phát huy những nhân tố tích cực. Đồng thời, qua việc phản ánh những khiếm khuyết, nhất là những "chiêu trò" gian lận trong việc tham gia đấu thầu của một số đơn vị, liên danh, bài viết sẽ chỉ ra những nguyên nhân để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm nhằm khắc phục những tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu.
Trong những năm vừa qua, vai trò quản lý Nhà nước trong hoạt động đấu thầu, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu thầu đang được các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện sát sao và đạt được những hiệu quả tích cực, nhiều đơn vị tham gia đấu thầu với vai trò độc lập hoặc liên danh đều phải trải qua các khâu kiểm duyệt hết sức khắt khe.
Phát huy vai trò của tổ chuyên gia trong hoạt động chấm thầu
Ngày 17/4/2024, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi các cục, vụ, Ban quản lý dự án (BQLDA), tổng công ty, Sở GTVT về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, tuân thủ quy định.
Cụ thể, thời gian qua, Bộ GTVT đã tăng cường phân cấp, ủy quyền giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các cơ quan, đơn vị để tạo sự chủ động, tăng cường trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu thầu; ban hành các văn bản yêu cầu các chủ đầu tư hoặc BQLDA tổ chức thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, tuân thủ quy định.
Để tiếp tục triển khai công tác đấu thầu tuân thủ quy định, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị các chủ đầu tư hoặc BQLDA nghiên cứu, phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật về đấu thầu; quán triệt sâu sắc, toàn diện và có các giải pháp hiệu quả để phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu.
Theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo, điều hành của Bộ GTVT, nhiều đơn vị, chủ đầu tư trên địa bàn cả nước đã có những hoạt động hết sức thực tế, minh bạch trong công tác chấm thầu, lựa chọn nhà thầu uy tín, đảm bảo các gói thầu được triển khai một cách hiệu quả, minh bạch.
Điển hình trong số đó có thể kể đến BQLDA chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với công tác chấm thầu tại Gói thầu thầu Xây lắp đoạn từ Km4+740 đến cuối tuyến và cầu cạn qua Mũi Kỳ Vân thuộc Dự án Xây dựng mới cầu Cửa Lấp 2 và nâng cấp, mở rộng đoạn từ Ngã ba Lò Vôi đến cổng khu du lịch Thùy Dương huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ.
Dự án có tổng chiều dài tuyến là 9,59km, là 1 trong 5 dự án thành phần của tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (tổng chiều dài gần 77km), với mức đầu tư 1.260,552 tỷ đồng. Trong đó, Gói thầu Xây mới cầu Cửa Lấp 2 và sửa chữa tăng cường cầu Cửa Lấp cũ (350,985 tỷ đồng) và Gói thầu Xây lắp đoạn từ Km0+000 - Km4+740 (124,152 tỷ đồng) đã chọn xong nhà thầu từ cuối năm 2023.
Gói thầu được BQLDA chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, thời gian thực hiện hợp đồng 24 tháng. Số tiền bảo đảm dự thầu là 6,5 tỷ đồng.
BQLDA chuyên ngành giao thông Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành lập tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) gồm 3 chuyên gia, các chuyên gia đã làm việc hết sức khẩn trương, trách nhiệm. Trong quá trình đánh giá hồ sơ, các chuyên gia đã có sự kết hợp với các đơn vị quản lý, các cơ quan ban ngành khác nhau để xác minh một cách trung thực, hiệu quả, khách quan nhất.
Cụ thể, trong 7 nhà thầu tham dự gói thầu trên, đơn vị trúng thầu là Liên danh Xây lắp tuyến và cầu cạn qua Mũi Kỳ Vân (gồm Công ty cổ phần xây dựng công trình 510 (Đứng đầu liên danh) - Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải xây dựng giao thông T&T - Công ty cổ phần công trình giao thông Sài Gòn) được lựa chọn trúng thầu. Giá trúng thầu 305.396.943.363 đồng (hơn 305 tỷ đồng), giá dự toán 330.820.230.806 đồng (hơn 330 tỷ đồng). Liên danh này được đánh giá là đạt cả về kết quả đánh giá tính hợp lệ của E - HSDT, năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật cũng như giá dự thầu sau hiệu chỉnh sai lệch thừa.
Đáng chú ý, gói thầu trên có 7 nhà thầu tham dự, trong đó E - HSDT của 5 nhà thầu bị loại vì kê khai bằng cấp, kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự không có thật của nhân sự.
Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, việc gói thầu có 7 liên danh tham dự nhưng có tới 5 liên danh bị loại khỏi các gói thầu do thiếu sót nhiều điều kiện về bằng cấp, hợp đồng tương tự không có thật cho thấy thực trạng các đơn vị tham gia đấu thầu dự án vẫn còn chưa trung thực, minh bạch khi tham gia các gói thầu.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia, việc lựa chọn những tổ chuyên gia chấm thầu các dự án là những người có kinh nghiệm tốt, năng lực tốt, đạo đức tốt đang là hướng đi đúng đắn cho sự phát triển chung, thể hiện một cách nghiêm túc theo Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ cũng như sự chỉ đạo, điều hành của Bộ GTVT.
Loạt doanh nghiệp lớn trượt thầu do đâu?
Báo cáo đánh giá E- HSDT của Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu cho thấy, thời điểm ngày 29/7/2024 Ban QLDA chuyên ngành giao thông có văn bản số 1066/CV-DAGT gửi Trường Đại học Giao thông Vận tải đề nghị xác minh văn bằng tốt nghiệp đại học và nhận được văn bản phúc đáp ngày 05/8/2024 của Trường Đại học Giao thông Vận Tải.
Theo đó, Trường Đại học Giao thông Vận tải xác nhận không cấp bằng tốt nghiệp đại học cho ông Lương Viết Thắng, Đặng Đình Kiên. Ông Lương Viết Thắng và Đặng Đình Kiên được nhà thầu (là liên danh Công ty TNHH Thanh Tiến - và một doanh nghiệp lớn khác, liên danh xây lắp đường và cầu qua Mũi Kỳ Vân – Vũng Tàu) bố trí đảm nhiệm vị trí lần lượt là Chỉ huy trưởng công trường và Cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công đường giao thông. Vì lý do trên nên liên danh này bị chấm không đạt và trượt thầu.
Tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận trong đấu thầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài việc bị xử lý như trên, các tổ chức, cá nhân gian lận sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu.
Theo khoản 1 Điều 122 Nghị định 63/2014 quy định, tùy theo mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức cá nhân. Trong đó, gian lận sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm.
Ngoài ra, Điều 124 Nghị định này cũng nêu, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan.
Đối với Liên danh Công ty TNHH Đồng Thuận Hà - Công ty CP Đầu Tư Xây Dựng Thương Mại Tân Hoàng Long - Công ty TNHH Hải Đăng Khoa (Liên danh các nhà thầu G20), ngày 29/7/2024 Ban QLDA chuyên ngành giao thông có văn bản số 1066/CV-DAGT gửi Trường Đại học Giao thông Vận tải đề nghị xác minh văn bằng tốt nghiệp đại học và nhận được văn bản phúc đáp ngày 05/8/2024 của Trường Đại học Giao thông Vận Tải. Theo đó, Trường Đại học Giao thông Vận Tải xác nhận không cấp bằng tốt nghiệp đại học cho ông Đào Ngọc Anh (ông Đào Ngọc Anh được nhà thầu bố trí làm Cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công hạng mục thoát nước). Vì lý do trên, liên danh này cũng bị chấm không đạt và trượt thầu.
Tại Liên danh Công ty Cổ phần Hải Đăng - Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 525, ngày 29/7/2024 Ban QLDA chuyên ngành giao thông có văn bản số 1066/CV-DAGT gửi Trường Đại học Giao thông Vận Tải đề nghị xác minh văn bằng tốt nghiệp đại học và nhận được văn bản phúc đáp ngày 05/8/2024 của Trường Đại học Giao thông vận tải.
Theo đó, Trường Đại học Giao thông vận tải xác nhận không cấp bằng tốt nghiệp đại học cho ông Nguyễn Văn Lương (ông Nguyễn Văn Lương được nhà thầu bố trí làm Cán bộ phụ trách an toàn lao động, vệ sinh lao động).
Đối với Liên danh Công ty TNHH Xây Dựng Phú Vinh - Công ty Cổ phần Xây dựng công trình giao thông Thái Sơn (Liên danh Thái Sơn – Phú Vinh), nhân sự chủ chốt thực hiện gói thầu không đáp ứng yêu cầu của E-HSMT.
Cụ thể, nhà thầu kê khai bố trí ông Nguyễn Văn Đạt làm Chỉ huy trưởng công trường, ông Nguyễn Hữu Thắng làm Cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công hạng mục thoát nước, ông Nguyễn Thế Lực làm Cán bộ phụ trách an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Theo E-HSDT, nhà thầu có đính kèm tài liệu chứng minh các nhân sự nêu trên đã tham gia thi công hoàn thành gói thầu XL2.TP4 Thi công cống hộp và đường trên cống hộp (Lý trình Km5+183,8 – Km6+003,8) thuộc Dự án thành phần số 4: Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm.
Tuy nhiên, ngày 31/7/2024, Ban QLDA chuyên ngành giao thông có văn bản số 1131/CV-DAGT gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đề nghị xác minh nhân sự tham gia thi công hoàn thành gói thầu nêu trên và nhận được văn bản phúc đáp số 1942/DDCN ngày 16/8/2024. Theo đó, không có tên các nhân sự nêu trên trong danh sách các nhân sự chủ chốt thực hiện gói thầu XL2.TP4 Thi công cống hộp và đường trên cống hộp (Lý trình Km5+183,8 - Km6+003,8) thuộc Dự án thành phần số 4: Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa – Lò Gốm.
Vị trí công việc Cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công hạng mục điện chiếu sáng, nhà thầu kê khai bố trí ông Tạ Ngọc Phát (nhân sự huy động) làm Cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công hạng mục điện chiếu sáng. Theo E-HSDT, nhà thầu có đính kèm tài liệu chứng minh ông Tạ Ngọc Phát đã tham gia thi công hoàn thành gói thầu: Xây lắp công trình thuộc dự án Đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến QL.57, QL.57B, QL.57C, QL.60, ĐT.885, ĐH.24, ĐH.92 và tuyến sông Cửa Đại năm 2021 theo Hợp đồng số 168/2021/HĐ-BATGT ngày 09/9/2021 giữa Ban An toàn giao thông tỉnh Bến Tre và Công ty CP đầu tư và xây dựng Trung Nam Phát.
Tuy nhiên, ngày 31/7/2024 Ban QLDA chuyên ngành giao thông có văn bản số 1132/CV-DAGT gửi Ban An toàn giao thông tỉnh Bến Tre đề nghị xác minh nhân sự tham gia thi công hoàn thành gói thầu nêu trên và nhận được văn bản phúc đáp số 114/BATGT ngày 08/8/2024 của Ban An toàn giao thông tỉnh Bến Tre. Theo đó, không có tên ông Tạ Ngọc Phát tham gia thi công gói thầu nêu trên.
Còn với Liên danh Công ty TNHH Xây Lắp Điện Quang Huy - Công ty Cổ phần Vật Tư Thiết Bị và Xây Dựng Công Trình 624 (Liên danh QH-624), còn một số nhân sự chủ chốt thực hiện gói thầu không đáp ứng yêu cầu của E-HSMT.
Cụ thể, vị trí công việc cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công Cầu, nhà thầu bố trí ông Liên Viễn Tòng làm Cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công Cầu. Theo E-HSDT, nhà thầu kê khai ông Liên Viễn Tòng đã tham gia phụ trách kỹ thuật thi công cầu gói thầu Xây dựng cầu chính và đường vào cầu thuộc dự án Cầu Bình Xuân trên Đường tỉnh 873.
Ngày 31/7/2024, Ban QLDA chuyên ngành giao thông có văn bản số 1112/CV-DAGT gửi Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang đề nghị xác minh hợp đồng và nhân sự thực hiện các dự án do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư. Kết quả xác minh tại văn bản số 451/BQLDAGT ngày 07/8/2024 của Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang thì ông Liên Viễn Tòng phụ trách kỹ thuật thi công phần đường gói thầu Xây dựng cầu chính và đường vào cầu thuộc dự án Cầu Bình Xuân trên Đường tỉnh 873.
Vị trí công việc Cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công đường giao thông, Nhà thầu bố trí ông Nguyễn Đức Thiện làm Cán bộ phụ trách kỹ thuật thi công đường giao thông. Tuy nhiên, ngày 31/7/2024 Ban QLDA chuyên ngành giao thông có văn bản số 1067/CV-DAGT gửi Trường Đại học Giao thông vận tải TP. HCM đề nghị xác minh văn bằng tốt nghiệp đại học và nhận được văn bản phúc đáp số 155/UTH-ĐT ngày 09/8/2024 của Trường Đại học Giao thông vận tải TP. HCM. Theo đó, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM tải xác nhận không cấp bằng tốt nghiệp đại học cho ông Nguyễn Đức Thiện.
Được biết, bên mời thầu đã báo cáo chủ đầu tư liên quan đến các nội dung trong hồ sơ dự thầu của các nhà thầu tham dự Gói thầu.