Ngày 12/11/2020, Tòa án nhân dân quận 7 (TAND quận 7), TP.HCM đã ra quyết định số 10/2020/QĐ-BPKCTT về việc “hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời” tại dự án khu dân cư Hòa Lân (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Đây là tài sản tranh chấp trong vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú và bị đơn Công ty Kim Oanh TP.HCM (bên trúng đấu giá) với nội dung yêu cầu "hủy kết quả bán đấu giá và hợp đồng tín dụng".
Theo đó, căn cứ vào Khoản 2, Điều 112 và điểm e Khoản 1, Điều 138 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử xét thấy căn cứ của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không còn.
Do đó, TAND quận 7 quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” quy định tại Điều 121 của Bộ Luật Tố tụng dân sư mà chính TAND quận 7 đã ban hành trước đó vào ngày 15/3/2019.
TAND quận 7 cũng cho phép Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú được nhận lại số tiền đảm bảo là 1 tỷ đồng, theo quyết định buộc thực hiện biện pháp đảm bảo số 33/2019/QĐ-BPBĐ ngày 14/3/2019 của TAND Quận 7. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Trước đó, TAND quận 7 đã mở phiên xét xử sơ thẩm và quyết định không chấp nhận hầu hết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty Thiên Phú liên quan vụ tranh chấp khu dân cư Hòa Lân.
Cụ thể, tại phiên xét xử này, các yêu cầu "hủy kết quả bán đấu giá" và "hủy hợp đồng tín dụng" của Công ty Thiên Phú đã không được HĐXX chấp thuận.
HĐXX chỉ chấp nhận một phần khởi kiện của Công ty Thiên Phú về việc tính lãi suất và dư nợ còn lại liên quan khoản vay của công ty này tại Ngân hàng Agribank. Sau khi tính toán, HĐXX buộc Công ty Thiên Phú phải trả thêm cho ngân hàng hơn 600 tỷ đồng, chứ không phải hơn 1.700 tỷ đồng như ngân hàng tính toán.
Như vậy, phán quyết của TAND quận 7 đã trùng với đề nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp. Trước đó, Viện KSND Quận 7 đã đề nghị HĐXX bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và cho rằng do các yêu cầu của nguyên đơn không có cơ sở để chấp nhận, vì vậy không cần thiết duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm chuyển dịch đối với dự án.
Được biết, dự án khu dân cư Hòa Lân rộng hơn 49ha, do Công ty Thiên Phú làm chủ đầu tư. Thế nhưng, dự án này đã bị bán phát mãi để trả khoản vay của Công ty Thiên Phú cho Ngân hàng Agribank. Sau đó, Công ty Kim Oanh TP.HCM đã trúng đấu giá và thanh toán số tiền hơn 1.400 tỷ đồng, bao gồm tiền trúng đấu giá và tiền lãi.
Tuy nhiên, Công ty Thiên Phú lại bất ngờ làm đơn khởi kiện yêu cầu "hủy kết quả bán đấu giá và hợp đồng tín dụng". Đặc biệt, kể từ khi TAND quận 7 thụ lý vụ việc, dự án này vẫn chưa thể chuyển giao khiến doanh nghiệp bị chôn vốn kéo dài.
Trước đó, như Reatimes đã thông tin trong bài Ai giả mạo chữ ký trong vụ kiện chấn động Bình Dương?, tại hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh của Công ty Thiên Phú do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bình Dương cung cấp cho Cơ quan Điều tra (CQĐT), toàn bộ chữ ký, chữ viết tên “Bùi Thế Sơn” (Giám đốc Công ty Thiên Phú) đều là giả mạo.
Đây là thông tin được đưa ra trong kết luận giám định mới đây của Phân viện Khoa học hình sự tại TP HCM. Cụ thể, ngày 24/9/2020, Bộ Công an có Văn bản 3469/CSKT-P10 gửi TAND quận 7, cho biết có văn bản giả mạo chữ ký ông Sơn.
Sau khi nhận được đề nghị phối hợp xác minh, thu thập chứng cứ liên quan việc chuyển nhượng vốn góp của Công ty Thiên Phú, Bộ Công an phối hợp trích xuất bị can Sơn ghi lời khai, giám định chữ ký, chữ viết của ông Sơn trong hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh của Thiên Phú.
“Kết luận giám định số 2921/C09B, ngày 18/8/2020 của Phân viện Khoa học hình sự tại TP HCM thể hiện: Tại hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh của Công ty Thiên Phú do Sở KH&ĐT Bình Dương cung cấp cho CQĐT, toàn bộ chữ ký, chữ viết tên “Bùi Thế Sơn” đều không phải do bị can Bùi Thế Sơn ký và viết”, văn bản nêu.
Theo diễn biến vụ án, nhiều năm trước, Thiên Phú nợ Agribank hàng ngàn tỷ nên bàn giao tài sản dự án Hòa Lân để bán đấu giá trả nợ. Năm 2017, Công ty Kim Oanh trúng đấu giá số tiền 1.353 tỷ.
Tiếp đó, Thiên Phú khiếu nại đòi hủy kết quả cuộc đấu giá. Thanh tra Bộ Tư pháp vào cuộc, ra kết luận thanh tra, có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo toàn bộ quá trình phát mãi, bán đấu giá tài sản. Tháng 2/2019, Thiên Phú khởi kiện ra TAND quận 7 đòi hủy kết quả đấu giá, đòi nhận lại dự án. Tòa quận 7 sau đó đã ra lệnh “phong tỏa” dự án Hòa Lân.
Tháng 3/2020, TAND quận 7 đưa vụ án ra xét xử. Trong quá trình đó, ông Bùi Thế Sơn bị bắt vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong vụ án khác. Cùng khoảng thời gian này, xuất hiện hai cá nhân khác mua lại phần vốn góp 90 tỷ đồng tương đương 100% cổ phần Công ty Thiên Phú, nộp hồ sơ đến Sở KH&ĐT Bình Dương, để thay đổi thành viên góp vốn và người đại diện theo pháp luật của Thiên Phú, nhưng không được chấp nhận.
Đến nay vẫn chưa xác định người chủ mưu giả mạo chữ ký ông Bùi Thế Sơn trong vụ án này là ai.