Aa

Bắc Giang: Dự án Làng nghề Mai Hương "tiền trảm, hậu tấu" thành khu đô thị

Thứ Hai, 28/09/2020 - 13:52

Dù được cấp phép để trở thành khu sản xuất gỗ và công nghiệp nhẹ, nhưng làng nghề Mai Hương đã bị Công ty CP Xây dựng Đô thị số 1 Hà Nội "biến hóa" thành khu đô thị kéo theo hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Dự án làng nghề "biến hóa" thành khu đô thị?

Được biết, dự án xây dựng làng nghề Mai Hương vốn được Sở KHĐT tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2014 với mục tiêu giải quyết nhu cầu đất sản xuất đồ gỗ và các ngành công nghiệp nhẹ như: Dệt may, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, cơ khí chế tạo, tiểu thủ công nghiệp; đưa nghề đồ gỗ mỹ nghệ đạt chất lượng cao; hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị sản xuất theo hướng hiện đại, thúc đẩy kinh tế trên địa bàn...

Chủ đầu tư của dự án này là Công ty CP Xây dựng Đô thị số 1 Hà Nội, với quy mô dự án là 27ha, trong đó giai đoạn 1 là 9,9ha; tổng số vốn đầu tư gần 277,5 tỉ đồng, thời hạn thực hiện dự án là 50 năm. Theo tiến độ giao của Sở KHĐT tỉnh Bắc Giang thì đến năm 2020 dự án phải hoàn thiện, đi vào hoạt động. Tuy vậy, đến nay dự án chưa đạt 50% giá trị thi công, tức chậm tiến độ đến vài năm.

Tuy nhiên, thay vì một "làng nghề" thì bên trong dự án lại xuất hiện nhiều công trình nhà ở, cây xăng, điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, cà phê đã được tự ý xây dựng. Thời điểm năm 2018, tại một số trang web đã quảng cáo dự án làng nghề Mai Hương là một Khu đô thị mới làng nghề gỗ Mai Hương, với giá 350 triệu đồng/lô.

Làng nghề Mai Hương được quảng cáo như một Dự án Khu đô thị mới?

Nhân viên kinh doanh một sàn giao dịch còn thừa nhận đây là dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng làng nghề nhưng thực chất chủ đầu tư đang xây dựng khu đô thị hiện đại, văn minh, đầy đủ hệ thống đường, điện; cấp, thoát nước, khuôn viên cây xanh, nhà văn hóa... đáp ứng nhu cầu sinh sống của người dân. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, khách hàng có thể xây nhà ở, nhà trọ, khách sạn, nhà hàng, điểm kinh doanh dịch vụ và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thời hạn 50 năm, hết hạn sẽ tiếp tục được thuê lại với chi phí thấp.

Những sai phạm trong thực hiện dự án trên chỉ được phát lộ khi Bộ TNMT nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội. Ngày 10/8/2018, Bộ TNMT đã về khảo sát tại địa điểm thực hiện dự án trên thì phát hiện chủ đầu tư đã “tiền trảm, hậu tấu” thi công nhiều hạng mục, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Sau gần 1 năm thực hiện thanh tra dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương (xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) của Công ty CP Xây dựng Đô thị số 1 Hà Nội, ngày 5/5 vừa qua, ông Lại Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang đã ký kết luận thanh tra số 1850/KL-UBND về việc thực hiện dự án này.

Điều chỉnh quy hoạch, mở đường cho sai phạm?

Theo tìm hiểu, ngày 31/10/2014, ông Phạm Giang - Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang ký quyết định số 160/QĐ-SXD phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng làng nghề Mai Hương tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích 27,6ha. Trong đó, chia ra làm 14 loại đất như khu xưởng sản xuất mộc, cơ khí, sơ chế gỗ, đất cây xanh và đất giao thông, vỉa hè... với mật độ xây dựng tối đa từ 30 - 70%; tầng cao từ 2 đến 3,5 và cao nhất là 5 tầng.

Tuy nhiên, 2 năm sau, ngày 10/8/2016, ông Giang ký tiếp văn bản số 253/QĐ-SXD điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tại dự án này trên cơ sở căn cứ của UBND huyện Hiệp Hòa và của Chủ đầu tư dự án. Điều đáng nói, sau điều chỉnh thì diện tích đất công cộng, đất giao thông, vỉa hè đã giảm đi rất nhiều để tăng diện tích đất thương mại, dịch vụ.

Cụ thể, khu xưởng sản xuất mộc từ 46.613m2 tăng lên 54.540m2; khu trưng bày, kinh doanh từ 36.253m2 tăng lên 64.040m2; khu sản xuất cơ khí từ 11.776m2 tăng lên 12.820m2. Một số loại đất khác giảm đi như đất giao thông, vỉa hè từ 93.425m2 giảm xuống còn 88.771m2; khu bãi đỗ xe từ 4.710m2 giảm xuống còn 2.189m2; khu sơ chế gỗ từ 12.603m2 giảm xuống còn 5.886m2 và một số loại đất khác.

Trước việc điều chỉnh quy hoạch như trên, một số người dân cho rằng việc giảm các diện tích đất công cộng, giao thông sau điều chỉnh là "mánh khóe" để Chủ đầu tư tạo ra thêm được nhiều lô đất để bán.

Dự án làng nghề được phân lô, xây dựng như khu đô thị. (Hình ảnh ghi nhận từ tháng 7/2019)

Theo đó, ngay từ khi lập dự án, chủ đầu tư đã không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường mặc dù đây là dự án phải lập theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Tiến độ sử dụng đất của dự án chậm so với tiến độ của dự án đầu tư đã được chấp thuận giai đoạn 1; tính đến tháng 2/2020, dự án đã chậm đến 30 tháng.

Dự án cũng được xác định vi phạm Luật xây dựng, thi công khi chưa có giấy phép xây dựng. Quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư còn đổ đất, san nền vượt phần diện tích được UBND tỉnh Bắc Giang cho thuê đất, vi phạm quy định về đất đai; chưa nộp thuế, tiền thuê đất và nghĩa vụ tài chính liên quan.

Bên cạnh đó, khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cũng như chưa được các cơ quan chức năng cấp phép, thì chủ đầu tư dự án đã vội vàng phân lô, bán nền, “phù phép”, “hô biến” dự án xây dựng làng nghề thành một khu đô thị.

Theo nhiều thông tin, tài liệu thể hiện, thời điểm năm 2019, công ty Cổ phần Dịch vụ và Đầu tư BĐS Bầu Trời (Sàn bất động sản SKYLAND - PV) được cho là đơn vị hợp tác đầu tư và phân phối độc quyền dự án, lúc này các nhân viên tư vấn luôn “nổ” rằng, có hàng trăm lô đất người mua thoải mái lựa chọn. Không những thế, nếu mua đất ở đây thì 3 tháng sau sẽ được cấp sổ đỏ với thời hạn 49 năm. Hết thời hạn thì Nhà nước không thể giải tỏa được vì tài sản trên đất rất nhiều và lúc đó người mua đất chỉ phải nộp cho Nhà nước tiền sử dụng đất khoảng 200 nghìn đồng một năm là tiếp tục được sinh sống.

UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định nhà đầu tư đã có hành vi đăng quảng cáo việc bán đất nền tại dự án sai quy định. Đã có 31 hộ nộp tiền nhận 50 lô đất với tổng diện tích 4.083,8 m2, tổng số tiền đã nộp cho nhà đầu tư là 8.491.389.900 đồng.

Ngoài trách nhiệm của nhà đầu tư, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ: Kiểm điểm trách nhiệm giám đốc các Sở KHĐT, TNMT, Xây dựng, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, Chủ tịch UBND xã Hương Lâm giai đoạn 2015 - 2018 chưa thường xuyên kiểm tra, xem xét để phát hiện, xử lý các sai phạm trên của nhà đầu tư.

Làng nghề Mai Hương từng được rao bán 350tr/lô

Sai phạm nghiêm trọng vẫn được hợp thức hóa?

Được biết, sau những sai phạm trên của Công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã cho phép giữ nguyên quy hoạch đối với 50 lô đất nhà đầu tư giao trái thẩm quyền cho người dân để làm kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, cho phép nhà đầu tư thực hiện giai đoạn 1 của dự án trên phần diện tích khoảng 9,8 ha, trong đó có diện tích hơn 4,9 ha đã được UBND tỉnh Bắc Giang cho thuê.

Tuy nhiên, nhà đầu tư phải lập lại quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, trình Sở Xây dựng và cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt điều chỉnh trước khi lập lại dự án đầu tư để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh giấy đăng ký chấp thuận đầu tư; hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế cơ sở, giấy phép xây dựng... theo quy định.

Trên thực tế, theo tìm hiểu của PV, đến nay, sau hơn 3 tháng ban hành kết luận thanh tra, Công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội vẫn chưa hoàn thiện xong bất kỳ thủ tục nào.

Đến nay, Công ty này đã trình hồ sơ quy hoạch tỷ lệ 1/500 về Sở Xây dựng, chúng tôi đang xin ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan để hoàn thiện, bổ sung trước khi phê duyệt theo quy định trong thời gian tới”, ông Vương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang nói.

Thanh tra tỉnh Bắc Giang cho biết, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái thì trong vòng 6 tháng kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra trên, Công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội phải hoàn thiện tất cả các thủ tục pháp lý liên quan. Đầu tháng 11 tới, nếu doanh nghiệp này không thực hiện được sẽ bị UBND tỉnh Bắc Giang thu hồi dự án theo quy định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top