Aa

Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương tại Hidden Hill Resort Vĩnh Phúc?

Thứ Sáu, 25/09/2020 - 08:42

Đoàn thanh tra liên ngành Vĩnh Phúc mới đây đã khẳng định, tại dự án Hidden Hill Resort Vĩnh Phúc tại thôn Bắc Ái đã xảy ra hàng loạt sai phạm dù đã đi vào hoạt động từ năm 2018.

Xây dựng và hoạt động không phép, hai năm sau mới bị phát hiện?

Tháng 7/2020 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Vĩnh Phúc do Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Văn hóa Thế thao và Du lịch cùng UBND TP Phúc Yên, xã Ngọc Thanh đã kiểm tra thực địa tại dự án ở thôn Bắc Ái.

Đoàn kiểm tra xác định, khu nghỉ dưỡng sinh thái tại đây có diện tích hơn 2ha. Bao gồm đất ở, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm và đất ruộng được Sở TNMT cấp cho ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Dailai Ecohome.

Tại văn bản số 4278 ngày 10/7/2020 của Sở Xây dựng thể hiện, sau khi nghe báo cáo và kiểm tra thực địa, liên ngành đã đưa ra nhiều kết luận, chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án này.

Cụ thể, khu nghỉ dưỡng nêu trên được đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình và đưa vào hoạt động từ năm 2018 nhưng chưa được cấp giấy phép xây dựng.

"Tại khu nghỉ dưỡng sinh thái Hidden Hill Resort đã được công ty và các cá nhân liên quan tổ chức đầu tư xây dựng các hạng mục công trình khi chưa có giấy phép xây dựng, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cần được kiểm tra xử lý vi phạm", đoàn kiểm tra xác định.

Đại diện Sở VHTTDL cho biết, việc kinh doanh du lịch là thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép.

Sở TNMT khẳng định: "Vị trí khu đất theo đề xuất của công ty không phù hợp với tính chất kinh doanh dịch vụ. Có khoảng 300m2 đất không được phép xây dựng nhưng doanh nghiệp đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất".

Sau khi đối chiếu với các quy hoạch phát triển dịch vụ, du lịch, và đô thị phía bắc hồ Đại Lải đã được phê duyệt và kiểm tra thực địa xác định:

"Tại khu nghỉ dưỡng sinh thái Hidden Hill Resort đã được công ty và các cá nhân liên quan tổ chức đầu tư xây dựng các hạng mục công trình khi chưa có giấy phép xây dựng, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cần được kiểm tra xử lý vi phạm".

Kiểm tra thực tế xác định, chủ đầu tư đã cho thi công xây dựng 6 căn villa với diện tích từ 30-128m2; 6 căn bungalow (trong đó có 4 căn đã đầu tư xây dựng, 2 căn đã xây móng, lát sàn, chưa xây tường) diện tích từ 16 - 21m2. Mười căn riverside các công trình phụ trợ vườn nướng BBQ, nhà ăn cộng đồng, bể bơi… Ngoài ra, tại hiện trường kiểm tra đơn vị đã đầu tư xây các hạng mục như nhà đa năng (100m2), nhà sinh hoạt chung (96m2), các hạng mục này đang dừng ở việc xây móng, chưa xây tường.

Liên quan đến khu du lịch sinh thái Hidden Hill đi vào hoạt động khi chưa có giấy phép xây dựng, mới đây tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có văn bản chỉ đạo UBND TP Phúc Yên vào cuộc xác minh.

Tại văn bản số 7168 ngày 18/9, trên cơ sở đề nghị của Sở TNMT, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao UBND TP Phúc Yên kiểm tra hồ sơ về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân liên quan đối chiếu với quy định Luật Đất đai để xử lý vi phạm (nếu có).

Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND TP lập hồ sơ xử lý các vi phạm về xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định. Trường hợp vi phạm phải chuyển cơ quan cảnh sát điều tra, lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra để xử lý.

Đồng thời, giao Chánh thanh tra, Công an tỉnh chủ động nắm tình hình vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn xã Ngọc Thanh. Cơ quan thanh tra tổ chức làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và báo cáo UBND tỉnh trong tháng 11/2020.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo TP Phúc Yên vào cuộc kiểm tra vi phạm tại khu nghỉ dưỡng Hidden Hill Resort do Công ty TNHH Dailai Ecohome đề xuất thực hiện dự án.

Hidden Hill được đầu tư khá nhiều tiện ích vui chơi và cảnh quan "sang chảnh" phục vụ du khách

Trước đó ngày 23/7, Văn phòng UBND tỉnh truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì "yêu cầu Chủ tịch UBND TP Phúc Yên tổ chức kiểm tra, xử lý theo các vi phạm về trật tự xây dựng tại vị trí đề xuất thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng. Đồng thời rà soát toàn bộ các trường hợp tương tự tại khu vực. Báo cáo kết quả với UBND tỉnh trong tháng 8/2020".

Điều đáng chú ý là, một khu du lịch sinh thái có diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông lại có thể “thoải mái” xây dựng và đi vào kinh doanh trong suốt 2 năm qua mà không bị các cơ quan chức năng xử lý, yêu cầu ngừng xây dựng, ngừng hoạt động cho đến khi thực hiện các nghĩa vụ xử phạt cũng như hoàn thiện hồ sơ giấy tờ? Có thể thấy, sai phạm này đặt ra vấn đề về sự yếu kém trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Kinh doanh khu du lịch trái phép, trốn thuế suốt hai năm?

Ngày 22/9, phóng viên Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Phương Loan, Phó Chánh văn phòng Sở TNMT liên quan đến sai phạm tại khu du lịch sinh thái Hidden Hill.

Bà Loan cho hay, Sở TNMT tỉnh Vĩnh Phúc chỉ quản lý quỹ đất, giao đất cho chủ đầu tư và việc giao đất cũng đã từ lâu. Việc chủ đầu tư có xây dựng hay không hay có giấy phép xây dựng hay không thì Sở TNMT không nắm được, hiện tại Dự án này không có vấn đề gì, tuy nhiên để có thể kết luận chính xác nhất thì phải chờ kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành.

Theo quy định của Luật Du lịch, để được công nhận là một khu du lịch thì khu vực thuộc Hidden Hill phải thỏa mãn các điều kiện sau:

Điều 26. Điều kiện công nhận khu du lịch

1. Điều kiện công nhận khu du lịch cấp tỉnh bao gồm:

a) Có tài nguyên du lịch với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên hoặc giá trị văn hóa, có ranh giới xác định;

b) Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch;

c) Có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia;

d) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận khu du lịch cấp tỉnh

1. Hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch cấp tỉnh bao gồm:

a) Đơn đề nghị công nhận khu du lịch cấp tỉnh theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;

b) Bản thuyết minh về điều kiện công nhận khu du lịch cấp tỉnh quy định tại khoản 1 Điều 26 của Luật này.

2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận khu du lịch cấp tỉnh được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc tổ chức quản lý khu du lịch nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi có khu du lịch;

b) Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận khu du lịch cấp tỉnh; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Đối với khu du lịch nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hội đồng thẩm định, quyết định công nhận khu du lịch cấp tỉnh.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi quyết định công nhận khu du lịch cấp tỉnh trong trường hợp khu du lịch không còn bảo đảm điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 26 của Luật này.

Theo thông tin tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, thì Công ty TNHH Du lịch sinh thái Dailai Ecohome được thành lập từ ngày 16/4/2020, đại diện pháp luật là ông Phạm Văn Tuần. Như vậy, doanh nghiệp này mới xuất hiện được 5 tháng, thế nhưng việc hoạt động kinh doanh KDL Hidden Hill đã tiến hành được 2 năm.

Số tiền thu được từ kinh doanh du lịch tại Hidden Hill có được CĐT đóng thuế?

Bên cạnh đó, Sở TNMT mới chỉ công nhận khu vực thuộc Hidden Hill bao gồm đất ở, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm và đất ruộng. Như vậy khu vực này chưa được công nhận là một khu du lịch theo đúng quy định pháp luật. Cũng có thể hiểu rằng trong suốt thời gian qua chủ đầu tư là Công ty TNHH Du lịch sinh thái Dailai Ecohome đã hoạt động, kinh doanh dịch vụ du lịch trái phép và thu về một khoản tiền lớn mà không phải chịu thuế?

Cưỡng chế khắc phục vi phạm hay mở đường “hợp thức hóa”?

Tương tự như sai phạm tại Hidden Hill Vĩnh Phúc, Khu du lịch Vườn Thượng Uyển Bay tại Đà Lạt đã hoạt động kinh doanh khi không có giấy phép xây dựng, không chứng minh được việc đưa dự án vào kinh doanh du lịch là hợp pháp, đồng thời có 4 khối công trình xây dựng không phép, với tổng diện tích vi phạm 3.547 m2.

Sau khi ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chủ đầu tư chỉ chấp hành nộp phạt chứ không chịu tháo dỡ công trình vi phạm, ngày 20/2/2020, UBND TP Đà Lạt ra quyết định cưỡng chế, tháo dỡ, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả với các hạng mục xây dựng không phép ở KDL này.

Chủ đầu tư sau có đơn xin tự tháo dỡ công trình vi phạm, đến ngày 6/4 tuyên bố “đã hoàn thành”. Tuy nhiên, ngày 7/4, khi chính quyền địa phương phúc tra, phát hiện chủ đầu tư chỉ “tự tháo dỡ” theo kiểu đối phó, không triệt để... Vĩ lẽ đó, ngày 6/5, cơ quan chức năng TP Đà Lạt đã tổ chức thực hiện cưỡng chế và đến tối cùng ngày đã hoàn thành việc cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm trật tự xây dựng ở Vườn Thượng Uyển Bay.

Sai phạm tương tự như Hidden Hill, KDL Vườn Thượng Uyển Bay đã bị TP Đà Lạt cưỡng chế tháo dỡ

Theo quy định tại Nghị định 139 năm 2017 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở thì chủ đầu tư các công trình sai phạm tại khu đất Hidden Hill ngoài nộp phạt vi phạm hành chính có thể bị buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Luật pháp cho phép chủ đầu tư hoàn thiện các hồ sơ, giấy tờ còn thiếu, đồng thời tự giác tháo dỡ công trình vi phạm đã là hành động nhân nhượng với hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm không chỉ trả lại cảnh quan thiên nhiên địa phương mà còn là tấm gương để các doanh nghiệp khác noi theo, từ đó tuân thủ đúng các quy định pháp luật trong đầu tư, khai thác du lịch địa phương trong tương lai.

Để xảy ra sai phạm, lãnh đạo địa phương không thể vô can

Như đã đề cập, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã nhiều lần yêu cầu UBND TP Phúc Yên xử lý sai phạm tại KDL Hidden Hill, thế nhưng việc KDL này vẫn tồn tại và hoạt động suốt thời gian qua đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo TP Phúc Yên. Phải chăng đang có tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", hay tệ hơn nữa là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương? 

Tháng 5/2019, UBND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã kiểm điểm cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến vi phạm xây dựng tại Dự án liên kết mở rộng Công viên suối khoáng nóng núi Thần Tài (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) do Công ty Cổ phần DHC Suối Đôi làm chủ đầu tư. Dự án có công suất thiết kế khoảng 1.500 lượt khách/ngày, tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng.

Dự án mở rộng KDL khoáng nóng núi Thần Tài (Đà Nẵng) khiến nhiều cán bộ, công chức bị kỷ luật do xây dựng không phép

Theo đó, Hội đồng xử lý kỷ luật huyện Hòa Vang thống nhất hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Ngô Văn Bảy, Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị. Ba cá nhân chịu hình thức kỷ luật khiển trách là ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang; Trần Văn Sơn, Công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng - Môi trường xã Hòa Phú và ông Nguyễn Phú Cường, được phân công phụ trách lĩnh vực xây dựng xã Hòa Phú.

UBND huyện Hòa Vang cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng 90 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần DHC Suối Đôi vì đã tự ý san lấp sông Luông Đông, gây thu hẹp dưới 20% mặt cắt ngang sông.

Ngoài xử phạt hành chính, UBND huyện Hòa Vang yêu cầu Công ty Cổ phần DHC Suối Đôi dừng ngay việc san lấp sông Luông Đông, khôi phục lại tình trạng ban đầu trong thời hạn 10 ngày kể từ khi quyết định được công bố.

Có thể thấy, việc để xảy ra những sai phạm trên địa bàn thì trách nhiệm đầu tiên phải kể đến lãnh đạo cơ quan quản lý địa phương. Việc các cán bộ, viên chức, thậm chí là lãnh đạo cơ quan chức năng địa phương bị kỷ luật chỉ vì chậm trễ xử lý các sai phạm đất đai không phải là ít. Câu hỏi đặt ra là với sai phạm tại Hidden Hill Resort, liệu UBND TP Phúc Yên có đưa ra được các chỉ đạo mạnh mẽ, hành động quyết liệt để xử lý triệt để các vi phạm trên địa bàn trong thời gian tới hay không?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top