Aa

Bài 1: Đã có một lời hứa từ phía doanh nghiệp

Thứ Hai, 13/08/2018 - 06:01

Thành phố thông minh khởi công tháng 9 tới đây là định hướng đúng đắn của Hà Nội và không còn nhiều lo ngại về bức tranh quy hoạch, chi phí thực hiện hay thu hút đầu tư. Tuy nhiên, dự án lại chưa rõ ràng trong vai trò cầm trịch của chính quyền, cụ thể hóa các lộ trình thực hiện hay khâu công bố thông tin chi tiết quy hoạch,…

"Dự án là sự cống hiến"

Ngay khi được UBND TP. Hà Nội trao quyết định đầu tư Dự án thành phố thông minh, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đã có chia sẻ tâm huyết về dự án. Qua đó, bằng uy tín cá nhân cũng như đại diện cho BRG (đơn vị chính trong việc lập ý tưởng quy hoạch dự án), vị lãnh đạo doanh nghiệp này đã gửi gắm một số thông điệp như “một lời hứa” rằng: Dự án là sự cống hiến, không phải đất để các đại gia làm nhà.

Dự án thành phố thông minh được kỳ vọng hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á tại phía Bắc Hà Nội, thuộc đồ án quy hoạch hai bên trục Nhật Tân – Nội Bài sẽ chính thức khởi công vào tháng 9/2018, sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch trước đó.

Liên quan tới đề xuất hợp tác với nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện dự án 4 tỷ USD trục Nhật Tân – Nội Bài, trao đổi với báo chí hồi giữa tháng 6, bà Nguyễn Thị Nga cho biết, lý do BRG lựa chọn dự án là vì niềm đam mê với quy hoạch, xin làm quy hoạch để cống hiến.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG.

Vì là cửa ngõ quốc tế nên trục hướng về trung tâm phải là Nội Bài - Nhật Tân với tên đường là Võ Nguyên Giáp. Bà Nga đã lựa chọn, bỏ 3 - 4 triệu USD để làm quy hoạch này. Vì tầm cỡ quan trọng của nó nên phải tổ chức thi tuyển kiến trúc, thi tuyển quy hoạch. Hiện đã chọn 3 nhà tư vấn có tên tuổi trên thế giới.

Thiết kế Đỗ Linh

Sẽ có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư tham gia thành phố thông minh khi dự án được công khai minh bạch. Thiết kế: Đỗ Linh

Trục này gần như được quy hoạch mới hoàn toàn và sẽ là trục chính với điểm nhấn Trung tâm thương mại - dịch vụ, có những trục đi bộ, có công trình toà nhà chọc trời 108 tầng, tòa tháp tài chính lớn nhất cao hơn cả công trình 101 của Đài Loan – và đó sẽ trở thành biểu tượng thịnh vượng của TP. Hà Nội.

Trục không gian cũng phải có điểm kết. Đường có chiều ngang 100m, dọc tuyến 11 - 12km nhưng 2 bên chỉ có cây xanh và đường đi bộ, kênh.

BRG cho biết sẽ phấn đấu xây dựng đẹp hơn Singapore. Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội không cấp phép dự án nào không đáp ứng tiêu chí dọc tuyến đường này. Tiêu chuẩn chọn nhà đầu tư là phải làm theo quy hoạch được duyệt bên cạnh năng lực tài chính, trình độ và công nghệ.

Tổng thể chung dự án là làm sao 2 bên xây dựng một quy hoạch thống nhất, không cấp phép làm nhà xé nát quy hoạch mà phải làm đúng tiêu chí chọn nhà đầu tư. Có rào cản ở đây là Việt Nam hiện đang quyết tâm xây dựng thành thành phố hiện đại như Singapore.

Đặc biệt, thành phố được quản lý bằng quy trình của Nhật Bản. Nhà đầu tư sẽ đưa công nghệ cao vào, hiện đại hoá các quy trình, mọi thứ được tự động hoá, dùng năng lượng mặt trời, có nhà máy nước riêng. Đây sẽ là đô thị thông minh đầu tiên về hạ tầng.

Thành phố thông minh tương lai của Hà Nội

Thành phố thông minh tương lai của Hà Nội.

Dự kiến sau khi khởi công, dự án được kỳ vọng sẽ tạo sức lan tỏa rất mạnh. “Sẽ có các 'Mạnh Thường Quân' cho dự án nhưng là 'Mạnh Thường Quân' quốc tế. Dự kiến đến năm 2028, sẽ xong và có thể thu hút được vốn nước ngoài từ các nhà đầu tư quốc tế.

Hiện, UBND TP. Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho BRG và Sumitomo để xây dựng thành phố thông minh nhưng với các khu vực nhà ở, hiện BRG chưa hề xin đầu tư 1ha nào.

Bà Nga cũng nhấn mạnh tới việc thực hiện quy hoạch dự án để cống hiến và khẳng định, BRG sẽ không làm các dự án nhiều nhà ở tại trục tuyến này. Bà cũng chia sẻ, dự án sẽ gồm nhiều hạng mục từ công viên ven sông, có làng ASEAN, khu đại học và giữ được các làng xóm hiện hữu, cư dân tại đây vẫn kết nối được với thành phố hiện tại.

"Đáng chú ý, Chính phủ hoàn toàn đồng ý giao hơn 2.000ha cho BRG và Sumitomo nhưng chúng tôi nhận chỉ làm 1 phần thôi. Dự án này không phải là cho các đại gia vào bán nhà mà thực sự là cống hiến", bà Nga khẳng định.

Về tiến độ dự án, Chủ tịch BRG cho biết, thực hiện các dự án chia làm 5 giai đoạn, trong đó Sumitomo và BRG thực hiện giai đoạn 1 xây dựng phần “lõi” của dự án trên diện tích khoảng 271ha.

Các hạng mục chính được đầu tư sẽ bao gồm toà nhà trung tâm tài chính, các tiện ích từ trường học, đường tàu cao tốc, quảng trường, đường giao thông và nhà ở hỗn hợp… Tại đây, sẽ được xây dựng một hồ quy mô như Hồ Hoàn Kiếm nhưng khác ở chỗ không có tháp rùa. Hạng mục này được trao cho phía Nhật làm và đây là điểm nhấn nổi bật của trung tâm.

Không có chuyện thay đổi quy hoạch

Là một trong những thành viên Ban Giám khảo chấm duyệt quy hoạch, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, với khu vực hơn 2.000ha tổ chức không gian theo mô hình nói trên, chúng ta hoàn toàn có thể làm được theo hướng một đô thị thông minh. Đô thị thông minh sẽ được hiểu theo hướng ngôi nhà thông minh, đường phố thông minh…

Hiện 20 công ty của Nhật Bản đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng dự án. Trong đó, có nhiều tập đoàn lớn như Sumitomo, Mitsubishi, công ty tàu điện ngầm Tokyo Metro… Có thể đây sẽ là khu đô thị hiện đại bậc nhất của Việt Nam.

Làm quy hoạch đã khó, giữ được quy hoạch lại càng khó hơn. Khi tính đến trường hợp doanh nghiệp xin điều chỉnh quy hoạch, ông Chính thẳng thắn nói trong thi tuyển, các cơ quan đã đặt bài toán cụ thể cho đơn vị thiết kế liên quan đến các vấn đề văn hóa, lịch sử, về tự nhiên và toàn bộ khu vực dân cư.

Trong đó, vấn đề tự nhiên ở khu vực này rất đặc biệt, có sông ngòi, làng, hồ ao, đặc biệt là có thành Cổ Loa, một di tích lịch sử đặc biệt quan trọng. "Chúng ta cũng đưa hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vào để khu dân cư truyền thống phù hợp với toàn bộ quy hoạch", ông Chính nói.

Ông Chính cho biết, do đặc thù đơn vị nước ngoài tư vấn thiết kế, nên độ chính xác được yêu cầu lên đến từng centimet và khi đó, Tập đoàn BRG đã phải chi rất nhiều tiền thuê máy bay quân sự đo chính xác từng điểm quy hoạch.

"Khi đã có sự quy hoạch về ranh giới và phân khu chức năng cho từng vùng rồi thì chúng ta không ngại xây dựng sẽ phá vỡ tất cả quy hoạch vốn có", ông Chính bày tỏ.

Hiện TP. Hà Nội đang mời gọi các nhà đầu tư và trục đường Nhật Tân – Nội Bài cũng được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Đã có cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cùng nghiên cứu, xem xét dự án ngay từ ý tưởng đến việc thực hiện ý tưởng.

Lãnh đạo Hà Nội cũng khẳng định, sẽ đứng ra bàn giao đất sạch cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. "Khi chính quyền hỗ trợ, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sẽ nắm tay nhau để thực hiện ý tưởng của mình", ông Chính khẳng định.

Bài 2: Cần công khai chi tiết dự án trước khi khởi công

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top