Aa

Bài 1: “Một con ngựa đau cả tàu trước nguy cơ... mất vốn”!

Thứ Ba, 08/01/2019 - 07:50

Nếu dự án bất động sản bị thu hồi, tưởng chừng chỉ có doanh nghiệp bất động sản “mất ăn mất ngủ”, nhưng thực tế, những tổ chức tài chính thậm chí còn “hoảng hồn” hơn...

Giả định, nếu vốn là "chìa khóa" của ngân hàng thì đất là "chiếc khóa" của doanh nghiệp bất động sản. Nếu thu hồi đất đồng nghĩa với việc vứt chìa khóa của cả ngành tài chính và bất động sản, thị trường chứng khoán... Nếu để xảy ra hiệu ứng domino thì các chuyên gia đặc biệt cảnh báo về một khủng hoảng trở lại như năm 2009 - 2013.

Khu đất công số 8-12 Lê Duẩn quận 1, TP. HCM

Khu đất công số 8 - 12 Lê Duẩn quận 1, TP.HCM nằm trong diện bị thu hồi tới đây.

Tới đây, 300 khu đất công bán chỉ định không qua đấu thầu trên địa bàn TP. HCM sẽ bị thu hồi đem đấu giá, nhằm giải quyết những sai lầm trong quá khứ của một số đơn vị chức năng có liên quan.

Mà theo Sở TNMT TP, nguyên nhân khiến một số dự án nêu trên không thực hiện là do chủ đầu tư không có năng lực thực hiện hoặc thiếu nguồn lực, thiếu vốn và kinh nghiệm triển khai. Sau khi “xí phần” được khu đất đẹp lại thay đổi chủ đầu tư, đổi tên dự án. Ngoài ra, các khu đất đưa vào kế hoạch sử dụng đất để kêu gọi đầu tư theo Luật Đấu thầu vẫn chưa tìm được nhà đầu tư hoặc chuyển đổi sang hình thức, mục đích sử dụng đất khác.

Tuy nhiên, giả định khi dự án bất động sản bỗng dưng bị thu hồi “sau một đêm” sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho các bên. Không chỉ chủ đầu tư dự án “đau lòng” vì mất dự án, giảm giá trị thương hiệu, giảm vốn hóa, giảm uy tín... mà ngân hàng còn "hoang mang" hơn khi mà khoản nợ của doanh nghiệp bỗng trở thành nợ xấu, đồng nghĩa với nỗ lực xóa bớt nợ xấu suốt cả năm 2018 “đổ xuống sông xuống biển”.

Chưa kể, những doanh nghiệp ngành phụ trợ như nhà thầu, xây dựng, vật liệu xây dựng, nội thất cũng chịu tác động gián tiếp. Và đặc biệt, người mua nhà chưa rõ quyền định đoạt tài sản dù đã bỏ tiền ra mua.

Ở bài này, Reatimes sẽ đặt một bài toán giả định khi 300 dự án bị thu hồi sẽ tác động như thế nào hệ thống ngân hàng?

Mới đây, ngày 4/1, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội TP.HCM năm 2019, bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết thời gian qua Sở Tài chính đã rà soát việc sử dụng nhiều mặt bằng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định tại Nghị định 167/2017 về sắp xếp nhà đất công trên địa bàn TP và đã phát hiện hàng trăm khu đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích và thậm chí gây lãng phí, làm thất thu cho ngân sách.

Chính vì vậy, Sở Tài chính đề nghị Trưởng ban chỉ đạo 167 (trước đây là Ban chỉ đạo 09) ra quyết định hủy bỏ 300 quyết định, công văn chỉ định bán các mặt bằng và địa chỉ nhà đất công cho các tổ chức, cá nhân mà không thông qua đấu giá. Sau khi thu hồi các khu đất này, TP sẽ đưa vào bán đấu giá theo quy định.

Đặc biệt, Sở Tài chính cũng sẽ tiếp tục rà soát danh mục các mặt bằng và địa chỉ nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng lãng phí, mặt bằng đã có chủ trương cho chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chủ đầu tư chưa triển khai để thu hồi, tổ chức bán đấu giá.

Như vậy, với 300 dự án tới đây bị thu hồi tại TPHCM sẽ có nhiều chục doanh nghiệp bất động sản bị cắt mất danh mục tài sản, vốn hóa, thương hiệu... Trong nội bộ doanh nghiệp này, câu chuyện giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn nhân sự sẽ là bài toán đau đầu cho doanh nghiệp thời điểm cuối năm và những năm tiếp theo.

Hoặc trên thị trường chứng khoán, “từ khóa đất” của doanh nghiệp bất động sản bỗng dưng biến mất và cắt gọt. Đồng nghĩa với việc họ mất dần niềm tin với nhà đầu tư, bởi khi đầu tư cổ phiếu bất động sản, họ quan tâm hàng đầu là quỹ đất của doanh nghiệp mà thôi. Giá cổ phiếu đi xuống, lúc này lỗi của doanh nghiệp hay của chính sách?

Với nhà đầu tư ngoại, niềm tin vào doanh nghiệp bất động sản của Việt Nam bỗng chốc tan biến, thậm chí họ phải tháo tìm cách tháo chạy. Khi đó, không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp đó mà còn ảnh hưởng đến dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán. Môi trường đầu tư tài chính của Việt Nam bị ảnh hưởng kép.

Chẳng hạn, xét trường hợp một doanh nghiệp X có hàng chục dự án bất động sản tại TP.HCM. Hiện doanh nghiệp này đang vay hàng chục ngân hàng trong và ngoài, nợ trái phiếu nhiều đơn vị tài chính khác. Ngoài ra, doanh nghiệp đang vay ngắn và dài hạn nhiều quỹ đầu tư nước ngoài hàng nghìn tỷ đồng.

Vậy dự án dừng, bài toán khó có chỉ còn dành riêng cho doanh nghiệp X này hay không?

Thực tế, doanh nghiệp bất động sản có thể phát triển dự án thì ngân hàng là người “cung cấp máu”. Khi đất của dự án bỗng dưng bị vô hiệu hóa, thì ngân hàng là người lo đầu tiên.

Hiện nay, trên 70% vốn dự án của doanh nghiệp bất động sản dựa vào ngân hàng. Chưa kể, vốn dự án lấy từ ngân hàng theo nhiều hình thức, vốn doanh nghiệp vay có khi tới 85% giá trị dự án hoặc hơn; thứ 2, vay qua thế chấp dự án, vay qua người mua nhà thì còn số thực tế chưa hẳn đã dừng ở đó.

Theo tìm hiểu của Reatimes, những dự án tại TP.HCM đa phần có quy mô vốn lớn hàng nghìn tỷ đồng. Giả định một ví dụ đơn thuần rằng, mỗi dự án này trị giá trên dưới 1.000 tỷ đồng, nhân với 300 dự án bị thu hồi, ước tổng giá trị khoảng trên dưới 300.000 tỷ đồng.

Mỗi dự án này thường nằm vốn 70% tại ngân hàng, thì ước chừng nợ xấu tồn khoảng trên dưới 210.000 tỷ đồng.

Con số khủng trên liên quan đến nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ được Reatimes cùng các chuyên gia tài chính đưa ra góc nhìn đa chiều ở những bài tiếp...!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top