Lời toà soạn:
Ngày 1/11/2021, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) chính thức trở thành TP. Từ Sơn. Là cửa ngõ của tỉnh Bắc Ninh và là trung tâm thứ hai về hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, dịch vụ của tỉnh, TP. Từ Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Trong hành trình chuyển mình lên thành phố, Từ Sơn đã có chính sách phát triển sáng tạo, góp phần tạo ra sự đổi thay đáng kể trong đời sống – xã hội – kinh tế. Thế nhưng, cũng trong hành trình đó, đã có những dự án ra đời, song hành cùng tiến trình chuyển mình của Từ Sơn, đến nay vẫn còn là sự nhức nhối khi những lá đơn khởi kiện của người dân vẫn bỏ ngỏ. Đâu là khởi nguồn của những lá đơn? Đâu là bài học sau giai đoạn phát triển các dự án kinh tế tại Từ Sơn?
Theo chủ trương của UBND tỉnh Bắc Ninh, những năm qua, kinh tế của thị xã Từ Sơn liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đặc biệt là địa bàn các xã phường khu vực 2 bờ kênh Ngũ Huyện Khê, nơi tập trung các làng nghề truyền thống.
Quay trở lại câu chuyện của TP. Từ Sơn, Bắc Ninh. Hơn 10 năm trước, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chủ trương thu hồi một phần diện tích đất tại các xã, phường: Hương Mạc, Phù Khê, Châu Khê, Đồng Kỵ và giao khu đất này cho các chủ đầu tư thuê để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các dự án kinh doanh khu dịch vụ thương mại và làng nghề.
Thế nhưng, trong quá trình phát triển hơn 1 thập kỷ qua, có nhiều dự án phát triển kinh tế đã và đang để lại “vết sạn” khi lá đơn của người dân vẫn được gửi tới cơ quan chức năng để chờ làm sáng tỏ “đen – trắng”. Trong phạm vi tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá, Reatimes đăng tải tuyến bài Khi dự án phát triển kinh tế “biến tướng”: Nhìn từ câu chuyện phát triển của TP. Từ Sơn (Bắc Ninh) nhằm khảo sát, đánh giá lại thực trạng phát triển một số dự án kinh tế trên địa bàn, trên cơ sở đó rút ra bài học, đồng thời đề xuất giải pháp đóng góp cho quá trình trình phát triển của TP. Từ Sơn.
Công ty Mạnh Đức phản hồi gì về đơn tố cáo?
Trong bài 1, Reatimes đã đăng tải nội dung liên quan đến đơn tố cáo của một số hộ dân tại phường Hương Mạc, TP. Từ Sơn đối với doanh nghiệp là Công ty Mạnh Đức.
Để xác nhận lại thông tin, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Mạnh Đức. Tại buổi trao đổi, ông Huy đã cung cấp các giấy tờ liên quan đến dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu dịch vụ làng nghề xã Phù Khê - Hương Mạc.
Trước tố cáo của người dân cho rằng, công ty Mạnh Đức “lừa” dân ký hợp đồng góp vốn, sau đó thu lại hợp đồng và đưa người dân ký hợp đồng cho thuê đất hàng năm, đến hiện tại yêu cầu các hộ kinh doanh phải nộp tiền thuê đất hàng năm, đại diện Công ty khẳng định: “Trước đó, người dân đã ký hợp đồng cho thuê đất hàng năm. Nhưng giờ họ lại bảo “tôi không biết”. Đi mua đất, ký hợp đồng thì phải đọc”.
Vị này cũng cho biết, Công ty Mạnh Đức đã phải nộp thuế đều đặn 10 năm qua. “Tôi chẳng phải giấu. Đúng thế thì giấu làm gì”, ông Huy nói.
Về nội dung tố cáo công ty trốn thuế, cụ thể giá bán thực tế là con số khác so với hoá đơn ghi nhận, ông Huy lý giải, trước đó, công ty và một số khách hàng ký hợp đồng góp vốn để xây dựng dự án. Sau đó, doanh nghiệp đã trả lại tiền góp vốn. Ông Huy cũng công bố giấy tờ xác nhận bao gồm hợp đồng, giấy biên nhận nhận lại tiền góp vốn với khách hàng là ông Nguyễn Văn Yên. “Tôi đã trả lại tiền góp vốn cho người ta. Ông góp vốn bao nhiêu tôi trả lại từng đấy. Tôi có trốn thuế đâu? Tôi làm sao có thể ép được ông Yên ký. Hợp đồng, hoá đơn đầy đủ hết”.
Giải thích thêm về đơn tố cáo rằng phía công ty đang giả mạo chữ ký ông Yên để lập giấy tờ hoàn trả tiền vốn góp, ông Huy nhấn mạnh: “Ông Yên nói đó là chứng cứ giả, hồ sơ giả. Phía Công an Từ Sơn đang đợi ông Yên làm cái đơn tố cáo xác nhận đây là chứng cứ giả, hồ sơ giả để họ vào cuộc đấy”.
Trước đề nghị phóng viên xin lại ảnh chụp biên bản xác nhận ông Yên đã nhận lại toàn bộ tiền góp vốn, ông Huy cho biết: “Tôi chưa muốn đưa tài liệu. Công an đang thông báo tài liệu cứ từ từ, đừng đưa cho ai” (?)
Còn về việc xây dựng không đúng quy hoạch trong đơn tố cáo, ông Huy cho biết: “Tôi làm gì tự ý điều chỉnh quy hoạch. Quy hoạch đã được điều chỉnh từ năm 2013”. Ông Huy cũng bổ sung thêm rằng, những hộ dân gửi đơn tố cáo đang hiểu nhầm hoặc cố tình không hiểu. Tiền thuê đất mà người dân đã trả là tiền hạ tầng. Còn tiền thuê đất hàng năm là khoản tiền thông báo từ phía Cục thuế”.
“Theo quan điểm của tôi, những gì liên quan đến pháp lý, mọi người phải tìm hiểu. Liên quan đến việc các hộ dân có đơn kiện, theo tôi, hãy để cơ quan nhà nước có kết luận thông báo. Các đơn vị báo chí cũng nên đợi kết luận chuyên sâu. Chúng tôi sai đến đâu cơ quan nhà nước xử chúng tôi đến đấy. Hộ dân kiện sai cũng sẽ bị xử lý. Cái này liên quan đến dân sự, cơ quan nhà nước chính quyền, tỉnh, TP. Từ Sơn”.
Chính quyền TP. Từ Sơn nói gì?
Theo các hộ dân tại phường Hương Mạc, họ đã gửi nhiều lần đơn phản ánh đến các cấp chính quyền, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết. Trong đơn gửi đi, những người dân còn cho rằng: “Có dấu hiệu bao che hành vi sai phạm của Công ty Mạnh Đức”.
Trước đó, ngày 18/1/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh có Văn bản số 148/UBND-NC yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Từ Sơn kiểm tra, xem xét, giải quyết đơn của những công dân tố cáo một số sai phạm của Công ty TNHH Mạnh Đức trong việc thực hiện Dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu dịch vụ làng nghề xã Phù Khê - Hương Mạc.
Ngày 24/02/2023 UBND thành phố Từ Sơn đã tổ chức buổi đối thoại về các nội dung đơn của công dân giữa Công ty TNHH Mạnh Đức với các công dân có đơn để trực tiếp giải quyết nội dung phản ánh, kiến nghị của các công dân.
Ngày 9/3/2023, UBND thành phố Từ Sơn đã ra báo cáo số 49/BC-UBND về kết quả giải quyết đơn của công dân. Cụ thể, ngày 12/9/2022, UBND thành phố có Văn bản Hướng dẫn số 294/HD-TCD về việc hướng dẫn công dân khởi kiện tại Tòa án nhân dân. Ngày 27/11/2022, Công an thành phố Từ Sơn có Thông báo số 2677/TB - CSKT, thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm theo tố giác của ông Nguyễn Văn Yên cùng một số người dân ở phường Hương Mạc, có nội dung.
Cũng trong ngày 9/3, UBND thành phố Từ Sơn đã có Quyết định về việc thành lập Tổ công tác Kiểm tra việc thực hiện công tác quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng tại Dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu dịch vụ làng nghề phường Phù Khê - Hương Mạc theo đơn kiến nghị, phản ánh của công dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Hạnh, Phó Chánh Văn phòng thành phố Từ Sơn cho rằng, thành phố đã nhận được đơn của hộ dân liên quan đến dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu dịch vụ làng nghề phường Phù Khê - Hương Mạc.
Theo ông Hạnh, có 3 vấn đề trong đơn gửi tới. Thứ nhất, về hợp đồng của dân với doanh nghiệp liên quan đến việc trả tiền 1 lần hay hàng năm, thành phố đã có hướng dẫn công dân gửi đơn ra toà vì vấn đề này thuộc tranh chấp dân sự.
Thứ hai, người dân bảo rằng, họ bỏ tiền tỷ ra nhưng hoá đơn chỉ ghi nhận mấy trăm triệu. Chênh lệch đó có trốn thuế hay như thế nào, phía công an sẽ giải quyết.
Thứ ba, liên quan đến công dân phản ánh công ty Mạnh Đức tự ý điều chỉnh quy hoạch thì chính quyền địa phương sẽ giải quyết. Thành phố Từ Sơn đã thành lập đoàn kiểm tra vào ngày 9/3.
“Còn nội dung liên quan đến đề nghị sửa lại giấy chứng nhận, ghi lại “không phải đóng tiền hàng năm” mà “đóng tiền một lần” thì Sở Tài Nguyên có trách nhiệm. Thành phố sẽ trả lời những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của mình”, ông Hạnh nói.
Đến ngày 12/4, UBND thành phố Từ Sơn đã chính thức có trả lời đơn của ông Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Yên và một số công dân cư trú tại phường Hương Mạc, Phù Khê.
Theo đó, UBND thành phố Từ Sơn cho rằng: “Việc một số công dân phản ánh Công ty Mạnh Đức triển khai dự án chưa thực hiện đúng quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt là có cơ sở”.
Theo UBND thành phố Từ Sơn, quá trình thực hiện quy hoạch, dự án vẫn còn một số vấn đề bất cập. Thứ nhất, chưa đầu tư thi công hạng mục cấp nước và trụ tiếp nước chữa cháy. Thứ hai, chưa thực hiện thi công hạng mục vỉa hè thuộc dự án phía tiếp giáp lối vào trạm bơm theo quy hoạch. Thứ ba, xây dựng công trình nhà 1 tầng cấp 4 kết hợp nhà khung thép, lợp mái tôn trên đất quy hoạch Nhà điều hành mật độ xây dựng chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết được phê duyệt, xây dựng chồng lấn vào khu đất quy hoạch cây xanh. Thứ tư, xây dựng công trình nhà khung sắt lợp mái tôn chồng lấn quy hoạch tại Khu đất quy hoạch đất hạ tầng kỹ thuật.
Dự án còn xây dựng lắp đặt công trình trạm biến áp phục vụ dự án tại vỉa hè đường giao thông nội bộ, chưa phù hợp quy hoạch chi tiết được phê duyệt.
Bên cạnh đó, dựng lán tạm khung thép, mái lợp tôn, quay lưới mắt cáo tại khu đất quy hoạch bãi đỗ xe chưa phù hợp với quy hoạch chi tiét được phê duyệt. Đồng thời, Công ty Mạnh Đức chưa chủ động trình UBND tỉnh khảo sát bổ sung diện tích để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo chủ trương của UBND tỉnh Bắc Ninh tại văn bản số 2161/UBND-XDCB và Quyết định số 146/QĐ-SXD.
Trên cơ sở kiểm tra, Chủ tịch UBND thành phố Từ Sơn yêu cầu Công ty Mạnh Đức phải thực hiện ngay việc đầu tư thi công các hạng mục đang thiếu. Ngoài ra, tiến hành tổ chức phá dỡ các công trình đã xây dựng vi phạm quy hoạch tại khu điều hành và bãi đỗ xe. Công ty Mạnh Đức phải phối hợp với Phòng quản lý đô thị, Đội trật tự xây dựng thành phố và UBND phường: Phù Khê, Hương Mạc thực hiện xử lý các công trình vi phạm…theo quy định của pháp luật.
Như vậy, sau nhiều năm gửi đơn đến cơ quan chức năng, hiện tại những vấn đề bất cập có hay không của dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu dịch vụ làng nghề phường Phù Khê - Hương Mạc do Công ty Mạnh Đức làm chủ đầu tư đã được làm rõ một phần. Nhưng điều đáng nói, phải đến khi những công dân gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng thì sai phạm về quy hoạch tại dự án tồn tại hơn 10 năm của Công ty Mạnh Đức mới được UBND thành phố Từ Sơn thanh tra và chỉ ra. Một dự án nằm trên địa bàn thành phố, từng là dự án trọng điểm trong phát triển kinh tế nhưng chính quyền Từ Sơn đã “không nhận ra”, “không kiểm tra” hay đó là sự tắc trách trong quản lý đô thị khi để việc thực hiện quy hoạch sai phạm và chồng chéo của một dự án kéo dài nhiều năm đến vậy.
Có lẽ, điều đáng tiếc hơn khi thực tế, hệ luỵ từ bất cập nảy sinh đã hiện hữu, đó là những lá đơn của người dân "thấp cổ bé họng", là niềm tin của người dân vào pháp luật khi đã nhiều năm trôi qua, họ vẫn trong tình trạng “chờ và đợi” sự can thiệp của các cơ quan quản lý Nhà nước. Trách nhiệm của thanh tra xây dựng, của cơ quan quản lý đô thị ở đâu khi để một dự án còn tồn đọng quá nhiều bất cập? Và hơn hết, trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi để cho lá đơn của người dân buộc phải gửi đến cơ quan quản lý Trung Ương để “cầu cứu”?
Hơn lúc nào hêt, các đơn vị chức năng, chính quyền sở tại cần có những phương án cụ thể, quyết liệt xử lý vấn đề còn tồn đọng trong việc quản lý. Chỉ ra được cái sai của doanh nghiệp là việc làm rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên để tránh việc " đánh trống bỏ dùi" gây mất niềm tin của người dân vào công lý, về sự minh bạch của cơ quan chính quyền lại là việc cấp thiết.
Nhìn rộng hơn, đó là vấn đề nhức nhối trong quản lý, giải quyết bất cập từ dự án dính lùm xùm các sai phạm. Đâu là bài học được rút ra?
Bài 3: Quản lý, giải quyết bất cập những hệ luỵ phát sinh từ dự án bị tố sai phạm: Nhìn từ dự án của Công ty Mạnh Đức