Aa

Bài 2: Không “cổ tức” đừng vội tức!

Thứ Sáu, 17/07/2020 - 06:00

Mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều cổ đông nhìn nhau về cổ tức. Tuy nhiên, bên có cổ tức chưa chắc vui hơn bên không cổ tức.

Lời toà soạn

Đến đầu tháng 7/2020, đa phần các ngân hàng trong hệ thống đã họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020. So với thường lệ, năm nay các ngân hàng tổ chức muốn hơn gần 1 quý do đại dịch bệnh. Dù cũng đã đi hết nửa chặng đường nhưng lãnh đạo các ngân hàng lại khá đau đầu đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2020.

Trong bối cảnh thị trường "nhuốm màu" bệnh dịch, nhiều ngân hàng chịu ảnh hưởng kép do khách hàng là doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa, thị trường bất động sản trì trệ, nếu ngân hàng để con số lợi nhuận quá hấp dẫn sẽ không thức thời, nhưng cũng khó có thể để con số quá thấp vì điều này ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng và giá cổ phiếu của ngân hàng đó. Vì thế mới nói, con số lợi nhuận 2020 là câu chuyện đau đầu của lãnh đạo các ngân hàng trước đại hội cổ đông.

Dưới góc nhìn vĩ mô, Reatimes khởi đăng tuyến bài Thấy gì từ mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm 2020? nhằm phản ánh thông tin về tình hình sức khoẻ của hệ thống tài chính, cũng như tình hình tín dụng cho thị trường bất động sản.

Chỉ tiêu lợi nhuận, chia cổ tức, tăng vốn, xử lý nợ xấu, tăng nguồn thu từ dịch vụ là tâm điểm thu hút sự quan tâm của cổ đông tại mùa đại hội ngân hàng năm 2020.

Không cổ tức có lẽ không còn là câu chuyện mới với các cổ đông dòng cổ phiếu ngân hàng. Nhưng năm nay, khá nhiều ngân hàng rộng tay chia cổ tức cho cổ đông, trong khi nhiều ngân hàng khác lại khiến cổ đông ấm ức.

Dịch Covid-19 xuất hiện làm thay đổi kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng trong hệ thống tài chính. Lãnh đạo ngân hàng trước mùa cổ đông năm nay có lẽ đã rất đau đầu để có thể đưa ra con số tài chính mục tiêu cho năm 2020 sao cho phù hợp và sát với thực tế nhất. Ngược lại, câu chuyện cổ tức lại dường như dễ dàng hơn, bởi đã có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, trong Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông. Trước mắt, ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Thực tế trong vài năm trở lại đây, kể cả lợi nhuận của ngân hàng có tăng cao thì cũng chỉ có một vài nhà băng chia cổ tức bằng tiền mặt, chủ yếu vẫn là chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vì vậy, Chỉ thị 02 không ảnh hưởng nhiều tới vấn đề chia cổ tức của các ngân hàng.

Chỉ thị 02 yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức 2019 bằng tiền mặt, để dành nguồn lực giảm lãi suất. Mặt khác, yêu cầu này được đưa ra cũng để hỗ trợ một số ngân hàng đang phải trải qua quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

Theo quan sát của PV Reatimes, nhiều ngân hàng công bố kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tại ĐHCĐ thường niên 2020. Đơn cử như, HDBank thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần.

Cụ thể, dựa trên mức lợi nhuận sau thuế hơn 4.020 tỷ đồng trong năm 2019, sau khi trích lập các quỹ, cộng với phần lợi nhuận giữ lại của các năm trước, HDBank sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50% và phát hành thêm 15% cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần (dự kiến là 1.448 tỷ đồng) để tăng vốn điều lệ. Như vậy, tổng mức chi trả cho cổ đông lên đến 65%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên TPBank, lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong năm 2020 sẽ tăng vốn điều lệ theo kế hoạch từ 8.566 tỷ đồng lên 10.199 tỷ đồng. TPBank dự kiến tăng vốn bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%. Việc tăng vốn sẽ thực hiện trong hai quý cuối năm.

Hay như, VIB dự kiến chia cổ phiếu thưởng 20%, sử dụng nguồn từ lợi nhuận 2019 và các quỹ thuộc nguồn vốn. SHB lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm 2019 với tỷ lệ 10%. Tại ĐHĐCĐ MSB, lãnh đạo ngân hàng này cho biết có thể chia cổ tức 10% trong điều kiện tốt.

Mùa đại hội cổ đông năm nay, ngược lại với những ngân hàng kể trên, không ít cổ đông tỏ ra thất vọng khi không được chia cổ tức tại cuộc họp của các ngân hàng Sacombank, ABBank, PVcomBank, VPBank, Vietcombank… Lý do được đưa ra là ngân hàng phải giữ lại phần lợi nhuận để tái cấu trúc, tăng vốn trong thời gian tới. 

Vietcombank để ngỏ hai phương án trả cổ tức 8% bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt; hoặc không trả mà giữ lại toàn bộ lợi nhuận phục vụ sản xuất kinh doanh. 

Còn tại Đại hội Sacombank, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho biết: "Hiện, lợi nhuận trích quỹ đã hơn 4.000 tỷ đồng và khi Ngân hàng Nhà nước cho phép thì Sacombank mới được chia cổ tức. Hội đồng quản trị cũng rất muốn được chia cổ tức bởi nhờ đó mà cổ phiếu mới tăng giá và Hội đồng quản trị mới có tiền để tiêu dùng. Hy vọng đến năm 2023, Sacombank sẽ thoát được cảnh tái cơ cấu, sẽ chia được cổ tức cho cổ đông".

Năm 2020 hứa hẹn là một năm nhiều "sóng gió" với nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Đa số các ngân hàng đều nhận thức rất rõ khó khăn này nên mục tiêu kinh doanh năm 2020 đều đã được điều chỉnh để phù hợp với thực tế.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia tài chính và cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu ngành ngân hàng sẽ tăng cao, còn lợi nhuận lại giảm vì phải giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Tín dụng và huy động đều tăng trưởng thấp do doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động hoặc hạn chế mở rộng quy mô.

Ngành ngân hàng đang cùng lúc phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc tái cơ cấu hệ thống mới chỉ đạt được một số thành tựu bước đầu như nâng cao năng lực tài chính, giải quyết phần nào nợ xấu, thì nay lại phải đối mặt với những khó khăn mới từ dịch bệnh mang lại. Nợ xấu cũ chưa qua, nợ xấu mới đang ập tới sẽ tạo gánh nặng lên lợi nhuận năm 2020 và việc chia cổ tức e rằng sẽ còn khó khăn hơn nữa.

Ông Huỳnh Tuấn - Giám đốc Tư vấn CTCK Mirae Asset

Chưa kể, đối với doanh nghiệp không có tiềm năng tăng trưởng, việc nhận cổ tức có thể khiến nhà đầu tư chịu thiệt, bởi trong khi giá tham chiếu của cổ phiếu bị điều chỉnh tương ứng theo tỷ lệ chi trả cổ tức vào ngày giao dịch không hưởng quyền, thì khoản cổ tức trước khi về đến tài khoản còn phải chịu thuế thu nhập cá nhân (5% số cổ tức được nhận).

Chia sẻ với Reatimes, ông Huỳnh Tuấn - Giám đốc Tư vấn CTCK Mirae Asset cho rằng, chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước đã nêu rõ các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt vì lợi ích chung của nền kinh tế. Trong đó, các ngân hàng tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới. 

Năm nay, câu chuyện đáng quan tâm nhất là nợ xấu. Sẽ khó có con số chính xác về nợ xấu năm 2020 nhưng để bảo toàn vốn, các ngân hàng sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Chỉ một số ngân hàng cần tăng vốn, tăng quy mô tài sản mới trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ đông cũng chớ vội mừng, vì thực chất đây là hình thức bút toán, chia nhỏ giá trị cổ phiếu để tăng vốn cho ngân hàng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top